Cứu sống bé sơ sinh bị ngạt khí trong bụng người mẹ đã qua đời

Sức khỏeThứ Hai, 12/08/2019 15:27:00 +07:00

Thai nhi có dấu hiệu tổn thương não, tím tái do thiếu oxy, rất may, bé được bác sĩ cấp cứu thành công, giữ lại mạng sống.

Chiểu 12/8, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, bệnh viện cứu sống được trẻ sơ sinh mổ bắt từ người mẹ đã chết.

Bé gái nặng 2,6 kg chào đời có dấu hiệu tổn thương não, toàn thân tím tái, không phản xạ, không khóc... do thiếu oxy kéo dài. Để điều trị, các bác sĩ nhanh chóng bóp bóng có Oxy mask 5l/p, đặt ống NKQ số 3, cố định 8 cm, adrenallin 1/10000 x 0.2 ml tiêm bắp...

Sau 3 phút cấp cứu tích cực, trẻ có tim trở lại chu kỳ > 100 ck/p, không phản xạ, da hồng hơn, để mát chủ động, bóp bóng có Oxy qua NKQ 5l/p. Các bác sĩ nhanh chóng chuyển bé về khoa Sơ sinh của bệnh viện để tiếp tục cứu chữa cho trẻ.

Tại khoa Sơ sinh trẻ được làm mát toàn thân chủ động. Đây là phương pháp giảm chuyển hóa não giúp não tổn thương phục hồi. Thời gian vàng là ngay 6 giờ đầu tiên sau sinh. Quá trình hạ thân nhiệt và làm ấm trở lại được theo dõi liên tục và chăm sóc đặc biệt 24/24.

11

 Bệnh nhi đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. (Ảnh: BVCC)

Theo bác sĩ Đỗ Mạnh Hà - Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, làm mát toàn thân là đưa nhiệt độ trẻ về 33 - 34 độ C trong 72 giờ liên tục, giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu oxy và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não, giúp cải thiện tiên lượng lâu dài cho trẻ.

“Sau 72 giờ trẻ sẽ được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường, trẻ tiếp tục được điều trị theo dõi đến xuất viện và cần tái khám mỗi 2 - 3 tháng đến 18 tháng tuối để theo dõi về phát triển tâm thần vận động, kết hợp với vật lý trị liệu để có kết quả tốt”, bác sĩ Hà nói.

Đây là ca làm mát toàn thân thứ 7 tại bệnh viện.

Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận thai phụ Lã Thị Y. (SN 1986, thường trú Phường Đại Yên, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Chị Y. được người nhà đưa vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, tím tái toàn thân, đang mang thai tuần 35.

Nhận định đây là trường hợp cấp cứu sản khoa nguy hiểm, kíp trực khởi động quy trình báo động đỏ, dốc hết sức cứu mạng sống của cháu bé.

Sản phụ đuợc chuyển thẳng lên phòng mổ, các y bác sĩ vừa hồi sức tích cực, vừa phẫu thuật để mổ cấp cứu lấy thai.

Tại phòng mổ, tình trạng thai phụ ngừng thở, ngừng tim; mạch cổ không bắt được, HA: không đo được; đồng tử hai bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng (-); tim thai rời rạc ~ 60 lần/ phút. Kíp phẫu thuật đã gấp rút mổ cấp cứu lấy thai.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn