• Zalo

Đại biểu Quốc hội: Tôi rất chạnh lòng khi nói Luật Đầu tư công là một tội đồ

Thời sựThứ Ba, 28/05/2019 14:50:00 +07:00Google News

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng rất chạnh lòng khi có người nói Luật Đầu tư công là một tội đồ.

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận về Luật Đầu tư công. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết dù họp rất nhiều lần nhưng đến nay dự thảo luật cũng còn quá nhiều vấn đề.

bui-van-xuyen-1

 Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình).

"Tôi đề nghị Quốc hội thảo luận xong có lẽ cũng cần dành thời gian để chỉnh lý như thế nào để kỳ này thông qua vì chúng tôi còn rất nhiều băn khoăn", đại biểu Xuyền nói.

Đại biểu Xuyền cũng góp ý về thẩm quyền xem xét quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn.

"Ở đây cũng có đại biểu cho rằng, danh mục này có thể chuyển giao cho Chính phủ, thẩm quyền đại biểu Vân cũng đã nêu. Tôi cho rằng giao cho Quốc hội quyết định hay là giao cho Chính phủ thì Chính phủ vẫn phải làm từ đầu đến cuối. Thế mà bây giờ có lý do giao cho Chính phủ thì thuận lợi hơn, còn nếu để Quốc hội thì phức tạp hơn. Vậy thời điểm trình Quốc hội mà đã quy định rõ trong luật thì trước thời điểm đó anh phải chuẩn bị như thế nào? Chính phủ phải chuẩn bị, chủ động làm chứ. Còn giờ Chính phủ bảo không kịp, không làm được mà thực tế vừa họp một số nội dung liên quan đến vốn dự phòng Chính phủ nói không thể làm được, không kịp được.

Trong khi đó Nghị quyết 71 giao cho Chính phủ chuẩn bị từ tháng 11/2018 đến giờ Chính phủ cũng nói không chuẩn bị kịp. Tôi cho rằng đây là do tổ chức thực hiện của chúng ta giống như đại biểu Vân vừa nói chứ không phải do luật. Luật định thời hạn như thế thì trước thời điểm đó anh phải chuẩn bị, nếu lần này mà thấy khối lượng công việc nhiều, số lượng dự án nhiều mà không chuẩn bị kịp thì luật có thể dẫn tiến độ thời gian ra 1 năm cuối của nhiệm kỳ.

Tôi nghĩ không có gì phải tranh luận nhiều. Luật này điều chỉnh giữa cơ quan Nhà nước với nhau, không liên quan gì đến tổ chức cá nhân bên ngoài, chủ yếu là quan hệ giữa Chính phủ, Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, giữa các cấp bộ ngành, cấp trên với Ủy ban nhân dân nên không lý do gì lại không thiết kế được nội dung này".

Về thời gian trình phê duyệt đầu tư công trung hạn của 2 thời điểm theo luật hiện hành là khóa trước quyết cho khóa sau thì liền mạch Luật Ngân sách và Luật Quản lý nợ công và ngay năm đầu tiên của khóa mới có dự án đều thực hiện được liền mạch và không vấn đề gì vướng mắc.

"Chúng ta khó khăn vì Luật Đầu tư công mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, thời điểm chuyển giao giữa khóa XIII và XIV do vậy Chính phủ không chuẩn bị kịp, cho nên Quốc hội phải giao Thường vụ Quốc hội làm cái này. Đây là nội dung không theo tinh thần luật nhưng làm như thế thấy không phù hợp như đại biểu Hàm vừa phân tích.

Tôi nghĩ thiết kế theo phương án tối ưu như đại biểu Hàm nêu là đồng tình được, vấn đề chỉ là thời điểm trình chứ không phải thẩm quyền của ai cả. Thẩm quyền vẫn là Quốc hội và Chính phủ phải là người chuẩn bị và khâu chuẩn bị vẫn quan trọng".

Một đại biểu cho rằng hàng nghìn trang tài liệu, Quốc hội thời gian không có nên phải xem xét đánh giá. Tôi nghĩ Quốc hội không phải đi rà lại từng chi tiết được, nhưng nếu có trong tay tài liệu đó tôi có thể đối chiếu, so sánh, nó công khai, minh bạch và thể hiện rõ thẩm quyền của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Không phải bây giờ đi soi vào từng chi tiết, tất cả những nội dung cụ thể, chi tiết của từng chương trình, dự án Chính phủ phải trình. Cho nên không phải băn khoăn là đại biểu Quốc hội không có thời gian, không có điều kiện, cần thiết chúng tôi thuê chuyên gia để đánh giá lại chuẩn bị của Chính phủ sau đó chúng tôi biểu quyết, như vậy thẩm quyền của đại biểu Quốc hội và Quốc hội vẫn giữ được, không có vấn đề gì lớn.

Quan trọng nhất là chúng ta không thực hiện được, nó vướng ở đâu phải giải quyết rõ chỗ đó. Không phải do không thực hiện được mà phải quay về sửa luật, lâu nay động đến cái gì là chúng ta quay về sửa luật", ông Xuyền nói. 

nguyen-duc-kien 3

 Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng).

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhắc lại: "Chính trong hội trường này tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo của Chính phủ khóa XIV cảm ơn Quốc hội khóa XIV, vì để các đồng chí có thẩm quyền để được duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn của 2016 - 2020, nhưng đến bây giờ các đồng chí lại bảo vì năm 2016 không duyệt được vốn cho nên các đồng chí đọc lại báo cáo kinh tế - xã hội cuối năm 2016 và tháng 5 năm 2017 các đồng chí nhận định do chuyển tiếp vấn đề nhân sự của Chính phủ nên chưa bắt kịp nhịp độ chứ không phải do luật".

"Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vẫn còn đây, có phải đã hết đâu mà các đồng chí bảo do luật không làm được. Tất cả các ý kiến của các đồng chí hiện nay thư viện vẫn còn lưu. Cho nên, tôi đề nghị các đồng chí là ở đây tôi thực sự băn khoăn về việc sửa Luật Đầu tư công. Vấn đề không phải vì luật mà vấn đề là chúng ta triển khai. Với tư cách là đại biểu Quốc hội nhiều khóa và đã tham gia thẩm định, tôi xin trao đổi thêm như vậy", đại biểu Kiên nói.

tran-thi-dung

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên).

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng Quốc hội thảo luận những dự án luật này được sự thu hút của rất nhiều cơ quan truyền thông báo chí và nhân dân cả nước.

"Tuy nhiên, những ngày gần đây rất nhiều cơ quan thông tin đại chúng nói về vấn đề liên quan đến đầu tư công. Tôi là đại biểu Quốc hội 3 khóa, tôi rất chạnh lòng. Tôi cũng là người được bấm nút thông qua dự án Luật Đầu tư công, như đại biểu Kiên nói là một thành tích thời điểm đó, đến bây giờ cho đó đấy là tội đồ.

Như đại biểu Xuyền nói Luật Đầu tư công là một tội đồ dẫn đến cản trở những hoạt động hiện nay, làm ách tắc những vấn đề hiện nay liên quan đến đầu tư công không giải quyết được. Tôi cho rằng việc này cần xem xét một cách thấu đáo, nếu không Quốc hội sẽ trở thành cơ quan gây khó khăn", đại biểu Dung bày tỏ.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn