Sáng nay, trong phiên thảo luận tại Quốc hội xung quanh Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đã dẫn ra một trường hợp rất đáng buồn.
"Chúng ta phải xem xét lại chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo, bởi từ chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo, chúng ta mới trở ngược lại đến chất lượng tiếp dân. Cá nhân tôi đi tiếp xúc với một số vụ việc, nhóm cử tri thì người ta rất không bằng lòng với cách tiếp dân, cách xử lý của cán bộ.
Có trường hợp đến thì đuổi người ta xơi xơi. Đặc biệt, có cử tri phản ánh đồng chí Chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút. Bắt đầu vào, họ mô tả nói câu gì, làm động tác gì, sau đó cuối cùng kết luận. Sau đó, đồng chí đó đi nhậu với một đám khác, vì người ta đến tận chỗ nhậu đó.
Rất tiếc người ta không chụp lại cái ảnh ở chỗ đó. Chứ nếu chụp lại mà đưa lên Trung ương thì khó chấp nhận quá. 9 phút đồng hồ với việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi".
Vị đại biểu Bến Tre cũng băn khoăn về số liệu thống kê, có 73,35% khiếu nại sai, 11,9% khiếu nại đúng, 14,75% là vừa đúng vừa sai.
"Từ kỳ họp thứ 2, tôi có cảm giác chưa thật sự tin tưởng vào số liệu này. Bởi vì, đây là thống kê dựa trên lăng kính của cơ quan giải quyết mà chưa có cơ quan trọng tài.
Bản thân Quốc hội chưa có cơ quan đứng ra làm trọng tài để xác định con số này đúng hay sai. Tại sao trong số khiếu nại sai này người ta vẫn tiếp tục khiếu nại dai dẳng. Cần có giám sát chặt chẽ hơn đối với con số vừa đúng vừa sai và khiếu nại sai.
Qua việc giải quyết đơn thư cá nhân 2 năm qua, tôi nhận thấy, có nhiều đơn gửi đến nhiều đồng chí lãnh đạo, nhiều cơ quan... Làm thế nào đây để chúng ta xử lý số liệu này. Chỗ nào cũng thống kê. Xử lý vấn đề này thế nào, đề nghị chúng ta phải có giải pháp bằng công nghệ thông tin. Vì nếu không, dễ có số liệu chồng chất, có số liệu ảo".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị có thêm giải pháp bên cạnh việc thông báo tiếp dân trên cổng thông tin địa phương. Bởi cư dân vùng sâu, vùng xa, người dân không dùng internet, điện thoại thông minh đặc biệt là nhiều bà con chưa hiểu tiếng phổ thông thì tuyên truyền bằng cách nào.
Tại Quốc hội sáng nay, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng chỉ rõ chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.
"Một số đơn do Quốc hội chuyển đã giải quyết nhưng việc trả lời, thông báo kết quả đến cơ quan chuyển đơn còn chậm, nên khó theo dõi, giám sát. Nhiều vụ việc có thời gian nghiên cứu kéo dài (thường phải có văn bản đôn đốc mới có văn bản trả lời), khi trả lời thường rất chung chung, không nêu rõ lộ trình giải quyết, nên khó báo tin cho công dân gửi đơn.
Đối với đơn thư do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chuyển đến trung bình 6 tháng - 12 tháng mới có văn bản trả lời…; tỷ lệ trả lời đơn thư do Quốc hội chuyển chỉ đạt 60,65%, có tăng so với cùng kỳ 2017 nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo báo cáo của Chính phủ là trên 83,7%.. Việc phân loại, xử lý đơn vẫn còn nhầm lẫn dẫn đến khi giải quyết áp dụng quy trình không đúng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội.
Một số vụ việc khiếu nại được giải quyết còn chưa đảm bảo thời hạn, trình tự và hình thức giải quyết; công tác thụ lý, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của cơ quan chuyên môn còn chậm, chất lượng tham mưu, đề xuất chưa cao, nhiều trường hợp áp dụng quy định pháp luật trong giải quyết còn thiếu chính xác dẫn đến vụ việc khó được giải quyết dứt điểm", bà Nguyễn Thanh Hải khẳng định.
Bình luận