• Zalo

Công nghệ VAR thay đổi bóng đá hiện đại như thế nào?

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 23/01/2019 16:39:00 +07:00Google News

Lần đầu tiên trong lịch sử giải Asian Cup, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) áp dụng công nghệ VAR giống như tại World Cup 2018.

VAR được triển khai thử nghiệm tại Anh, Đức, Ý... nhưng chỉ thực sự thu hút sự chú ý khi chính thức được áp dụng ở giải Vô địch Bóng đá Thế giới (World Cup 2018).

VAR là từ viết tắt của Video Assistant Referee - trợ lý trọng tài qua video. Hệ thống camera sẽ được lắp đặt quanh sân hoặc trên cao khán đài để ghi lại các tình huống trong trận đấu.

war1 4

Trọng tài xem lại một tình huống qua VAR.

Khi trái bóng vẫn đang lăn trên sân, các trợ lý trọng tài ngồi cách xa sân vận động sẽ xem video quay chậm các tình huống vừa diễn ra. Qua tai nghe không dây, họ giao tiếp với trọng tài chính, đưa ra tư vấn của mình về bất kỳ sự cố nào có thể thay đổi một trận đấu. Theo quy định, VAR chỉ hỗ trợ trọng tài trong bốn lĩnh vực: có bàn thắng được ghi, có tình huống phạm lỗi, thẻ đỏ và trường hợp nhận dạng sai cầu thủ.

VAR về bản chất là công nghệ hỗ trợ trọng tài ra quyết định, chứ hoàn toàn không thể thay thế các vị vua sân cỏ. Mọi quyết định cuối cùng vẫn do trọng tài chính đưa ra. Công nghệ này tránh được những tranh cãi không cần thiết, như bàn thắng không được công nhận trong trận Anh gặp Đức ở World Cup 2010. Khi có một đội khiếu kiện về một tình huống nào đó, hoặc trọng tài cảm thấy chưa chắc chắn khi đưa ra một quyết định, VAR cũng sẽ được sử dụng để phát hiện lỗi việt vị, kéo áo, va chạm...

Khu vực trong vòng cấm là nơi VAR được dùng nhiều nhất vì liên quan tới quyết định thổi phạt penalty của trọng tài. Theo thống kê của SkySports, với sự hiện diện của VAR, giải đấu tổ chức tại Nga là mùa World Cup đạt kỷ lục về penalty cũng như có tỷ lệ ghi bàn cao nhất từ các tình huống cố định. Cụ thể, có tổng cộng 22 quả penalty được thực hiện trong 64 trận đấu, trong khi kỷ lục trước đó chỉ là 18 trong các năm 1990, 1998 và 2002.

Dù mới lần đầu được áp dụng tại World Cup năm ngoái, VAR đã thường xuyên trở thành tâm điểm. Trong trận cầu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, pha ghi bàn của Diego Costa trở thành bàn thắng đầu tiên trong lịch sử World Cup được công nhận dưới sự trợ giúp của VAR.

Cũng nhờ VAR, màn ăn vạ của cầu thủ Neymar bên đội Brazil đã thất bại... Ngược lại, nó cũng bị chỉ trích vì bỏ qua tình huống phạm lỗi trong pha ghi bàn của cầu thủ Thụy Sĩ vào lưới Brazil, hay khi trọng tài không cho phạt đền dù Harry Kane bị hậu vệ Tunisia quật ngã trong vòng cấm...

Việc áp dụng VAR vào các giải đấu tạo nhiều quan điểm trái chiều. Sự góp mặt của công nghệ mang đến sự công bằng, minh bạch hơn trong bóng đá hiện đại, nhưng cũng làm thay đổi cách người hâm mộ thưởng thức bóng đá. Năm 2017, lần đầu tiên VAR được giới thiệu và đưa vào áp dụng tại Cup FA. Nó nhanh chóng bị đổ lỗi đã phá hủy một "trò chơi đẹp" bởi cả cầu thủ lẫn đội ngũ quản lý.

Không ít người cho rằng VAR phá hỏng bóng đá, làm giảm sự hấp dẫn của trận đấu. Trong bóng đá, cảm xúc nguyên bản, sự kịch tính đáng giá hơn bất kỳ công nghệ nào dù có gây tranh cãi. Chẳng hạn, trong trận tứ kết World Cup 1986 giữa Argentina và Anh, người hâm mộ vẫn nhớ mãi về “Bàn tay của Chúa” với pha làm bàn bằng tay của Diego Maradona.

Trong khi đó, huyền thoại người Argentina lại ủng hộ sử dụng công nghệ xem lại tình huống VAR trong bóng đá. "Bàn thắng như thế sẽ không được công nhận ngày nay nhờ vào công nghệ xem lại tình huống. Nhiều người cho rằng công nghệ thật phiền toái, phí thời gian.

Nhưng nhiều môn thể thao khác đã áp dụng công nghệ từ rất lâu và được hưởng lợi. Tại sao bóng đá lại không thể?", Maradona nói khi được hỏi về VAR.

war2 5

 Ảnh chế công nghệ VAR là "cầu thủ xuất sắc tại World Cup" (Ảnh: SI) 

Năm 2018, các giải đấu La Liga, Serie A và Bundesliga đã tiên phong sử dụng công nghệ mới này. Champions League cũng sẽ "theo chân" từ mùa 2019-2020. ''Tôi thích VAR, vì trọng tài vốn luôn phải đưa ra những quyết định khó khăn. Chúng ta nên chào đón bất kỳ thứ gì có thể giúp công việc của trọng tài trở nên thuận lợi hơn'', cầu thủ Cristiano Ronaldo cho biết.

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng quyết định áp dụng công nghệ VAR cho các trận từ vòng Tứ kết tại giải vô địch châu lục Asian Cup. Trận giữa Việt Nam và Nhật Bản tối ngày 24/1 sẽ là trận đầu tiên công nghệ này được triển khai.

"Bóng đá châu Á quyết tâm nắm lấy công nghệ vì lợi ích của bóng đá. Tại World Cup 2018 ở Nga, chúng tôi đã trực tiếp thấy VAR vận hành. Rõ ràng, AFC cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả", Chủ tịch AFC, Sheikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa chia sẻ vào ngày 27/9.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn