Sáng 26/12, Hội nghị Báo chí toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM. Trong bản báo cáo tại hội nghị, nhiều khuyết điểm, hạn chế của báo chí đã được thẳng thắn chỉ ra.
Một số báo vẫn tiếp diễn việc thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép.
Nhiều báo, tạp chí điện tử chủ yếu tập trung khai thác phát tán những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp và cá nhân.
Thông tin không đúng sự thật, thông tin thiếu nhạy cảm về tính chính trị, không phù hợp với lợi ích đất nước, của nhân dân, không phù hợp tính định hướng, tiết lộ bí mật Nhà nước.
Một số tờ báo đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái xã hội. Tình trạng thông tin phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, giật gân câu khách về những vụ việc liên quan đến người nổi tiếng.
Nhiều tờ báo miêu tả các hành vi liên quan đến tội ác một cách tỉ mỉ, rùng rợn vẫn tiếp diễn và chưa được khắc phục triệt để gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, một số tờ báo chưa thực sự đề cao quy định tác nghiệp, quy trình biên tập còn có những sơ suất, thiếu xót, lỏng lẻo, thiếu nhạy cảm chính trị xã hội.
Nhiều báo, tạp chí điện tử chưa kiểm soát được bình luận, để lọt một số bình luận có nội dung sai sự thật, thậm chí xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức, cá nhân.
Một số phóng viên, biên tập viên lợi dụng MXH để bày tỏ quan điểm đi ngược với quan điểm của báo, ảnh hưởng đến hình ảnh cơ quan báo chí.
Thông tin trên báo chí trong một số trường hợp còn chậm hơn so với tình hình diễn biến thực tế, nên chưa phát hiện, phát huy được vai trò định hướng củ cơ quan báo chí.
Tình trạng nhiều cơ quan báo điện tử, trang tin tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh các báo khác mà không xin phép, dẫn nguồn...
Báo cáo chỉ ra có tình trạng "đánh hội đồng", kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy định của pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, tình trạng "suy đoán có tội" phát triển trong báo chí hiện nay gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, làm giảm lòng tin của công chúng, của chính quyền các cấp vào báo chí.
Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương, đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm sơ hở, hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp, của địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh.
Thậm chí, có tình trạng phóng viên kết thành những "liên minh báo chí", tổ chức theo nhóm, lấy danh nghĩa đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ép kí hợp đồng quảng cáo, hợp đồng truyền thông và gỡ, sửa bài sau khi đăng một cách tùy tiện, vụ lợi.
Cá biệt, một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Báo cáo nêu có xu hướng gia tăng tình trạng "báo hóa" các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của giấy phép.
Nhiều trang thông tin điện tử còn tự sản xuất, cập nhật tin bài như báo điện tử, cố tình mập mờ giữa trang thông tin điện tử tổng hợp - báo điện tử - tạp chí điện tử bằng cách sử dụng những từ ngữ gây hiểu nhầm cho độc giả trên trang như News, Tin tức...
Những mặt hạn chế trên là công tác tổ chức quản lý và cung cấp thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, nhất là với những tình huống, sự kiện bất thường, phức tạp liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, gây khó khăn cho cơ quan chỉ đạo và quản lý thông tin cũng như cơ quan báo chí.
Một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm, còn thiếu sâu sát trong giám sát, quản lý nên để xảy ra sai phạm tại cơ quan báo chí; hoặc nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền.
Có cơ quan chủ quản còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức tới công tác cán bộ của cơ quan báo chí, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo báo chí nhưng không thực hiện thỏa thuận bổ nhiệm.
Một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhưng chậm được cơ quan chức năng giải quyết, hoặc chưa có phương thức xử lý thông tin thỏa đáng nên tạo thành “điểm nóng” trên báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là báo, tạp chí của các Hội không được cấp kinh phí hoạt động, không có lương cho cán bộ, phóng viên.
Trong khi đó, còn bị khoán doanh thu, quảng cáo nên tìm mọi cách để có nguồn thu thông qua việc đưa tin giật gân, câu khách, sai tôn chỉ, mục đích, nhũng nhiễu doanh nghiệp để làm kinh tế.
Đã có không ít cơ quan báo chí thực hiện hoạt động liên kết nhưng lại quản lý nội dung chưa tốt, coi nhẹ định hướng, giáo dục, vi phạm các quy định của pháp luật; thậm chí có một số báo bị đối tác chi phối cả nội dung thông tin.
Một số cơ quan báo chí chưa quản lý chặt chẽ văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương; việc tuyển chọn phóng viên, cộng tác viên còn tùy tiện, chưa quan tâm đúng mức đến phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ.
Bình luận