Ngày 30/5, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an ra mắt phần mềm quản lý vi phạm của lái xe và thông tin về phương tiện vi phạm được phát hiện qua hệ thống giám sát trên phạm vi toàn quốc.
Phần mềm được tích hợp trong trang web của Cục CSGT (http://www.csgt.vn) và người dân có thể tra cứu lỗi vi phạm của mình bằng cách nhập biển số xe. Phần mềm này cũng thông báo cho chủ phương tiện biết đã bị tước giấy phép bao nhiêu lần, đã nộp phạt, xử lý vi phạm hay chưa. Tài xế cũng xem được mình có bị camera giám sát trên cao tốc ghi hình vi phạm hay không.
Hệ thống sẽ cung cấp thông tin số điện thoại để liên hệ giải quyết xử lý tại các đơn vị Công an nơi phát hiện vi phạm. Đây là một trong những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính và gắn kết CSGT với người dân.
Đến nay, CSGT các địa phương đã nhập vào hệ thống gần 3.000 trường hợp tài xế bị tước bằng lái, tạm giữ; 290 phương tiện vi phạm được ghi nhận qua hệ thống giám sát. Phần mềm đã hoàn thành và đang chạy thử nghiệm trước khi đưa vào hoạt động chính thức vào ngày 1/6 tới.
Cùng ngày, Cục CSGT ký biên bản phối hợp, liên kết, chia sẻ dữ liệu quản lý tài xế với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam. Theo đó CSGT chia sẻ thông tin dữ liệu về các trường hợp giấy phép lái xe đang bị tước và tạm giữ quá thời hạn (trường hợp không đến chấp hành quyết định xử phạt) tại cơ quan CSGT, để Tổng cục Đường bộ Việt Nam tra cứu thông tin, phục vụ công tác cấp đổi bằng lái.
Ngược lại, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cũng chia sẻ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe cho CSGT để phục vụ công tác nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Việc trao đổi thông tin giữa hai đơn vị thông qua ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý người lái; tránh được các hạn chế như trao đổi thông tin bằng văn bản dễ thất lạc hoặc chậm, ảnh hưởng quá trình cập nhật dữ liệu.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, trong hai năm 2015-2016 có gần 160.000 giấy phép lái xe ôtô, môtô bị tước quyền sử dụng, đã hết thời gian tước nhưng tài xế không đến nhận. Thực tế, cảnh sát giao thông nhiều địa phương phát hiện tài xế lợi dụng việc báo mất giấy phép lái xe để làm mới, thậm chí sử dụng bằng lái giả.
Một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm không đến nhận lại bằng lái được Cục nêu ra là mức tiền xử phạt cao gấp nhiều lần mức lệ phí cấp lại. Thủ tục cấp lại bằng lái cũng đơn giản nên người vi phạm báo mất để xin cấp lại.
Bình luận