Tư liệu

Đại sứ Knapper: Việt Nam - Mỹ được như hiện tại là nhờ thiện chí và lòng dũng cảm

Thứ Ba, 25/07/2023 08:40:00 +07:00

(VTC News) - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho rằng 10 năm qua, Việt Nam và Mỹ đã làm sâu sắc thêm sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

"Khi làm việc ở đây 15 năm trước, tôi không bao giờ có thể nghĩ đến việc mình lại trở thành đại sứ. Đó là một cảm giác đặc biệt... việc ở đây vào thời điểm mà (mối quan hệ) chúng ta đang chuyển đổi và phát triển, thực sự là một điều tuyệt vời", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ trong buổi bàn tròn về 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. 

Đại sứ Knapper cũng điểm lại các thành tựu đáng chú ý của mối quan hệ hợp tác và những tầm nhìn về tương lai. Ông cho rằng, đó là điều hiếm có trong lịch sử khi hai quốc gia như Mỹ và Việt Nam có thể đi tới vị trí hiện tại, nhờ thiện chí và lòng dũng cảm mà những con người ở cả hai bên đã thể hiện.

Nhìn lại nơi bắt đầu

-   Thông điệp của Đại sứ cho ngày kỷ niệm mối quan hệ là gì? Ông dự đoán như thế nào về biểu tượng của mối quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm tới? 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. (Ảnh: Ngô Nhung)

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. (Ảnh: Ngô Nhung)

Tôi nghĩ thông điệp là chúng ta đã có những niềm tự hào to lớn về mọi thứ mà ta cùng nhau hoàn thành trong 28 năm. Nhưng thực sự trong 10 năm qua, chúng ta chứng kiến mối quan hệ tăng tốc và đạt đến tầm cao mới, trong các lĩnh vực đa dạng như đầu tư, thương mại, năng lượng, giáo dục, y tế.

Chúng ta có thể rất tự hào về những gì đã đạt được, nhưng cũng không nên ngủ quên trên vòng nguyệt quế, hay cho rằng đã đạt được mọi thứ có thể. Ý tôi là, đây chỉ là một trong những cột mốc lịch sử. Sẽ có những cột mốc trong tương lai mà chúng ta nên hướng tới.

Cho dù đó là làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế, hay là mối quan hệ giữa con người với con người, vẫn còn rất nhiều việc phải làm và chúng ta có thể hoàn thành cùng nhau.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm này, có thể nhìn lại nơi chúng ta đã bắt đầu, và xa hơn nữa.

Đây là một sự kiện rất hiếm trong lịch sử đối với hai quốc gia như Mỹ và Việt Nam, nhìn lại những gì chúng ta đã làm và ở vị trí hiện tại. Điều đó thực sự đáng chú ý và một lần nữa, tôi nghĩ nó chính là nhờ thiện chí và lòng dũng cảm mà mọi người ở cả hai bên đã thể hiện.

Vì vậy tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng 10 năm tới, 20 năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục thấy quỹ đạo tích cực này. Những thách thức thì luôn luôn có. Hai quốc gia càng trở nên gần nhau thì càng có nhiều điểm bất đồng có thể xuất hiện. Nhưng giống như chúng ta đã đối phó với những thách thức trong nhiều năm, tôi tin rằng thiện chí và tình bạn mà chúng ta đã xây dựng sẽ tiếp tục cho phép chúng ta nói chuyện thẳng thắn và cởi mở, xử lý các thách thức theo cách có lợi cho mối quan hệ.

- Cựu Đại sứ Ted Osius từng gọi ông là “nhà ngoại giao phù hợp tại thời điểm quan trọng”. Đối với ông việc trở thành đại sứ vào thời điểm này, khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện là vinh dự hay áp lực? Và cho đến nay, hoạt động hợp tác nào khiến ông hài lòng nhất? Mục tiêu của ông trong tương lai?

Trước hết, tôi nghĩ rằng đại sứ Osius đã quá hào phóng khi nói điều đó, bản thân ông cũng đã có một nhiệm kỳ tuyệt vời ở đây. Ông cũng là một người cố vấn tuyệt vời cho tôi.

Thật vinh dự khi được phục vụ ở đây với tư cách là đại sứ, đặc biệt là khi nói đến câu chuyện của chính tôi. Tôi đã làm việc ở đây 15 năm trước, không bao giờ có thể nghĩ đến việc mình lại trở thành đại sứ. Đó là một cảm giác đặc biệt.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chúc mừng 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Đối với một quốc gia quan trọng như Việt Nam, xét đến lịch sử phức tạp của chúng ta, việc ở đây vào thời điểm mà (mối quan hệ) đang chuyển đổi và phát triển, là một điều tuyệt vời. Càng tuyệt vời khi được đóng góp vào sự đi lên của không chỉ người dân Việt Nam mà cả người dân Mỹ. Đó là cảm giác rằng hai quốc gia chúng ta dường như đã định là sẽ gắn bó với nhau.

Chúng ta đã có những lúc hỗ trợ lẫn nhau và phát triển một tình bạn thực sự. Nhưng lịch sử có những lối rẽ và chúng ta vướng vào một cuộc chiến để rồi giờ giải quyết hậu quả của cuộc chiến đó. May mắn thay, vào năm 1995, những người có tầm nhìn xa và can đảm đã giúp việc bình thường hóa quan hệ thành hiện thực, từ đó là những gì có thể là một khởi đầu rất đẹp đối với mối quan hệ này.

Tất cả thực sự cần dũng khí và thiện chí của cả hai bên, từ những cá nhân ở Mỹ như John Kerry, John McCain, Patrick Leahy,... những người đã tự mình nỗ lực và tìm ra con đường tiến tới cho hai nước chúng ta, cũng như nhiều nhà lãnh đạo ở Việt Nam. Chưa kể những nỗ lực ở Việt Nam giúp chúng tôi tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh. Nhắc đến những gì đã xảy ra thì đây không phải là một quyết định dễ dàng. Nhưng chúng ta đã làm được và đang ở đây kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện.

Nói đến tương lai, tôi thấy giáo dục đang là một lĩnh vực thực sự quan trọng. Nếu bạn không tin vào những gì chúng ta cùng có với nhau, bạn sẽ không đầu tư vào một cái gì đó như giáo dục.

Và thực tế là chúng ta đang đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ giáo dục này, cho dù đó là thông qua các chương trình như Fulbright,... cho dù đó là thông qua các tổ chức tư nhân, các trường đại học Mỹ cấp học bổng cho người Việt Nam, hay các tổ chức Mỹ đến đây và làm việc với các trường đại học Việt Nam, tất cả đều là những đầu tư cho tương lai. Tất cả những điều này là tín hiệu cho thấy chúng ta tin tưởng về việc mối quan hệ sẽ đi về đâu.

Tôi cố gắng tận dụng mọi cơ hội có được để tổ chức các sự kiện liên quan đến giáo dục, gặp gỡ những người trẻ tuổi, đến thăm các trường đại học, và khoảng thời gian được tương tác với những người trẻ tuổi Việt Nam là những khoảng thời gian thú vị nhất.

Giáo dục là những cây cầu mà chúng ta sẽ đứng trên đó 10, 20 hay 30 năm tới. Đó sẽ là tình bạn, những mối quan hệ nghề nghiệp và những trao đổi khác. Và tôi sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực này.

Tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực

- Gần đây tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã có chuyến thăm Việt Nam, chuyến thăm này thể hiện thông điệp gì? Ông có thể chia sẻ thêm về tương lai hợp tác an ninh giữa hai nước?

Chúng ta có một chuyến thăm rất thành công của tàu sân bay USS Ronald Reagan và hai tàu khác từ nhóm tấn công tàu sân bay. Chuyến thăm nhằm nêu bật mối quan hệ đối tác hợp tác hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Đây là lần thứ ba một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam. 

Đại sứ Knapper: Việt Nam - Mỹ được như hiện tại là nhờ thiện chí và lòng dũng cảm - 2

Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam cuối tháng 6. 

Chúng tôi coi Mỹ là một phần của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn và muốn những người bạn của mình, như Việt Nam, biết rằng chúng tôi ở đây và cam kết với những mục tiêu chung của chúng ta về khu vực.

Tôi nghĩ việc chuyến thăm diễn ra suôn sẻ cũng thể hiện đây là một thông lệ bình thường, với tàu sân bay Mỹ này hay tàu khác, về việc đến Việt Nam và tham gia các hoạt động làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta đã thấy các sĩ quan, thủy thủ tàu tham gia vào các hoạt động cộng đồng và tình nguyện, biểu diễn ca nhạc hay thể thao. Tất cả những điều này không chỉ thể thiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, mà còn thể hiện cam kết của chúng tôi trong thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.

Hiện tại chúng ta có một mối quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ, không chỉ thể hiện qua các chuyến thăm mà còn nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ về trang bị. Chúng tôi rất vui với công việc hợp tác nhằm nâng cao năng lực để Việt Nam bảo vệ lợi ích của chính mình.

Chúng tôi tin tưởng vào tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phản đối bất kỳ quốc gia nào tìm cách áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác trong khu vực. Nên bạn có thể thấy không có nhiều khác biệt giữa chúng tôi và Việt Nam khi nói đến Biển Đông.

Và tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy hai nước chúng ta hợp tác với nhau, cho dù đó là hợp tác với Cảnh sát biển hay loại hợp tác quốc phòng nào khác.

Chúng ta còn có thương mại quốc phòng. Chúng tôi đã xem triển lãm quốc phòng vào tháng 12/2022 ở Việt Nam, các công ty quốc phòng lớn nhất đã tham gia vì chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào mục tiêu đa dạng hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Những công ty lớn của Mỹ muốn trở thành một phần của điều này.

- Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen, bà nói muốn tăng thứ hạng đầu tư của Mỹ ở Việt Nam và giúp Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững hơn. Ông có thể chia sẻ thêm về ý định và kế hoạch của doanh nghiệp Mỹ?

Một trong những thông điệp của Bộ trưởng Yellen khi bà ở đây là để nói về tầm quan trọng của đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với Mỹ và chính quyền Biden-Harris, với các mặt hàng như chất bán dẫn. Vì vậy, một phần trong những nỗ lực hiện tại được chúng tôi gọi là “friendshoring”, về cơ bản có nghĩa là tìm ra cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để các mặt hàng quan trọng cho sản xuất như chất bán dẫn có đầu vào và đầu ra, ở các quốc gia mà chúng tôi chia sẻ lợi ích và mục tiêu. Và chúng tôi tin rằng Việt Nam nên là một phần của câu chuyện.

Đại sứ Knapper: Việt Nam - Mỹ được như hiện tại là nhờ thiện chí và lòng dũng cảm - 3

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen phát biểu tại Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, trong chuyến thăm Việt Nam hôm 21/7.

Việt Nam đã là một điểm nhấn thực sự quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Các công ty công nghệ cao đã kết luận rằng Việt Nam là nơi thích hợp để đầu tư vì có lực lượng lao động được đào tạo tốt, cũng như những yếu tố khác. Vậy điều chúng tôi muốn là làm thế nào để làm việc với Việt Nam đảm bảo rằng ở đó, các công ty Mỹ và các công ty khác có thể đầu tư vào các cơ sở mới hoặc tăng thêm đầu tư hiện có. Làm thế nào để những người bạn như Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn nữa cả về mặt định tính và định lượng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và chất bán dẫn quan trọng này.

Và chúng tôi, cả khu vực tư nhân và chính phủ, cũng muốn trở thành một phần trong câu chuyện về việc có thể làm việc với Việt Nam như thế nào để đưa các bạn đến nơi mình muốn. Cho dù đó là mong muốn trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, hay mong muốn có một nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030, đạt mức không phát thải carbon vào năm 2050.

Đây đều là những mục tiêu cực kỳ tham vọng, nhưng cũng là những mục tiêu nằm trong tầm tay, và tôi nghĩ nếu bất kỳ quốc gia nào làm được thì Việt Nam cũng có thể làm được. Và tôi nghĩ nếu bạn nhìn vào loại công việc và hợp tác mà Mỹ đang thực hiện với Việt Nam, cho dù đó là thúc đẩy giáo dục, thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số,... thì tất cả những điều mà Mỹ đang làm ở Việt Nam đều là một phần của mục tiêu. Và theo nghĩa này, tôi tin rằng chúng ta là đối tác rất tự nhiên và hữu cơ.

Đó là lý do tại sao tôi rất tin tưởng vào tình hữu nghị và mối quan hệ giữa chúng ta, vì những gì chúng ta đang làm đều mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn