Nga đang rơi vào thế bị phương Tây cô lập, liên tục phải hứng chịu đòn trừng phạt mạnh tay từ Mỹ và đồng minh sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Điều này buộc Moskva tìm kiếm chỗ dựa, củng cố liên minh chống lại phương Tây. Sự tập hợp lực lượng, lôi kéo đồng minh giữa các bên đang khiến cho tương lai về cục diện thế giới trong thời gian tới khó đoán định hơn bao giờ hết.
Nga tìm chỗ dựa
Trả lời VTC News, chuyên gia Hoàng Việt - nhà nghiên cứu quốc tế (Đại học Luật TP. HCM) - phân tích, nhận định về việc Nga củng cố liên minh với Trung Quốc để đối đầu phương Tây trước sức ép từ Mỹ và đồng minh.
- Chiến sự Nga - Ukraine đang tiếp diễn chưa có hồi kết, Nga đang toan tính gì, thưa ông?
Chiến sự Nga - Ukraine diễn ra hơn 6 tháng nhưng vẫn chưa có hồi kết và hiện chưa biết đến bao giờ kết thúc. Đây đang là câu hỏi lớn. Các nhà nghiên cứu ở phương Tây và kể cả Trung Quốc đều cho rằng, cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể kéo dài hàng năm.
Mục đích thật sự của việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cũng là câu hỏi nhận được nhiều quan tâm. Đến nay, Nga đã đưa ra nhiều thông điệp về vấn đề này. Quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin cũng rất rõ khi ông tuyên bố muốn phi quân sự hoá, phát xít hoá tại Ukraine. Điều đó có thể hiểu là trước áp lực ngày càng lớn từ phương Tây, đặc biệt là NATO tạo ra, Nga đang muốn tìm cách chống lại các áp lực này.
Trong các phát biểu gần đây, lãnh đạo Nga và Trung Quốc cũng tuyên bố thẳng thắn rằng, họ không chấp nhận trật tự đơn cực trên thế giới này do phương Tây dựng lên dưới sự dẫn dắt của Mỹ. Nga và Trung Quốc đều là những cường quốc, hai nước này khó chấp nhận luật chơi do Mỹ và đồng minh dựng nên. Những phản ứng của Moskva và Bắc Kinh cũng đã được dự báo từ trước.
Xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết sau gần 7 tháng bùng phát.
- Nga đang ở thế bị bao vây, cô lập của phương Tây thế nào?
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukaraine, Mỹ và phương Tây lập tức có phản ứng đáp trả. Trong đó, phía Mỹ và đồng minh không giấu ý định muốn làm Nga suy yếu thông qua việc áp đặt lệnh trừng phạt, cấm vận, cũng như tìm cách cô lập Nga khỏi thị trường quốc tế. Hiện nay, đòn trừng phạt, cấm vận từ Mỹ và đồng minh, nhất là từ các nước châu Âu, tiếp tục diễn ra.
Mặc dù trong lòng châu Âu có nhiều tiếng nói khác biệt, Liên minh châu Âu (EU) vẫn gia tăng các biện pháp trừng phạt, cấm vận đối với Nga. Điều này ảnh hưởng nước Nga rất nhiều. Trước hết, dù Nga là cường quốc, có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới song Moskva cũng phải hứng chịu tổn thất lớn, cả về nhân lực và chi phí từ chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Bên cạnh đó, Mỹ và đồng minh loại ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT), vốn được ví là vũ khí hạt nhân về tài chính. Điều này khiến tất cả hoạt động của Moskva đối với thế giới bên ngoài gần như bị đóng băng. Chưa kể, hơn 300 trong 600 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga đã bị Mỹ và đồng minh chặn lại. Như vậy, dù Nga vẫn có năng lượng để làm chỗ dựa cho mình song nước này đối mặt muôn vàn khó khăn, không thể tiếp cận hàng hóa thiết yếu từ phương Tây như linh kiện, phần mềm… Kinh tế Nga rõ ràng hứng chịu ảnh hưởng lớn từ đòn trừng phạt mạnh tay của phương Tây.
Đến nay, dù rất khó khăn, người dân Nga không rơi vào cảnh thiếu ăn khi vấn đề lương thực, thực phẩm vẫn được đảm bảo. Thời gian qua, ngành nông nghiệp nước này thắng đậm, được mùa lúa mì. Thế nhưng, những mặt hàng cần thiết như thuốc chữa bệnh gặp khó khăn trong quá trình nhập từ ngoài vào. Trước các đòn trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn cầm cự, chống đỡ tốt song về lâu dài rõ ràng nền kinh tế Nga sẽ bị kéo suy yếu. Đó là điều Mỹ và đồng minh đang rất mong chờ.
Trước tình cảnh này, Nga đang đối phó bằng cách tìm các đối tác, nhất là những quốc gia ủng hộ Moskva như Trung Quốc để nhờ giúp đỡ. Quan hệ Nga - Trung Quốc đã được thắt chặt hơn rất nhiều. Khác với trước đây, khi Nga có thể được coi là quốc gia ngang bằng với Trung Quốc ở nhiều khía cạnh, giờ đây do “bão” trừng phạt, chính sách cô lập của phương Tây khiến Nga bị suy yếu, vị thế của Nga trong quan hệ với Trung Quốc cũng đã có sự sụt giảm. Về mặt quan hệ quốc tế, Moskva rớt xuống thứ hạng thấp hơn so với Bắc Kinh.
- Vì sao quan hệ Nga - Trung ngày càng thắt chặt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine?
Không chỉ đợi đến khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát Moskva mới tìm đến Bắc Kinh, mà từ trước đó, Nga đã nhận được các đảm bảo “ngầm” của Trung Quốc để Moskva vững tâm phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga đã có kinh nghiệm, có thể dự báo được phản ứng của phương Tây khi đưa quân vào Ukraine.
Năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, phía phương Tây đã có loạt biện pháp trừng phạt đối với nước Nga. Lần này cũng vậy, Nga thừa hiểu làn sóng cấm vận từ phương Tây là không tránh khỏi khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tính trước điều này, hôm 4/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm ở Bắc Kinh. Hai bên ký kết các thỏa thuận về việc Nga tăng cường bán dầu mỏ và khí đốt cho phía Trung Quốc. Từ đó, Nga có các đảm bảo nhất định, cũng như nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Điều này có ý nghĩa quan trọng với Nga. Trung Quốc không chỉ là cường quốc về kinh tế, quân sự, chính trị mà nước này còn là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Khi Mỹ và đồng minh tăng cường các đòn trừng phạt Nga một cách mạnh mẽ, chưa từng thấy như trước đây, nước Nga cần đến Trung Quốc hơn bao giờ hết. Không chỉ Nga, cả Trung Quốc cũng đã tìm thấy điểm chung, nhận thấy sự đe dọa trong trật tự quốc tế do phương Tây tạo ra. Chính vì vậy, Moskva và Bắc Kinh đã sát cánh cùng nhau, dịch chuyển cục diện thế giờ bằng việc đưa trật tự thế giới về thế đa cực, trong đó trật tự đơn cực mà phương Tây dựng ra với sự dẫn dắt của Mỹ sẽ không tồn tại.
Quan hệ Nga - Trung ngày càng thắt chặt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Đối đầu Đông - Tây
- Việc Nga - Trung củng cố quan hệ, trong khi Mỹ và châu Âu tăng cường lôi kéo đồng minh, phải chăng xu hướng tập hợp lực lượng đang gia tăng?
Điều này hoàn toàn đúng, khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, ngay lập tức Mỹ đã tiến hành vận động các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) sát cánh trong việc thực thi biện pháp trừng phạt với Nga. Mặc dù có những tiếng nói khác biệt song hầu hết quốc gia trong EU cũng đi theo Washington, áp đặt cấm vận Moskva.
Không chỉ các nước trong EU, gần đây, quốc gia có quan điểm khác biệt trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ cũng được vận động để có tiếng nói mạnh mẽ hơn với Nga. Ngay cả nước có quan hệ mật thiết với Nga như Ấn Độ cũng bị phía Mỹ và phương Tây tìm cách vận động tham gia vào việc trừng phạt Nga.
Mặt khác, Nga đang đi vận động lại các quốc gia có mối quan hệ gần gũi, có điểm chung về mối lo ngại ngày càng gia tăng can thiệp từ Mỹ - phương Tây đối với họ như Trung Quốc, Syria, Iran… để đối đầu Mỹ và phương Tây. Trước khi sát cánh cùng Nga đối đầu phương Tây sau sự kiện Ukraine, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra một thời gian dài, trên nhiều lĩnh vực.
Về phía Mỹ, sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các đồng minh thân thiết lâu đời của mình cùng tham gia mục tiêu chung của Washington, trong đó có các vấn đề căng thẳng quan hệ giữa Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc. Hiện nay, thế giới dường như bắt đầu bước vào trật tự thế giới lưỡng cực, một bên là các quốc gia nằm trong ảnh hưởng của Nga – Trung và một bên là Mỹ - đồng minh cùng các đối tác của họ. Đây chỉ là sự khởi đầu, trong tương lai sẽ có nhiều sự vận động mới và chúng ta cần phải theo dõi tiếp.
- Đối đầu giữa phương Tây với Nga - Trung sẽ gay gắt hơn Chiến tranh Lạnh trước đây?
Hai cuộc đối đầu này vẫn còn nhiều điểm khác biệt. Nếu trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũng như các quốc gia không gian Xô Viết bị tách biệt khỏi các quốc gia phương Tây, thì ở cuộc đối đầu giữa Nga - phương Tây và Trung Quốc - phương Tây hiện nay lại có mối quan hệ chặt chẽ. Do đó, vấn đề của cuộc đối đầu này không đơn giản như cậu chuyện của Liên Xô và Mỹ trước đây.
Hiện tại, trật tự lưỡng cực đang hình thành, tiềm ẩn nhiều vấn đề vô cùng nguy hiểm. Các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc một mặt thể hiện tình trạng đối lập nhau nhưng một mặt lại kiềm chế, tránh xảy ra cuộc chiến quân sự. Điều này giống với Chiến tranh Lạnh, dù không xảy ra xung đột quân sự nhưng thế giới lại bước vào giai đoạn đối đầu nghẹt thở với các sự kiện khác nhau.
Sự đối đầu giữa trật tự thế giới tạm gọi là lưỡng cực vô cùng nguy hiểm, điều này được ví như phiên bản của Chiến tranh Lạnh 2.0. Tuy nhiên, nó không lặp lại Chiến tranh Lạnh mà chỉ có những điểm tương đồng. Cuộc đối đầu giữa Đông và Tây được dự báo sẽ rất khốc liệt và đây là điều tất cả nhà nghiên cứu trên thế giới đang lo ngại.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Trung Quốc tập trận với Hải quân Nga ở biển Hoa Đông.
- Nguy cơ chạy đua vũ trang, đối đầu quân sự giữa hai bên khi căng thẳng tiếp tục leo thang?
Hiện tại, cuộc chạy đua vũ trang đang leo thang, một loạt quốc gia đã tăng cường ngân sách quốc phòng của mình như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Hầu hết quốc gia Đông Nam Á cũng đang tìm cách tăng cường ngân sách quốc phòng của mình. Đặc biệt, sau xung đột nổ ra ở Ukraine hồi tháng 2, các nước nhận thấy cần tăng cường sức mạnh quốc phòng, dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra rất ác liệt.
Mỹ, Nga và Trung Quốc đang cố gắng kiếm chế hết mức để không phải đối đầu quân sự với nhau. Washington từng tuyên bố không muốn đối đầu Moskva trong xung đột Ukraine vì Nga là cường quốc hạt nhân. Đến nay, phương Tây và Nga - Trung đang cố gắng kiềm chế hết sức, dù không quốc gia nào xuống thang song tất cả đều không muốn xảy ra xung đột quân sự. Chỉ cần một bên không giữ được bình tĩnh để kiểm soát tình hình, xung đột quân sự quy mô nhỏ sẽ bùng nổ, lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Khả năng xảy ra vấn đề này không nhiều nhưng hoàn toàn không loại trừ.
Trật tự thế giới sẽ ra sao?
- Liệu trật tự thế giới sẽ diễn biến theo đa cực hay đơn cực trong thời gian tới?
Trong thời gian tới, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina sẽ có nhiều tác động lớn, gây ảnh hưởng đến tình hình thế giới, khu vực. Ở thời điểm hiện tại, Nga và Ukraine đều đưa ra tuyên bố về việc đạt được những thành công trong cuộc đối đầu quân sự nhưng lại không đủ điều kiện để cuộc chiến kết thúc. Việc kéo dài cuộc chiến quân sự trong nhiều tháng có thể đến hàng năm sẽ tác động xấu đến tình hình thế giới và trật tự quốc tế.
Mỹ và phương Tây đang chiếm ưu thế một phần trong mối quan hệ quốc tế khi có tiếng nói quan trọng trong các định chế quốc tế. Thế nhưng, vai trò của Mỹ và đồng minh bắt đầu có dấu hiệu giảm dần, các cường quốc mới nổi đang dần thay thế, trong đó có Nga - Trung Quốc.
Hiện tại, Mỹ và phương Tây muốn tiếp tục giữ vai trò áp đảo của mình trước sự vươn lên của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga - Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự quốc tế từ đơn cực với sự thống trị của Mỹ và đồng minh sang đa cực. Trong đó, Nga và Trung Quốc sẽ có vai trò ngang bằng với Mỹ trong nhiều vấn đề khác nhau. Đây sẽ là xu hướng diễn ra sắp tới, hiện nay mới ở thời gian đầu triển khai. Muốn biết bên nào chiếm ưu thế trong cuộc đấu trật tự lưỡng cực này cần phải mất ít nhất 3 - 5 năm mới dự báo được.
- Ai sẽ là bên được lợi, thưa ông?
Cuộc đối đấu giữa Mỹ - phương Tây và Nga - Trung không mang lại ích cho bên nào, gây bất lợi cho nhiều nước trên thế giới. Cả thế giới bước vào giai đoạn nguy hiểm, kinh tế suy thoái, trong khi tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh về an ninh, xung đột quân sự. Nếu điều này diễn ra, kịch bản đối với thế giới sẽ vô cùng tồi tệ trong thời gian tới.
Thời gian qua, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine nổ ra sau khi thế giới hứng chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, thương chiến Mỹ - Trung chưa giảm sút, thậm chí còn gay gắt hơn… Điều này khiến nền kinh tế giới lâm vào cảnh khó khăn, nhiều quốc gia tuyên bố vỡ nợ (Sri Lanka) hoặc đang nằm trên bờ vực vỡ nợ (Pakistan, Nepan). Đòn trừng phạt qua lại giữa phương Tây và Nga khiến cho thế giới vốn đã tích tụ rất nhiều vấn đề giờ hứng chịu thêm cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề, giá cả tăng cao, lạm phát kỷ lục tại nhiều quốc gia.
- Đâu là lựa chọn của các nước vừa và nhỏ trong bối cảnh hiện nay?
Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang ở trong cuộc cạnh tranh lôi kéo đồng minh, tập hợp lực lượng. Khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra từ 2018 đến nay, cả hai quốc gia đều tìm cách lôi kéo các nước Đông Nam Á ủng hộ những sáng kiến của họ.
Và khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra, các bên đã ra sức lôi kéo, vận động những quốc gia khác ủng hộ mình trong cuộc bỏ phiếu lên án hành động của Nga tại Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an. Đông Nam Á cũng không ngoại lệ, ASEAN luôn khẳng định không muốn chọn bên. Bởi vì, các quốc gia trong khu vực nằm ở phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, trong khi nhiều nước có quan hệ chặt chẽ với Nga về mua bán vũ khí.
Đây là điều hết sức khó khăn với các quốc gia Đông Nam Á. Các nước trong khu vực cần thể hiện bản lĩnh của mình, để không bị lôi kéo bởi quốc gia khác. Mỹ, Trung Quốc và Nga luôn ra sức lôi kéo các quốc gia trong khu vực theo guồng máy, sáng kiến của mình. Nếu các nước Đông Nam Á chỉ đi theo một bên và không cân bằng được mối quan hệ với các bên còn lại thì đường đi sẽ bị lệch pha, chịu ảnh hưởng rất lớn.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận