Google Glass được giới thiệu như chiếc kính dành cho "siêu điệp viên". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không tin tưởng vào khả năng của thiết bị này.
Khi Google chính thức giới thiệu Project Glass của họ - dự án mang tham vọng tạo ra một chiếc kính với khả năng hiển thị thực tế trộn (augmented reality) mà chúng ta vẫn thấy trong bộ phim “Kẻ Hủy Diệt” vào thập niên 80 của thế kỷ trước – cả thế giới công nghệ như chìm đắm trong giấc mơ vươn tới tương lai gần. Dưới góc nhìn của người đeo thiết bị của Google, bản đồ, các biểu tượng cũng như nhiều chắc năng khác sẽ hiện ra một cách trực quan ngay giữa khung cảnh hàng ngày họ thấy.
Trong khi đó, những bức ảnh concept đi kèm lại cho chúng ta thấy dáng vẻ (dường như là) thật của Google Glasses. Tuy nhiên, nếu sử dụng từ “cặp kính” thì có vẻ hơi lạc đề. Lý do là thay vì nhìn thấy một thiết bị với 2 mắt kính lớn, thì Google Glass chỉ sở hữu mảnh kính nhỏ hình chữ nhật mang chức năng của một màn hình đặt phía trên võng mạc người sử dụng.
Dựa vào những đoạn video cũng như ảnh giới thiệu, người ta có thể đi đến nhận xét: Thiết bị đầy triển vọng này của ông trùm tìm kiếm sẽ không che hết góc nhìn của người sử dụng, mà thay vào đó, những chức năng thực tế ảo sẽ hiện lên xen kẽ giữa tầm nhìn của họ.
Trang blog công nghệ nổi tiếng Wired đã gửi email hỏi Google về chi tiết của dự án này. Thế nhưng, trong bức thư điện tử được Google gửi lại, người phát ngôn của Google cho biết rằng “Chúng tôi chưa được phép tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào có liên quan đến dự án Glass ở thời điểm hiện tại”.
Theo lời của Pranav Mistry, một nhà nghiên cứu tại MIT Media Lab và cũng là một trong những người phát minh ra hệ thống máy tính tương tự như Project Glass, SixthSense: “Một chiếc màn hình bé xíu như trong bức ảnh không thể nào đưa ra được chất lượng hình ảnh cao như trong clip giới thiệu”.
Thêm nữa, ở vị trí như vậy, những hình ảnh mà Google Glass đưa ra sẽ rất có khả năng bị khuất ở góc tầm nhìn và chúng ta sẽ phải liếc mắt liên tục để “dò” theo những chức năng mà chiếc kính này mang lại. Mặc dù vậy, vị giám đốc phòng thí nghiệm này cũng đánh giá rất cao thiết kế của Google Glass và cho đây là “một thiết bị sở hữu kích cỡ và hình dáng lý tưởng”.
“Ở một chừng mực nào đó, đoạn video này của Google khiến tôi cảm thấy khó hiểu. Trong đó có một đoạn, rằng khi một thông báo (notification) hiện lên, chủ thể đeo chiếc kính cũng lại đang nhìn vào địa điểm liên quan tới nội dung của thông báo kể trên”, MacIntyre cho biết. “Liệu rằng đó là thực tại trộn, hay chỉ đơn thuần là thông báo dựa theo địa điểm? Điều này rất có khả năng sẽ gây hiểu nhầm, cũng như sản phẩm thực tế sẽ không được như kỳ vọng”.
Ngay cả khi Google có khả năng tạo ra một sản phẩm như vậy, thì chúng ta cũng chưa chắc đã được chạm tay vào chiếc kính đầy ấn tượng này trong vòng ít nhất là 2 năm nữa. Pranav Mistry cho biết thêm, trở ngại đầu tiên và cũng là lớn nhất đối với Project Glass đó là vấn đề với màn hình. Ở thời điểm hiện tại, mọi công nghệ màn hình tương tác tốt nhất với võng mạc đều phải được đặt cách xa mắt ít nhất là 2 feet (khoảng hơn 60 cm).
Thêm vào đó, để hiệu ứng thực tại trộn có hiệu quả cao nhất, thì một là mắt người sẽ luôn luôn phải nhìn thẳng về phía màn hình, hoặc màn hình sẽ phải có những thiết bị hỗ trợ chuyển động cùng võng mạc. Giả thuyết thứ nhất gần như là bất khả thi, vì vậy không ngoại trừ khả năng để có được chất lượng hình ảnh như trong video clip, Google Glass sẽ phải có thêm một vài thiết bị phần cứng đi kèm, từ đó nâng kích thước cũng như trọng lượng của chiếc kính này lên.
Đồng sáng lập Google, Sergey Brin cùng Google Glass |
Một vấn đề khác cũng liên quan đến màn hình được MacIntyre đề cập. Tại phòng thí nghiệm của ông tại Học viện Công nghệ Georgia, cho đến thời điểm hiện tại ông cùng cộng sự vẫn chưa thể nào nghiên cứu để cho ra đời được một màn hình trong suốt có khả năng hiển thị tốt cả trong phòng lẫn ngoài trời.
Nói cách khác, những hình ảnh được hiển thị tốt khi đeo thiết bị này trong phòng tối sẽ gần như biến mất hoàn toàn khi ra ngoài trời, nhất là trong những ngày nhiều nắng. Sự khác biệt về mức độ sáng đôi khi chỉ là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hiển thị của màn hình, nhất là khi màn hình của Google Glass lại là trong suốt.
Bỏ qua những kết luận mang tính tiêu cực cũng như góc nhìn có phần cực đoan của cả hai nhà nghiên cứu Tương tác Người và Máy, những gì mà phòng thí nghiệm bí mật của Google Lab mang lại cho giới hâm mộ công nghệ trong vài ngày qua vẫn đáng hoan nghênh và chờ đợi. Liệu rằng trong tương lai, ông trùm tìm kiếm có khả năng thay đổi cách con người giao tiếp với nhau qua mạng xã hội, cũng như cả cách tương tác với máy tính ấn tượng như trong video clip họ giới thiệu hay không? Chúng ta hãy cùng chờ đợi.
Vi Dũng/GenK
Bình luận