Diễn đàn

Gen Z - thế hệ sợ yêu và thích một mình

Thứ Tư, 08/05/2024 14:48:00 +07:00

(VTC News) - Luôn cảnh giác, giữ khoảng cách với đồng nghiệp nam, Khánh Huyền chọn cách sống cô đơn, nói không với tình yêu từ năm cuối đại học đến khi đi làm.

18h30 hàng ngày, Đỗ Khánh Huyền (SN 2002, Lào Cai) hoàn thành công việc, rời công ty về nhà. Thay vì đi chơi, ăn uống cùng bạn bè vào buổi tối, cô gái này lại chọn tự đi chợ, nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa.

Căn phòng trọ nằm trên phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) của Huyền rộng chừng hơn 20m2, nhưng đầy đủ tiện nghi, đồ đạc bếp núc và các vật dụng dọn dẹp nhà cửa khác. Từ khi xuống Hà Nội học đại học, Huyền đã quen với lối sống ngăn nắp, gọn gàng và quy củ trong việc học tập, vui chơi. 

Từ nhỏ, tính tình Huyền hoạt bát, năng động, nhiều năm liền từ lớp 1 đến 12 đảm nhận vị trí lớp trưởng, được thầy cô, bạn bè yêu quý. 10x lựa chọn xét tuyển vào trường Đại học Ngoại thương để thoả đam mê vừa được học tập, vừa hòa mình vào các phong trào, hoạt động thể dục, thể thao.

Gen Z - thế hệ sợ yêu và thích một mình - 1

Điều gì khiến Gen Z chọn lối sống cô đơn, sợ yêu và thích một mình. (Ảnh minh hoạ)

"Quãng thời gian 4 năm đại học của tôi thật rực rỡ, có bạn bè xung quanh, được thoả thú đam mê nhảy, hát, đặc biệt là có anh người yêu đúng chuẩn gu soái ca", Huyền kể. Người yêu học cùng trường, hơn Huyền 1 khoá, chăm chỉ đưa đón cô mỗi ngày đi học. Chuyện tình thời sinh viên thật đẹp, nhóm bạn trong câu lạc bộ nhảy không ai là không ngưỡng mộ. 

Nhưng rồi khi yêu được hơn 3 năm, Huyền đau lòng khi phát hiện người yêu qua lại cùng lúc 2 - 3 người con gái khác.

"Thật khủng khiếp, anh ta có danh sách dài các "em gái mưa, em gái nuôi", mỗi em một mật danh. Những dòng tin nhắn mặn nồng, nhớ nhung ấy lập tức như ngàn mũi kim ghim thẳng vào tim, khiến niềm tin hoàn toàn sụp đổ", cô gái SN 2002 nhớ lại. 

Cô chất vấn bạn trai và nhận lại vô số lời nguỵ biện dối trá. Cuối cùng cả hai chia tay trong nước mắt và sự uất ức của Huyền, "từ người được cả nhóm ngưỡng mộ với tình yêu đẹp, rơi xuống vực thẳm của phản bội".

Học kỳ thứ 7, điểm GPA của Huyền rớt thảm hại xuống còn 2.38/4.0. Cô nàng từ chối mọi hoạt động ở lớp, trường, thu mình gặm nhấm nỗi buồn, sự tuyệt vọng trong tình yêu. 

Một năm sau Huyền tốt nghiệp ra trường nộp hồ sơ, phỏng vấn xin việc vào một công ty về kế toán - kiểm toán. "Cảm nắng" nét trẻ trung, xinh xắn, nhiều đồng nghiệp nam ở công ty ngỏ lời muốn hẹn hò, nhưng Huyền đều từ chối thẳng thừng, bởi "những ám ảnh về sự phản bội của người trước vẫn luôn vây lấy tâm trí".

Từ người vốn hoạt bát, sau cú ngã trong tình yêu, Huyền chọn cách sống thu mình, không muốn làm quen hay nói chuyện với ai, đặc biệt là đồng nghiệp nam. Quen với môi trường đi làm, cô ngày ngày chăm chỉ hoàn thành công việc, tối về nhà nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, thi thoảng đi chơi với vài người bạn thân.

Độc thân với Huyền lại là lựa chọn tốt, vừa tự chủ tài chính, tự chủ thời gian, hơn hết sẽ không phải tin tưởng, đặt niềm tin vào ai khác.

Tương tự, sau khi kết thúc mối tình thời sinh viên, Cầm Thu Hoa (SN 2001, kế toán, Hà Nội) không còn cảm giác muốn yêu và hẹn hò, thậm chí là không muốn lập gia đình.

"Tôi từng đặt tất cả niềm tin và hy vọng vào mối tình thời sinh viên, nhưng khi đổ vỡ kèm những lời cãi vã với đối phương, bản thân đã mất niềm tin và suy sụp hoàn toàn. Có lẽ vì lý do đó nên bây giờ tôi cực kỳ sợ yêu", Hoa tâm sự.

Lựa chọn cô đơn hơn 4 năm nay, mỗi lúc rảnh rỗi, Hoa thường rủ bạn bè đi chơi hoặc đi phượt vào những ngày nghỉ dài. Hoa quan niệm, độc thân vẫn là lựa chọn tốt nếu biết tận hưởng cuộc sống, để theo đuổi đam mê và thực hiện những gì bản thân vẫn mơ ước.

Hội chứng sợ yêu, thích cô đơn của Gen Z

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Bá Cẩn Anh (nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đã và đang có nhiều nghiên cứu về việc gia tăng tỷ lệ giới trẻ ngày nay, đặc biệt là thế hệ Gen Z (1997 - 2012) từ chối tình yêu, chọn cách sống một mình, cô đơn.

Gen Z - thế hệ sợ yêu và thích một mình - 2

 

Nhiều nguyên nhân khiến người trẻ từ chối yêu như ảnh hưởng từ sự đổ vỡ trong quá khứ; gia đình không hạnh phúc; người lớn ngăn cấm quyết liệt, nhồi nhét những điều tiêu cực về tình yêu; có sự thiên lệch trong góc nhìn vì liên tục tiếp cận các câu chuyện tan vỡ, đau khổ từ những lời nhận xét, chê bai của người xung quanh hoặc trên mạng xã hội. 

Thế hệ Gen Z lớn lên trong sự đầy đủ, sung túc, nên họ rất dễ bị tổn thương khi gặp biến cố về tâm lý, tình cảm, niềm tin. Bên cạnh đó, thời nay tình yêu không còn là tất cả với người trẻ, họ có nhiều mối quan tâm khác trong cuộc sống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ chọn cách sống cô đơn, nói không với tình yêu.

Theo ông Nguyễn Bá Cẩn Anh, một số biểu hiện của hội chứng sợ yêu như:

- Cảm thấy rất lo lắng khi biết có ai đó thích mình.

- Khởi phát các triệu chứng ám ảnh, sợ hãi khi tưởng tượng mình đang trong một mối quan hệ yêu thương.

- Tránh các hành vi, lời nói cho hoặc nhận tình cảm.

- Có xu hướng không kết thân với bất kỳ ai, thường xuyên cắt đứt liên hệ một cách đột ngột, không rõ lý do.

Theo Sohu, Bộ Nội vụ Trung Quốc từng công bố, năm 2022, đất nước này có khoảng 92 triệu người trưởng thành thích sống một mình, không tình yêu, 20 triệu người nằm trong độ tuổi 20 -39 tuổi và họ chủ yếu cư trú tại các đô thị.

Zhang Xiaoping, nhà tâm lý học ở Bắc Kinh, cho biết: “Có khá nhiều lý do giải thích cho hiện tượng này. Thế hệ trẻ, chủ yếu lớn lên trong các gia đình một con, xu hướng thu mình vào trung tâm và ngại tham gia những mối quan hệ thân mật hơn. Sự tiện lợi do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại cũng khiến cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn nhiều”.

Cuộc khảo sát do People’s Daily thực hiện năm 2020 chỉ ra rằng có tới 80% thanh niên sống một mình tự nguyện chọn lối sống này vì muốn được “tự do”.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn