“Người thầy thầm lặng, uốn cây tre già” là câu mà phạm nhân dùng để nói về Thiếu tá Nguyễn Văn Huy - Đội phó Đội quản giáo, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh.
Với 13 năm công tác tại đơn vị, Thiếu tá Huy cần mẫn, thầm lặng với công việc hướng thiện cho những con người lầm lỗi, giúp họ trở về với xã hội, tái hòa nhập cộng đồng.
Hơn 1 năm đầu vào trại, phạm nhân Doãn Trung Dũng (hung thủ trong vụ thảm sát 4 bà cháu tại phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh xảy ra vào tháng 9/2016) nhiều lần tìm cách tự sát như cắt gân tay, xé quần áo làm dây treo cổ. Thậm chí đối tượng còn chửi bới, lăng mạ, tấn công cán bộ quản giáo.
Thế nhưng, 3 năm kể từ khi tòa tuyên án tử hình, giờ đây trên gương mặt gầy gò, đôi mắt sâu hoắm của kẻ thủ ác năm nào không còn vẻ bất cần nữa.
"Khi vào trại giam, các cán bộ vẫn coi tôi là con người, thường xuyên động viên. Ở đây, tôi thường gọi cán bộ, xưng tôi và Ban Giám thị cũng thế, nhưng riêng cán bộ Huy tôi gọi là “Thầy”- tử tù Doãn Trung Dũng cho biết.
Còn tử tù Nguyễn Tiến Phương (tức Phương "Linh Hột"), sinh năm 1957, trú tại tổ 5 khu 1 phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh từng được mệnh danh là “ông trùm vùng biên viễn”.
Nguyễn Tiến Phương cho rằng, bản thân nhiều lầm lỗi không gì có thể gột rửa được. Nhưng nhờ sự động viên của các quản giáo, nhất là Thiếu tá Huy, người đàn ông từng “làm mưa, làm gió” ở vùng biên này đã biết rơi những giọt nước mắt.
13 năm gắn bó với nghề, Thiếu tá Nguyễn Văn Huy đã cảm hóa, hướng thiện cho biết bao phạm nhân trót đi theo con đường lầm lỡ. Được giao trọng trách quản lý số lượng phạm nhân lớn, trong đó có nhiều “tử tù”, ông chia sẻ, với các phạm nhân án tử hình, tâm lý thường không ổn định, có biểu hiện chống đối gây khó khăn. Công việc của những cán bộ quản giáo như ông phải làm sao thức tỉnh được phạm nhân chấp nhận đối diện với bản án.
Còn với phạm nhân tù chung thân hoặc dài hạn, họ rất cần đến bàn tay chia sẻ để nắm lấy, thức tỉnh họ. Không ít phạm nhân cải tạo tốt, được ra tù vẫn nhớ về những cán bộ quản giáo với tình cảm đặc biệt.
Thậm chí có những phạm nhân sau 10 năm ra tù vẫn gọi điện, gửi thư hỏi thăm, cảm ơn quản giáo khiến ông rất bất ngờ, cảm động và cũng thấy tự hào vì đã cảm hóa được những người từng lầm lỡ, giúp họ nhận thức được giá trị cuộc sống.
“Mặc dù đây không phải là trường lớp, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy mình như là một người thầy, hướng dẫn cho những con người lầm đường, lạc lối nhận thức được giá trị cuộc sống, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn” - Thiếu tá Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh là nơi đứng thứ 4 cả nước về lưu lượng đối tượng, phạm nhân tạm giữ, tạm giam mỗi năm (với khoảng 2.000 – 2.500 người). Hơn 180 cán bộ, chiến sĩ của trại còn làm nhiệm vụ thường xuyên quản lý, giáo dục gần 900 phạm nhân trong đó có 77 tử tù. Khối lượng công việc lớn, khó khăn và hiểm nguy, nhưng các cán bộ quản giáo tại đây luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thượng tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám thị Trại tạm giam, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Để cảm hóa, giáo dục một con người phạm tội, thì phải dày công tìm những điểm yếu nhất của họ để khơi sâu vào đó, khơi dậy mong muốn sống của một con người, để họ nhận ra những lỗi lầm và hợp tác với quản giáo, giám thị".
Với bản lĩnh nghề nghiệp, những người như Thiếu tá Nguyễn Văn Huy vẫn đang ngày đêm cống hiến cho công việc đặc biệt, ở “ngôi trường” đặc biệt này. Với các anh, chỉ có tinh thần, trách nhiệm và niềm yêu nghề mới có thể giúp những người lầm lỗi hướng về điều tốt đẹp, tự giác cải tạo để sớm được trở về với cộng đồng. Bởi, trong những phạm nhân ấy vẫn còn những điều hướng thiện lẩn khuất trong tâm hồn cần đến các anh.
Bình luận