• Zalo

Đại tướng Lê Đức Anh: Từ người phu cao su đến nhà quân sự, chính trị xuất sắc

Thời sựThứ Hai, 22/04/2019 22:23:00 +07:00Google News

Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà quân sự, chính trị xuất sắc, nhân dân và lịch sử ghi nhận đóng góp lớn lao của ông cho đất nước.

Vừa làm phu cao su vừa tuyên truyền cách mạng

Năm 1940, sau khi từ Đà Lạt về Lộc Ninh vào làm phu cao su cho đồn điền CEXO, công việc chính Đại tướng Lê Đức Anh lúc này là làm ba tê, xúc xích.

Từ khi về đây làm việc, công việc không bị quản lý chặt như phu cạo mủ cao su, lại có điều kiện đi lại giữa các đồn điền, đồng chí Lê Đức Anh có điều kiện đến các làng tiếp xúc với phu cao su. Từ đó, ông tận dụng cơ hội để vận động, xây dựng phong trào cách mạng.

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào cách mạng chung toàn tỉnh, đầu năm 1943, tại Làng 1, đồn điền cao su Dầu Tiếng, Tỉnh ủy lâm thời (gọi là Ban cán sự Đảng) tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập do ông Văn Công Khai làm Bí thư, Đại tướng Lê Đức Anh khi ấy được bổ sung vào Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy phân chia địa bàn hoạt động ra làm hai vùng phía Bắc và phía Nam, phân công cán bộ chỉ đạo trực tiếp các vùng, Đại tướng Lê Đức Anh và ông Nguyễn Văn Trung chỉ đạo phong trào Lộc Ninh và toàn bộ vùng phía Bắc.

Dai tuong Le Duc Anh 3

 Đại tướng Lê Đức Anh trong một lần thăm lại Căn cứ Tà Thiết. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Tháng 2/1944, một chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở Lộc Ninh gồm 5 đảng viên (Đ/c Lộc – Bưu điện, Ba Đèn - thợ điện, Hai Lực - thợ nguội và Cứng – lái xe), Đại tướng Lê Đức Anh là Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một kiêm Bí thư chi bộ và phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số.

Theo chỉ thị của Tỉnh ủy, Chi bộ Lộc Ninh trước mắt khẩn trương gây dựng phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và nhân dân vùng Hớn Quản, chuẩn bị đón thời cơ phát động quần chúng công nhân và đồng bào các dân tộc vùng lên khởi nghĩa.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp, dành quyền cai trị Đông Dương. Lực lượng Nhật chiếm đóng ở Lộc Ninh do một tên quan tư Nhật chỉ huy. Chúng sử dụng các đơn vị bộ binh giữ những vị trí quan trọng ở thị trấn, các đồn điền cao su Lộc Ninh, Hớn Quản và Bù Đốp.

Cùng với việc thiết lập bộ máy cai trị, chúng thiết lập hệ thống kho tàng phục vụ cho hoạt động quân sự trong các đồn điền cao su và tập trung vào việc hoạt động quân sự. Do đó, việc quản lý xã hội của quân Nhật ở đây trở nên rất lỏng lẻo. Đây là thời cơ tốt để ta phát triển lực lượng cách mạng.

Về lực lượng, ta tổ chức và phát triển phần lớn là lực lượng hợp pháp, hoạt động công khai, một bộ phận là bất hợp pháp, hoạt động bí mật. Thanh niên cứu quốc và Phụ nữ cứu quốc là hai tổ chức hoàn toàn bí mật, còn tổ chức Thanh niên tiền phong lấy biểu tượng cờ vàng, sao đỏ thì hoạt động công khai, hợp pháp.

Ở vùng đồn điền cao su, lực lượng nòng cốt của cách mạng là các nghiệp đoàn công nhân do chi bộ Đảng vận động và tổ chức. Với sự tích cực vận động, tổ chức và chỉ đạo sâu sát của Đảng, cho đến tháng 8/1945 ở Lộc Ninh, lực lượng quần chúng đã hình thành các hội cứu quốc (Việt Minh), Thanh niên tiền phong, các đội thanh niên bán vũ trang, đội tự vệ.

Lực lượng này đứng chân trên địa bàn phía bắc, góp phần đáng kể cho toàn tỉnh “hình thành một lực lượng bán vũ trang đông đảo gồm 150 đoàn Thanh niên tiền phong, Thanh niên cứu quốc có hơn 2 vạn đoàn viên” sẵn sàng chờ lệnh đứng lên khởi nghĩa dành chính quyền.

Sau khi kết thúc cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng (từ ngày 21 đến 23/8/1945), ông Văn Công Khai phân công từng người về triển khai các biện pháp thực hiện. Ông Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ phụ trách các quận Hớn Quản, Bù Đốp và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi dành chính quyền xong, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục tổ chức lực lượng chi viện cho thị xã Thủ Dầu Một và Sài Gòn cướp chính quyền.

Ngày 23/8/1945, tin tức về thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị ở Sài Gòn và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Tân An nhanh chóng dội đến Thủ Dầu Một, càng thôi thúc các địa phương sục sôi nổi dậy.

Sáng ngày 24/8/1945, hàng nghìn công nhân các làng, đồn điền cao su Lộc Ninh – Đa Kia cùng nông dân các địa phương nhất tề nổi dậy. Lộc Ninh là một trong những nơi giành chính quyền sớm trong tỉnh. Ngay tối hôm đó, Đại tướng Lê Đức Anh tổ chức lực lượng gồm 300 người, trang bị vũ khí vừa thu được và giáo mác, tầm vông… kéo xuống thị xã Thủ Dầu Một tham gia tổng khởi nghĩa.

Trong hoàn cảnh ở xa, điều kiện liên lạc rất khó khăn, nhưng nhân dân Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp đã nổi dậy tiến hành khởi nghĩa nhanh và rất gọn khi có thời cơ đến.

Thắng lợi ấy là kết quả của 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người Cộng sản và quần chúng cách mạng, trải qua những bước thăng trầm và bao hy sinh mất mát là kết quả trực tiếp của cuộc vận động giải phóng dân tộc trong những tháng ngày khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa dành chính quyền.

Với thắng lợi to lớn trong cách mạng tháng 8/1945 của chính quyền và nhân dân Bình Phước không thể không nói đến vai trò và công lao to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh.

Nhà chính trị - quân sự xuất sắc

Có thể nói, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh in dấu ấn sâu sắc vào nhiều sự kiện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chống Mỹ cứu nước, vào cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang ở Campuchia, vào công cuộc đổi mới đất nước cũng như tham gia hoạch định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta cả về đối nội và đối ngoại.

Công lao to lớn của ông được ghi nhận bằng Huân chương Sao vàng là Huân chương cao quý nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công và Quân công, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cùng nhiều  phần thưởng cao quí khác của Đảng, Nhà nước ta và của các nước.

Đại tướng Lê Đức Anh có cuộc đời hoạt động cách mạng đa dạng, phong phú, đứng ở nhiều vị trí đương đầu với khó khăn, thử thách khắc nghiệt trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.

Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 5 năm 1938, hoạt động trong phong trào công nhân cao su ở Lộc Ninh, Phú Riềng và các tỉnh Nam Bộ cho đến Cách mạng Tháng 8/1945.

tbt_nguyen_phu_trong_mung_sinh_nhat_tuong_le_duc_anh_2622018

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần đến chúc mừng sinh nhật Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: Viettimes) 

Từ tháng 8/1945, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến chính trị viên Tiểu đoàn. Từ năm 1948 đến năm 1954, ông đã kinh qua nhiều chức vụ như Tham mưu trưởng các Quân khu 7, 8 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Năm 1954 ông tập kết ra Bắc và từ năm 1955 đến năm 1963, ông là Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ tháng 2/1964 đến năm 1975, ông trở lại Miền Nam chiến đấu trên cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam.

Từ tháng 5/1976 đến năm 1986, ông được giao nhiều trọng trách lớn như Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Trưởng đoàn Chuyên gia Việt Nam ở Campuchia.

Năm 1986, ông là Tổng Tham mưu trưởng và là Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991. Ông được bầu làm Chủ tịch nước từ năm 1992 đến năm 1997.Tham gia Quân đội, ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958, phong vượt cấp lên Trung tướng năm 1974.

Năm 1980 là Thượng tướng và năm 1984 là Đại tướng. Ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương  nhiều khóa, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là cố vấn của Trung ương Đảng từ năm 1997 đến năm 2001.

Sau khi nghỉ công tác, ông vẫn nghiên cứu và đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, có tầm chiến lược đối với Đảng và Nhà nước ta. Ngoài những đóng góp to lớn cho cách mạng và đất nước, có thể coi ông là một trong những kiến trúc sư, tham gia quan trọng vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và Việt Nam - Trung Quốc.

Đại tướng Lê Đức Anh cũng chính là người khởi xướng và đề xuất việc Đảng và Nhà nước ta phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tri ân những tấm gương phụ nữ cao quý hy sinh chồng con trong các cuộc chiến tranh yêu nước. Nhân dân và lịch sử ghi nhận và đánh giá công bằng sự hy sinh và đóng góp của ông cho đất nước.

NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn