• Zalo

Công nhận mại dâm là một nghề: 'Không lẽ lại thành lập trường đào tạo mại dâm?'

Thời sựThứ Hai, 02/04/2018 06:48:00 +07:00Google News

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, nếu công nhận nó là một nghề thì phải có đào tạo nghề, phải có bảo hiểm nghề nghiệp và không lẽ lại thành lập trường đào tạo mại dâm.

Video: Đề xuất mở phố đèn đỏ ở Việt Nam, cả nước có hơn 11.000 người hành nghề mại dâm

"Hợp pháp hóa mại dâm - nên hay không nên?" là nội dung được các đại biểu thảo luận tại hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ LĐTB&XH tổ chức.

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: "Khoan hãy nói đến chuyện công nhận mại dâm là một nghề, nhưng phải nhìn mại dâm là một thực thể đang tồn tại và phải có biện pháp quản lý từng bước. Bởi lẽ, nếu công nhận mại dâm là một nghề thì phải có đào tạo nghề, phải có bảo hiểm nghề… không lẽ lại thành lập trường đào tạo mại dâm?".

trinh hoa binh 3

  PGS-TS Trịnh Hòa Bình nhà Tâm lý học - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam. (Ảnh: Petrotime)

Theo TS Trịnh Hoà Bình, ở nước ta đây là một trong những vấn đề hết sức nhạy cảm, liên quan đến quan niệm, cách nhìn về nghề nghiệp.

Trong bức tranh phức hợp của Việt Nam, đặt vấn đề công nhận mại dâm là một nghề, sẽ đi kèm với nghề đó phải có bảo hiểm nghề nghiệp, đào tạo nghề nghiệp và có hệ thống những vấn đề liên quan để nghề đó vận hành một cách hoàn chỉnh, đồng bộ trong xã hội.

“Ta không gọi là lành mạnh, vì đây là hành vi được coi là lệch chuẩn xã hội, tha hóa... Không phải ngẫu nhiên người ta đặt nó nằm trong hệ thống các tệ nạn xã hội”, ông Bình nói.

Thừa nhận việc không thể xóa bỏ triệt để hoạt động mại dâm, PGS.TS Trinh Hòa Bình cho rằng, phải siết chặt hơn nữa việc kiểm soát hoạt động này, đưa nó vào khuôn khổ pháp luật.

Việc để thả nổi họat động mại dâm, không nhìn nhận nó là một hoạt động xã hội để đưa vào vòng kiểm soát, dễ dẫn đến những hệ lụy kèm theo. Thực tế dù có công nhận hay không thì mại dâm cũng tồn tại hiện hữu.

“Nếu chấp nhận đưa mại dâm vào vòng kiểm soát thì sẽ lành mạnh hoá được xã hội, một lượng tiền khá lớn không chảy ra ngoài, không rơi vào túi áo những tú ông, tú bà, những đầu nậu. Người lao động trong khu vực ấy họ được bảo vệ”, ông Bình cho biết thêm.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng tán thành ý kiến thành lập các khu phố đèn đổ dành riêng cho hoạt động mại dâm.

"Tôi tán thành đưa mại dâm vào kiểm soát và có thể thành lập các khu phố đèn đỏ. Thay vì để nó mọc lên một cách tự nhiên, tràn lan ở các phố thiếu sáng, ven đô, vùng giáp ranh…, có thể lựa chọn cũng vẫn những con đường, hè phố ấy, nhưng lập các khu phố đặc biệt để có sự kiểm soát đặc biệt. Như vậy, nạn trộm cắp, lừa đảo, móc túi, trấn lột sẽ giảm đối với khu vực này.

Tuy nhiên, việc xây dựng các khu phố này không cần phải “đánh trống khua chiêng”, không cần phải hô to lên hay treo biển “đây là phố đèn đỏ”.

“Chỉ cần các nhà quản lý cộng đồng, giới chức có trách nhiệm như: cảnh sát, tài chính, phòng thuế đưa việc thu chi ở những nơi này vào vòng kiểm soát. Như vậy, vừa thu được thuế, người lao động lại không bị chà đạp và khách hàng cũng không bị bóc lột”, ông Bình nhấn mạnh.

Đặt vấn đề công nhận mại dâm là một nghề trên phương diện truyền thống, văn hóa ở nước ta, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, chúng ta từ xưa không chấp nhận chuyện mại dâm, thậm chí xem nó là hành vi hèn hạ, bẩn thỉu và kỳ thị những người hành nghề này, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại.

9543486500ac04_img_BECZ

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, chúng ta từ xưa không chấp nhận chuyện mại dâm, thậm chí xem nó là hành vi hèn hạ, bẩn thỉu và kỳ thị những người hành nghề này, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại.  (Ảnh minh họa)

Và dù thực tế, người ta sẵn sàng lên án người khác khi có cơ hội nhưng bản thân lại vẫn “sử dụng”. Đây chính là mâu thuẫn trong chính văn hóa của chúng ta.

"Quan điểm của tôi là vẫn phải quản lý kiểm soát, không thể cấm đoán. Giống như Trung quốc, họ không thừa nhận nhưng cũng không cấm đoán vấn đề này", TS Trịnh Hoà Bình bày tỏ.

Phải phù hợp với văn hóa và điều kiện Việt Nam

Hợp pháp hóa mại dâm là câu chuyện không mới và không phải chỉ có ở Việt Nam mà nhiều quốc gia phải đối mặt với vấn đề này. Từ xa xưa mại dâm đã có rồi và đến giờ cũng vậy. Nó là nhu cầu, cấm không được, vì vậy không nên để cho nó trôi nổi.

Theo tôi, mình không mong muốn nhưng thực tế vẫn tồn tại, nên có quy định và nên đưa vấn đề này vào khuôn khổ pháp luật. Nếu ai phải làm nghề này thì cũng phải có pháp luật bảo vệ họ.

Không nên khuyến khích, không quảng cáo. Chỉ cần có quy chế chặt chẽ và khung pháp luật để bảo vệ nghề này và hết sức hạn chế, không nên “thi nhau đua nở” vì về mặt văn hóa không cho phép.

Phải có quy định nghiêm ngặt, trong những trường hợp nào thì được làm nghề này, khi đã làm rồi thì chế độ thăm khám sức khỏe, chữa trị, cấp giấy chứng nhận như thế nào.

Phải nghiên cứu kinh nghiệm của các nước tiến bộ đã làm, nhưng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Tức là học tập kinh nghiệm của người khác nhưng phải phù hợp với văn hóa và điều kiện hoàn cảnh ở Việt Nam.

Bà Lê Thị Thu Ba, Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội

Hướng coi mại dâm là một nghề

Ở nước ta, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Giữa nhận thức và quản lý xã hội có khoảng cách xa nhau, nên có những cái nhạy cảm khi đặt ra vấn đề này.

Có lẽ về lâu dài chúng ta cũng nên chú ý đến hướng coi mại dâm là một nghề. Thực tế, ta cũng “hết đường” rồi, quản lý chặt cũng không cản được, vì nó đã là sinh hoạt xã hội.

Vẫn có khoảng cách giữa quan điểm truyền thống và xã hội hiện đại. Có nhiều mẫu thuẫn ngay cả trong góc độ văn hóa và cả quản lý. Trên thực tế mại dâm vẫn đang tồi tại và không thể ngăn cản, kéo theo đó là những hệ lụy có thể nhìn thấy.

Vì vậy, khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động mại dâm là phải có sự vận dụng kết hợp, vừa thúc đẩy sự phát triển của xã hội, vừa phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, với truyền thống văn hóa của nước ta.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn