Công nhân tất bật thi công trên công trường dự án đường Vành đai 3.
Ghi nhận của PV VTC News, tại các gói thầu xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn TP.HCM, hàng trăm công nhân tất bật làm ngày làm đêm để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đường vành đai 3 được đánh giá là một trong các tuyến đường huyết mạch, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Đường Vành Đai 3 dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Từ 7h sáng, công trường Vành đai 3 đã tấp nập, rộn ràng tiếng cười, nói và tiếng máy móc. Từng tốp công nhân được chia thành các ca, làm việc liên tục trong thời tiết như thiêu đốt.
Một người trong số các công nhân làm khung thép cho biết được yêu cầu phải làm nhanh nhưng vẫn đảm bảo tỉ mỉ, kỹ càng khi thực hiện khâu móc nối cho từng khung thép.
Anh Phạm Văn Hà (công nhân thi công gói thầu đường Vành đai 3) cho biết, sau Tết Nguyên đán các gói thầu thi công đều tập trung nhân lực, thiết bị, vật tư để đảm bảo tiến độ dự án. "Mỗi ngày có hàng trăm công nhân, kỹ sư cùng hàng chục máy móc, thiết bị chia làm nhiều ca đẩy nhanh tiến độ thi công", anh Hà nói.
Anh Nguyễn Đức Hải (công nhân thi công gói thầu đường Vành đai 3) chia sẻ: "Dù thời tiết nắng nóng nhưng chúng tôi luôn cố gắng làm tốt vì có việc làm phụ giúp kinh tế gia đình, thêm nữa được làm việc đại công trường Vành đai 3 - dự án trọng điểm được cả nước quan tâm cũng là một niềm vui".
Một công nhân khác cho hay, trong thời điểm kinh tế suy thoái, việc được lao động miệt mài đã là điều may mắn. Dưới cái nắng gay gắt của TP.HCM, những công nhân vẫn hăng say để kịp tiến độ công việc.
Để đảm bảo tiến độ công việc và an toàn cho công nhân, các nhà thầu chia làm nhiều ca làm việc.
Bên ngoài khu vực rào chắn, xe cộ tấp nập qua lại. Để hạn chế việc đất cát vương vãi ra đường gây cản trở giao thông, đơn vị giám sát thi công phải thường xuyên nhắc nhở công nhân quét dọn.
Gói thầu XL 6 đi qua địa bàn huyện Củ Chi dài khoảng 6 km, có 7 mũi thi công, bao gồm các mũi trọng điểm tại cầu Cây Xanh và các mũi hầm chui trên đường tỉnh lộ 15 hiện hữu.
Theo ghi nhận, đường Vành đai 3 qua địa bàn TP.HCM mới chỉ triển khai thi công được các hạng mục kết cấu cầu như cọc khoan nhồi, bệ thân trụ. Còn phần đường do thiếu cát nên đang có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ của tiến độ dự án.
Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cát, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư) cho biết, đường Vành đai 3 TP.HCM dài hơn 76km đi qua 4 tỉnh thành, dự kiến cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu cát. Riêng TP.HCM cần 4,7 triệu m3 dàn trải từ quý II đến quý IV.
Theo ông Phúc, TP.HCM đã chủ động làm việc với một số tỉnh thành như Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang để tìm nguồn cát. "Ba địa phương thông báo có 60 mỏ cát đã được lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu và được đưa vào danh sách để cung cấp phục vụ cho dự án trọng điểm", ông Phúc nói.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết thêm, lượng cát tại sông Ba Lai (tỉnh Bến Tre) có thể cho khai thác hơn 10 triệu m3, còn các mỏ cát tại tỉnh Tiền Giang cũng có thể đáp ứng khoảng 2 triệu m3.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, công tác giải phóng mặt bằng Vành đai 3 cơ bản đạt tiến độ đề ra. Cụ thể, TP.HCM đã thu hồi 403,915/410,45ha, đạt 98,4%. Trong đó, TP Thủ Đức đã bàn giao 94,26/99,81 ha (đạt 94,4%); huyện Củ Chi bàn giao 65,11/65,27 ha (đạt 99,8%); huyện Hóc Môn bàn giao 98,89/98,89 ha (đạt 100%); huyện Bình Chánh bàn giao 145,65/146,46 ha (đạt 99,4%)...
"Hiện nay các cơ quan đang tiếp tục vận động người dân, thu hồi 1,6% diện tích còn lại phục vụ thi công các gói thầu thuộc Dự án. Dự kiến hoàn thành trước 30/4/2024", ông Lâm nói.
Dự án đường vành đai 3 đi qua bốn địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Trong đó, TP.HCM, Long An, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ thi công thì Đồng Nai vẫn đang khởi động khá chậm. Cụ thể, tại TP.HCM, diện tích thu hồi đất đã 403,915/410,45ha (đạt 98,4%); Bình Dương, diện tích đất đã thu hồi 63,5/78,6ha (đạt 80,1%); Long An, diện tích đất đã thu hồi 46,33/47,23ha (đạt 98,09%) và Đồng Nai thu hồi đất với diện tích 4,6/65ha (chỉ đạt 6,2%).
Bình luận