• Zalo

Đề xuất đổi tên trường Y Dược TP.HCM: Đại học và trường đại học khác nhau thế nào?

Giáo dụcThứ Ba, 17/09/2019 17:07:00 +07:00Google News

Theo quy định của Luật giáo dục sửa đổi 2018, “đại học” là nhóm các “trường đại học” chứ không phải một trường.

Trong buổi khai giảng tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM chiều 16/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu: “Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường Đại học Y Dược TP.HCM, chưa thể gọi là đại học được.  

Việc này Bộ GD-ĐT cũng góp ý rồi. Nhà trường vẫn chưa sửa lại tên gọi. Nhà trường phải sớm đổi tên thành Đại học Khoa học Sức khỏe TP.HCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác”.

Theo Bộ trưởng Tiến, trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Đại học Y Dược TP.HCM lớn nhất, có thể phát triển thành Đại học Khoa học Sức khỏe sớm nhất. Do đó, Bộ Y tế rất ủng hộ nhà trường sớm đổi tên. "Nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia", Bộ trưởng Tiến nói.

Sau phát biểu này, nhiều người băn khoăn về sự khác nhau giữa trường đại học và đại học.

Theo tìm hiểu của PV, trong quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 (có hiệu lực 01/07/2019), hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam bao gồm: Trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc) và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của trường đại học được quy định tại Khoản 8 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 gồm: hội đồng trường; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường đại học hoặc giám đốc, phó giám đốc học viện; phòng, ban chức năng; khoa, bộ môn hoặc tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phân hiệu (nếu có); hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn.

bo-truong-nguyen-thi-kim-tien 3

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Các trường đại học với cơ cấu tổ chức chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Học viện cũng được là trường đại học do đây chỉ là tên gọi của một số cơ sở giáo dục đại học hình thành và đang tồn tại mà không có sự khác biệt so với trường đại học cả về cơ cấu tổ chức, chức năng, sứ mệnh.

Trong khi đó, Đại học là nhóm các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên; trường và các đơn vị trực thuộc khác, cùng hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý nhằm gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh và đóng góp của toàn hệ thống đối với xã hội.

Cũng theo quy định của Luật giáo dục, các trường đại học có thể tự phát triển và thành lập các trường trực thuộc bên trong (theo điều kiện, tiêu chuẩn do Chính phủ quy định) để trở thành đại học.

Hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được Nhà nước quy định, các trường đại học được sáp nhập với nhau để trở thành một Đại học. Các đại học quyết định cấu trúc và cơ chế quản lý của mình theo quy định pháp luật.

dai-hoc-y-duoc-tphcm

 Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TP.HCM Trần Diệp Tuấn.

Được biết, hiện ở nước ta có 2 đại học là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM cùng 3 đại học vùng là Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

Như vậy, việc Trường Đại học Y dược TP.HCM tự sử dụng tên gọi Đại học Y Dược như hiện nay là không đúng với quy định của luật giáo dục sửa đổi.

Được biết, hiện Trường Đại học Y dược TP.HCM có nhiều khoa, phòng chức năng như: Phòng Sau đại học, Khoa Y, Khoa Dược, Khoa Răng Hàm Mặt, Khoa Y tế Công cộng, Khoa Y học Cổ truyền, Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học.

Trước đó, từ ngày 11/9 đến 16/9, các khoa và phòng chức năng của nhà trường cũng đã tổ chức lễ khai giảng riêng.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn