Cuộc đổ bộ của Hằng Nga 4 lên vùng tối của Mặt Trăng hôm 3/1 là minh chứng rõ nhất cho thấy tham vọng tham gia, thậm chí là dẫn đầu trong cuộc đua vũ trụ của Bắc Kinh.
Năm 2013, Trung Quốc trở thành nước thứ 3 trên thế giới đưa thiết bị lên Mặt Trăng sau Mỹ và Liên Xô. Nhưng với Hằng Nga 4, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thám hiểm khu vực chưa từng được khám phá trên Mặt Trăng.
“Sứ mệnh đã mở ra một chương mới trong lịch sử khám Mặt Trăng của loài người”, Cơ quan không gian của Trung Quốc nói trên một thông báo đăng trên website.
Chỉ vài tiếng sau, thiết bị đổ bộ Thỏ Ngọc 2 của Hằng Nga 4 gửi về hình ảnh đầu tiên ở khu vực đối diện với vùng sáng của Trái Đất thông qua vệ tinh Cầu Ô Thước quay xung quanh vùng tối của Mặt Trăng.
Trung Quốc xuất phát chậm nhưng chắc
Trung Quốc có quyền tự hào vì những gì mà họ làm được, bởi dù xuất phát điểm muộn hơn so với các cường quốc không gian khác, Bắc Kinh đang đi những những bước chậm mà chắc, giúp họ nhanh chóng bắt kịp. Giờ đây họ đã bắt đầu gửi đi những tín hiệu thách thức Mỹ, Nga trong cuộc đua vào không gian.
Ông Zhu Menghua, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Macau tin rằng sứ mệnh mới đây cho thấy Trung Quốc đã đạt tới trình độ tiên tiến trong việc khám phá không gian sâu.
“Chúng tôi làm được việc mà đến Mỹ còn không dám thử”, ông Zhu nói.
Trung Quốc đang lên kế hoạch vận hành trạm vũ trụ thứ 3 trong không gian vào năm 2020, đưa phi hành gia lên căn cứ Mặt Trăng vào vài năm sau đó và gửi các tàu thăm dò lên sao Hỏa, bao gồm một tàu có thể gửi trở lại các mẫu vật trên hành tinh Đỏ về Trái đất.
Trong vài thập kỷ trở lại đây, Mặt Trăng dường như bị tụt lại phía sau sao Hỏa, khi các nhiệm vụ đặt chân tới đây ngày càng thưa dần ở những lần đổ bộ của các tàu thăm dò Mỹ, Nga, Trung Quốc. Trong khi đó, sự tập trung lại đang được hướng về Hành tinh Đỏ, nơi được kỳ vọng tồn tại sự sống.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định cuộc đổ bộ mới đây của Trung Quốc không đơn giản chỉ là một quả bom tuyên truyền.
Tham vọng của Trung Quốc khi đặt chân lên Mặt Trăng
Địa điểm nơi Hằng Nga 4 hạ cánh là miệng núi lửa lâu đời và sâu nhất trên Mặt Trăng. Những khám phá từ Thỏ Ngọc 2 sẽ cung cấp thêm những cái nhìn mới về nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt Trăng. Các nhà khoa học cũng nghi ngờ rằng khu vực xung quanh đó có thể chứa nhiều khoáng chất. Nếu phỏng đoán được xác thực, Trung Quốc chắc chắn sẽ không bỏ qua mỏ tài nguyên dồi dào và quý hiếm này.
Namrata Goswami, nhà phân tích độc lập người Mỹ tin rằng cuộc đổ bộ mới đây sẽ là bước đệm cho mục tiêu lâu dài là xâm chiếm Mặt Trăng và sử dụng hành tinh này như một nguồn cung năng lượng khổng lồ của Trung Quốc.
Theo ông Goswami, nơi mà Hằng Nga 4 đang khám phá có thể sẽ trở thành cơ sở tiếp nhiên liệu cho các nhiệm vụ sâu hơn trong không gian.
Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, Nga trong cuộc đua vũ trụ?
Năm 2018, Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới về số tên lửa phóng vào vũ trụ - 38, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Các vụ phóng này hầu hết đều mang theo các vệ tinh cho các phiên bản riêng của Hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Bắc Đẩu trước đó đã phủ sóng Trung Quốc và phần lớn châu Á nhưng tham vọng của Bắc Kinh hiện nay là với những vệ tinh mới, hệ thống định vị này sẽ phủ sóng toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với Mỹ.
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan đó, vẫn có những khó khăn đang đón đợi Trung Quốc phía trước. Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục ghi nhận các thất bại khi phóng thử tên lửa vào không gian. Ngân sách dành cho các nhiệm vụ ngoài vũ trụ của Bắc Kinh cũng khó có thể bì được với nguồn tiền dồi dào của NASA.
Tuy nhiên, lợi thế của Bắc Kinh lợi nằm ở việc các nguồn ngân sách và kế hoạch cho các chương trình không gian của họ ít bị ảnh hưởng bởi các diễn biến chính trị như những gì đã diễn ra với NASA trong vài năm trở lại đây.
“Thám hiểm không gian đòi hỏi đầu tư thời gian và một nguồn tiền khổng lồ. Tôi tin rằng trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ dần bắt kịp và đóng vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực không gian”, ông Zhu, Giáo sư tới Macau nói.
Bình luận