• Zalo

Cuộc hành trình của ông lão đất Quảng 65 năm đèo gốm mưu sinh

Thời sựThứ Sáu, 08/03/2019 16:00:00 +07:00Google News

Trên chiếc xe đạp gỉ sét, một người con sinh ra ở làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) rong ruổi với cuộc hành trình 65 năm đèo gốm mưu sinh.

Một đời đèo gốm

Chiều tà. Nắng rải màu vàng nhạt lấp lánh mặt nước Thu Bồn. Đoạn ngấp nghé hạ nguồn, sông mẹ xứ Quảng uốn một đường cong như thể dang rộng vòng tay ôm trọn lấy làng gốm Thanh Hà ở mép rìa phố cổ Hội An.

500 năm có lẻ, làng gốm trứ danh khắp dải đất miền Trung trải qua bao phen biến thiên trong vòng xoáy của thịnh – suy, chìm – nổi.

IMG_8420 - Copy 7

65 năm qua, ông Biết rong ruổi với cuộc hành trình đèo gốm mưu sinh. 

Theo dòng chảy của thời gian, làng gốm ngậm ngùi chứng kiến cảnh bao người đã rời làng, bỏ nghề “đất sét – bàn xoay” đi tìm kế sinh nhai mới. Không ít người ở lại, nguyện sắt son một lòng thổi cho lò gốm cha ông cất công gầy dựng luôn đỏ lửa.

Dị biệt, một người đã gắn bó cả đời mình cùng gốm, với những chuyến bán buôn ngược xuôi toàn gốm là gốm. Ông là Nguyễn Viết Biết (82 tuổi) – đời thứ 4 kế nghiệp gốm tổ tiên bao đời truyền lại.

Bên gốc đa trăm tuổi, trồi sụt gốc rễ nơi mấp mé con nước là căn nhà của ông Biết “gốm” (biệt danh thân thương mà người trong làng gán cho ông Nguyễn Viết Biết).

“Ngồi đó chờ, mặt trời xuống núi là ông cụ về tới” – một người hàng xóm của ông Biết nói vọng đến chỗ tôi đang ngồi đợi ông.

Quả thật, khi ánh nắng cuối ngày đã tắt hẳn phía chân trời xa, phố phường bắt đầu lên đèn, cụ ông tuổi ngoại bát thập mới chạm chân tới ngõ.

 
Nhắc đến tôi, người trong làng hay nói vui “đi không ai thấy, về không thấy ai”. Bởi lẽ, lúc tôi đi bán thì bà con chưa thức giấc, còn khi mình trở về thì gia đình họ đã quây quần bên mâm cơm hoặc sắp sửa đi ngủ.

Ông Nguyễn Viết Biết

Gỡ chiếc mũ tai bèo, đưa tay quệt ngang vần trán thấm đượm mồ hôi, ông xởi lởi chia sẻ về câu chuyện đời, chuyện nghề của mình. “Sinh ra ở làng gốm, từ nhỏ đã quen với mùi đất sét, lò nung nên lớn lên cái nghề nó vận vào mình như một lẽ tự nhiên.

Năm 10 tuổi, tôi đã có thể tự tay nhào nặn nên những chiếc niêu, hũ, nồi. Lớn lên tí nữa, khi đôi tay thuần thục, tôi bắt đầu thử sức với những thứ khó hơn như tò he, lục bình…Tôi theo nghề gốm nhưng nói tôi gắn với nghiệp đèo gốm đi bán thì đúng hơn”, ông Biết nói.

Thấy tôi tỏ vẻ thắc mắc giữa chữ nghề và nghiệp, ông Biết bảo đó là bước ngoặt. Bước ngoặt đưa một người con của làng từ làm nghề gốm sang bán gốm.

Ông Biết kể, thuở ông còn niên thiếu, thời điểm ấy gốm trong làng sản xuất ra nhiều nhưng tiêu thụ khó khăn. Từ đó, ông nảy ra ý nghĩ thay vì ngồi làm gốm, ông chuyển sang bán gốm.

Từ cái dạo ông Biết 17 tuổi, người trong làng ít thấy ông ngày ngày tỉ mẩn bên khối đất sét, bàn xoay nữa. Thay vào đó, ông tậu chiếc xe đạp ngang cứng cựa. Khuya khoắt ông trở mình dậy chất đầy hũ, nồi, chậu…lên “con ngựa sắt”. Và tinh mơ, khi gà chưa cất tiếng gáy, ông đã bắt đầu cho cuộc mưu sinh ngày mới bằng việc rong ruổi bán gốm.

Cứ thế, 65 năm đằng đẵng trôi qua, hình ảnh người đàn ông dáng nhỏ thó, đầu đội mũ tai bèo cùng chiếc xe đạp chất đầy gốm đã in đậm trong tâm trí nhiều người.

“Xuất phát từ làng gốm, tôi đạp xe bỏ hàng ở các chợ của 3 xã (cũ) của Điện Bàn, sau đó thẳng tiến ra các chợ lớn, nhỏ của thành phố Đà Nẵng. Quãng đường tôi đạp xe mỗi ngày đi – về chừng 70 cây số.

Nhắc đến tôi, người trong làng hay nói vui “đi không ai thấy, về không thấy ai”. Bởi lẽ, lúc tôi đi bán thì bà con chưa thức giấc, còn khi mình trở về thì gia đình họ đã quây quần bên mâm cơm hoặc sắp sửa đi ngủ”, ông Biết tâm sự.

Đi vào trang sử làng gốm

Nhắc đến thu nhập từ cái nghiệp đèo gốm đi bán ròng rã suốt mấy chục năm qua, gương mặt sạm đen theo bụi đường thời gian của ông Biết lộ vẻ mãn nguyện.

IMG_8419 8

 "Chừng nào tay không chất nổi gốm lên xe, chân không còn đạp được nữa thì mới thôi đèo gốm đi bán", ông Biết nói.

Ông Biết nhớ như in, thời kỳ đầu đất nước sau giải phóng, bán một cái chum, vại, hũ chỉ khoảng 7-8 đồng. “Hồi đó, gốm rẻ như bèo nhưng được cái chở ra các chợ ngoài Đà Nẵng bán đắt như tôm tươi.

Bây giờ, giá mỗi cái hũ đã lên tới 70-80 nghìn đồng. Chợ Bắc Mỹ An, chợ Hàn, chợ Miếu Bông từ trước đến nay vẫn tiêu thụ đồ gốm của làng Thanh Hà do tôi bán sỉ. Cũng nhờ cái nghề bán buôn từ gốm, tôi đã nuôi 9 người con ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng xong xuôi hết rồi”, ông Biết vui vẻ cho hay.

Ở cái tuổi 82, cụ ông một đời gắn bó với gốm này vẫn chưa từ giã cái nghiệp bán buôn sớm hôm vất vả. “Sao ông không nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng?”, tôi hỏi.

Nghe xong, ông nhoẻn miệng cười móm mém rồi đáp: “Đã là nghiệp thì khó dứt lắm. Chừng nào tay không chất nổi gốm lên xe, chân không còn đạp được nữa thì mới thôi đèo gốm đi bán.

Ấy nhưng, sức khỏe giờ cũng không còn sung mãn như hồi trẻ nên cứ dăm ba ngày, khi “bạn hàng” gọi điện thoại thì mới chở một chuyến ra bán”.

Cứ vậy, ông Biết đã đi qua những tháng năm thăng trầm của làng cùng với nghiệp đèo gốm mưu sinh. Để rồi, tên tuổi, hình ảnh của ông đã trở thành một phần trong lịch sử của làng gốm.

Bởi lẽ, chân dung ông Nguyễn Viết Biết đã được tạc thành một bức tượng bằng gốm và chính thức hiện diện bên cạnh những danh nhân nổi tiếng ngay tại Công viên đất nung Thanh Hà. Điều đó, như một sự nhắc nhớ đến con cháu mai sau, rằng ở làng gốm hàng trăm năm tuổi này, ông Biết là một phần lịch sử không thể tách rời.

Giờ đây, tiếng tăm của làng gốm Thanh Hà đã vang xa, làng gốm trở thành điểm tham quan hút hồn bao lữ khách. Sản phẩm làng gốm làm ra cũng chẳng phải ngược xuôi, “đỏ mắt” tìm mối tiêu thụ. Du khách đến, rồi đi, mặc nhiên không thể nào quên mang theo món quà lưu niệm được làm từ gốm.

Ai nấy vững một niềm tin, làng gốm sẽ muôn đời đỏ lửa và trường tồn, thế  nhưng hình ảnh người đàn ông một đời đèo gốm trên chiếc xe đạp cà tàng mai sau chắc chắn sẽ chỉ còn trong hồi ức….

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn