Tố cáo qua email, mạng xã hội: Cần đầy đủ bằng chứng
Tại phiên thảo luận tổ về Luật Tố cáo (sửa đổi) của Quốc hội chiều 30/5, nội dung liên quan đến quy định về hình thức tố cáo của công dân đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu và của dư luận.
Trong đó, có ý kiến cho rằng chỉ nên tiếp nhận tố cáo bằng đơn và trực tiếp, không nên bổ sung hình thức qua fax hay email để tránh tình trạng lợi dụng các hình thức mới này để bôi nhọ, hạ thấp, nói xấu, xuyên tạc làm xấu đi hình ảnh các tổ chức, cá nhân.
Về vấn đề trên, TS Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, quan điểm không cho phép công dân tố cáo, khiếu nại qua fax, email, mạng xã hội... là cứng nhắc, không phù hợp thực tiễn.
TS Đinh Thế Hưng nhận xét: “Không chấp nhận quyền tố cáo qua fax, email là cứng nhắc. Nhất là trong bối cảnh công nghệ 4.0 như hiện nay thì làm sao cấm được chuyện tố cáo qua email, qua fax, mạng xã hội.
Vấn đề đặt ra ở đây là luật phải đảm bảo được quyền tố cáo của mọi công dân. Quan điểm của tôi là dù công dân tố cáo ở đâu thì dứt khoát phải có bằng chứng, có căn cứ, để tránh tình trạng nặc danh hay bôi nhọ, vu khống. Còn về hình thức tố cáo theo tôi thì nên có sự thoải mái một chút”.
Video: Học sinh bị đình chỉ nếu phụ huynh chê trường trên mạng xã hội
“Cho nên, vấn đề ở đây là phải xét đến yếu tố nội dung tố cáo có căn cứ, cơ sở hay không, để đến khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, họ hỏi bằng chứng, căn cứ đâu thì người tố cáo phải có để cung cấp. Còn về hình thức tố cáo, đa dạng hóa các hình thức là nhu cầu của thực tế thôi, không có gì là quan trọng cả”, TS Hưng nói.
Theo TS Đinh Thế Hưng, việc người dân nêu ý kiến về cán bộ nhà nước, cơ quan công quyền là việc không thể cấm đoán được bởi đó là quyền của người dân.
“Việc người dân dùng mạng xã hội để đưa ra những ý kiến, quan điểm để nhận xét, bình luận mà ta hay nói nôm na là “nói xấu” một số cán bộ nhà nước, cơ quan công quyền ấy, theo tôi là không thể cấm được. Đó là quyền của họ.
Họ có thể nói thoải mái những gì họ nghĩ, miễn sao là đừng chửi mắng, đừng bêu riếu, miệt thị người khác một cách cụ thể mà vô căn cứ”, TS Hưng bày tỏ quan điểm.
TS Hưng cho rằng, để xác định chuyện “nói xấu” trên có vi phạm vào điều khoản quy định trong luật là xúc phạm nhân phẩm người khác hay không thì phải dựa vào kết luận của cơ quan điều tra.
TS Hưng dẫn chứng: “Chuyện nói xấu người khác trên mạng xã hội, rồi có dấu hiệu vi phạm, rồi kiện cáo nhau ra tòa thì ở đâu cũng có cả. Trên thế giới rất phổ biến, ngay cả như ở Mỹ, Anh hay một số nước châu Âu khác vẫn xảy ra những trường hợp này. Đó là chuyện bình thường thôi, tôi nghĩ không vấn đề gì.
Còn hành vi “nói xấu” đó nếu không có căn cứ thì lại vi phạm vào quyền nhân thân của người khác. Khi đó chính người bị xúc phạm sẽ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Còn cơ quan chức năng có xử lý được hay không quan trọng là phải dựa vào bằng chứng.
Bởi khi anh cho rằng người khác là xấu, thì khi cơ quan chức năng yêu cầu đưa ra bằng chứng mà anh có bằng chứng đầy đủ thì không sao. Còn không có bằng chứng, thiếu cơ sở thì tức là anh phạm vào tội vu khống”.
“Luật Việt Nam cũng quy định rất rõ ràng chuyện này nên không có gì phải e ngại cả”, TS Hưng khẳng định.
Cần xây dựng cơ chế phản biện xã hội
PGS.TS Nguyễn Văn Động, Khoa Hành chính Nhà nước (ĐH Luật Hà Nội) cho biết, không nên xem những ý kiến, quan điểm của người dân khi bày tỏ trên mạng xã hội hiện nay chỉ thuần túy là “nói xấu”, mà cần xem đó là những tiếng nói phản biện vì vẫn có những ý kiến mang tính đóng góp, xây dựng.
Khi người dân “nói xấu” cán bộ trên mạng xã hội, nếu cán bộ không xấu thì việc gì phải sợ?
PGS Nguyễn Văn Động
PGS.TS Nguyễn Văn Động nêu ý kiến: “Tôi không cho rằng đó là hành vi “nói xấu” thuần túy của người dân. Mà có rất nhiều ý kiến của nhiều người là những ý kiến mang tính phản biện xã hội, rất khoa học và hoàn toàn mang tính xây dựng.
Như vậy thì cơ quan chức năng phải tiếp thu chứ, sao lại coi họ là “nói xấu” được? Còn khi người dân “nói xấu” cán bộ trên mạng xã hội, nếu cán bộ không xấu thì việc gì phải sợ?”.
PGS.TS Nguyễn Văn Động cho rằng, phản biện xã hội là sự phản ứng mang tính phủ định trên tinh thần xây dựng, góp ý của xã hội đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nói cách khác, đó là sự phê phán, phê bình của xã hội dựa trên những căn cứ khoa học đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước để Nhà nước xem xét, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý rồi sửa đổi hay bổ sung, thậm chí huỷ bỏ dự thảo chính sách, pháp luật hoặc chính sách, pháp luật đang thi hành.
Với ý nghĩa như vậy thì trong phản biện xã hội không có chỗ dành cho “lời khen" mà chỉ có chỗ cho "lời chê". Nhưng điều quan trọng ở đây là "ai chê, chê cái gì, chê như thế nào và chê nhằm mục đích gì... đó mới là quan trọng".
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Động, xã hội Việt Nam hiện nay đang rất cần những tiếng nói phản biện, để từ đó tiếp thu, điều chỉnh, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của mình.
“Phản biện xã hội sẽ giúp thu hút được ngày càng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tự giác và tích cực vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội – một biểu hiện quan trọng về bản chất của Nhà nước pháp quyền do nhân dân làm chủ.
Ngoài ra, còn bảo đảm cho công dân thực hiện đúng đắn và đầy đủ quyền hiến định của mình về việc tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội”, PGS.TS Nguyễn Văn Động nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Động nhìn nhận: “Theo tôi, sự phản biện của người dân quan trọng nhất vẫn là giúp cho Nhà nước xây dựng và ban hành được những chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi cao, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Thêm vào đó, qua phản biện, cũng giúp Nhà nước phòng chống được những kẻ xấu lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc, bôi xấu chính sách, pháp luật hoặc kích động người khác làm trái chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Video: Chuyện éo le của hai lão nông chống tiêu cực ở Bắc Ninh
Cái chính ở đây là chúng ta đang thiếu đi cơ chế dành cho những tiếng nói phản biện xã hội, bởi thế mới dẫn đến tình trạng “tù mù”, không phân biệt được rõ ràng đâu là tiếng nói phản biện, đâu là hành vi “nói xấu”, cuối cùng đâm ra e ngại”.
Cơ chế bảo vệ người tố cáo phải chặt chẽ hơn
Luật sư Trương Quang Cẩn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho rằng, Luật Tố cáo (sửa đổi) hiện nay cần tăng cường thêm cơ chế bảo vệ người tố cáo, khiếu nại. Bởi thực tế, tình trạng trù dập, trả thù người tố cáo, khiếu nại hiện nay là rất phổ biến.
Luật sư Trương Quang Cẩn nhận xét: “Theo tôi, một số điều khoản quy định trong Luật Tố cáo hiện nay cần phải sửa đổi lại cho phù hợp thực tế hơn. Cụ thể là cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo, khiếu nại được tốt hơn nữa. Tôi thấy nhiều vụ việc, mà thậm chí người tố cáo còn bị trù dập ngay từ đầu.
Ví dụ như có những vụ việc sai phạm nghiêm trọng ở một trường học mà báo chí đăng tải gần đây đã khiến dư luận rất bức xúc. Một chị giáo viên đứng ra tố cáo sai phạm của lãnh đạo nhà trường, thay vì điều tra, xử lý thì huyện huy động cả “hệ thống chính trị” vào để trù dập. Từ chủ tịch huyện, rồi bà hiệu trưởng, công đoàn trường đứng ra trù dập cô giáo nọ, rồi chuyển công tác đến mấy lần.
Từ vụ việc trên đặt ra câu hỏi vậy ai sẽ đứng ra để bảo vệ những người tố cáo? Luật Tố cáo thì nói có đấy, nhưng mà rất chung chung, thực tế để đưa vào vận hành thì còn quá nhiều sự bất cập”.
Luật sư Cẩn cho rằng, việc Quốc hội họp bàn về vấn đề sửa đổi Luật Tố cáo là cần thiết. Vấn đề đặt ra là luật Tố cáo phải có những điều khoản cụ thể hơn và chặt chẽ hơn về bảo vệ người đứng ra tố cáo. Bởi hiện tượng người tố cáo bị trù dập, trả thù hiện nay xảy ra rất nhiều.
“Cũng vì người dân bức xúc quá, không gửi đi đâu được, lại sợ bị trả thù nên họ mới buộc phải gửi qua email hay viết lên trên mạng xã hội”, luật sư Cẩn nói.
Đối với hình thức tố cáo, khiếu nại qua email, luật sư Trương Quang Cẩn cho biết, hiện nay nếu áp dụng ngay thì rất khó: “Tất cả những email của ta hiện nay chưa quản lý được, có người mở đến 3 – 4 địa chỉ email, có ai quản lý được đâu.
Email không được đưa vào quy định của pháp luật, không thông qua đăng ký thông tin cá nhân, tổ chức thì cơ sở nào để xác nhận đó không phải là email nặc danh? Nên vấn đề tố cáo, khiếu nại gửi qua email sẽ khó nhận biết thế nào là thật, thế nào là giả”.
Bình luận