Tháng Tư đến với đầy những nỗi âu lo trong lòng Ẩn về an nguy của gia đình và bè bạn. Ông biết thời gian không còn nhiều. ‘Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đi Mỹ, nhưng tôi phân vân không biết là có nên để vợ con ra đi hay không.
Tôi không nhận được thông tin nào từ Hà Nội, không có sự chỉ dẫn nào, và tôi cũng chịu áp lực từ tờ Time là phải đưa ra quyết định.
Tất cả bạn bè đều muốn giúp đỡ tôi, chứ không chỉ riêng tờ Time, có rất nhiều người tốt bụng. Malcom Browne đề nghị đưa tôi vào danh sách của New York Times dù tôi làm việc cho một tờ báo đối thủ; một đại diện của Reuters đến tiệm Givral đề nghị giúp tôi và gia đình xuất ngoại.
Jim Robinson, người từng làm việc cho đài NBC, mời tôi và gia đình đi cùng chuyến bay do ông thuê. Rồi đến ngày 22 tháng 4, Bob Shaplen bảo tôi đã đến lúc phải quyết định, vì an nguy của vợ con. Tôi bảo được rồi, cho tôi một ngày để suy nghĩ’.
Ẩn không bao giờ có thể bỏ lại mẹ già ở Sài Gòn, nhưng ông lo rằng đảng có thể chỉ đạo ông di tản cùng người Mỹ. Điều đó có nghĩa là ông sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình tại Mỹ, một điều đối với cá nhân ông chẳng có ý nghĩa gì cả.
Để dự phòng cho mọi tình huống, ông đã tìm cách liên hệ với người em trai ở Cần Thơ, cách Sài Gòn về phía nam vài giờ chạy xe, để xem ông này có thể lên Sài Gòn chăm sóc người mẹ hay không.
Tuy nhiên, ông em không biết chắc là mình có thể lên Sài Gòn trước khi Ẩn ra đi hay không, trong trường hợp có lệnh từ Hà Nội phải di tản.
Một trong những tấm ảnh mà gia đình ưa thích, chụp ông Ẩn và bà Thu Nhàn - Nguồn: Tư liệu cá nhân của Phạm Xuân Ẩn |
‘Chúng tôi không hề sợ bởi được má bảo vệ rất kỹ. Tôi không nghĩ rằng đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ba. Vì một lý do nào đó, có lẽ là do chúng tôi còn quá nhỏ vào lúc ấy và do ba má luôn bảo vệ và cách ly chúng tôi’.
Ẩn nói với các đồng nghiệp rằng ông không thể rời xa mẹ mình. ‘Trong đời, bạn chỉ có một người mẹ và một người cha, mà người Việt chúng tôi không bao giờ bỏ cha mẹ lại như vậy; bổn phận của con cái là phải chăm sóc cho cha mẹ. Cha tôi đã chết trên tay tôi tại nhà; nên tôi không bao giờ bỏ má tôi ở lại một mình, còn má tôi thì cũng sẽ không bao giờ rời Việt Nam’.
Sau khi dàn xếp mọi chuyện ổn thỏa, Ẩn nói với những người gần gũi với mình rằng ông sẽ tìm cách để đoàn tụ với gia đình tại Mỹ.
Ông rất cảm kích khi gia đình mình sẽ được bình an và rằng tờ Time đã lo mọi thứ. Shaplen viết cho Lansdale vào ngày 10 tháng 5 rằng ‘nằm trong số những người ở lại, bất chấp mọi lời nài nỉ, trong đó có cả sự nài nỉ của tôi, là Phạm Xuân Ẩn, bạn cũ của chúng ta ở tờ Time… Hy vọng là ông ấy sẽ ổn’.
Điều mà Ẩn không hề biết lúc bấy giờ đó là trong Quân ủy Trung ương thuộc Bộ Chính trị đã có những sự cân nhắc nghiêm túc về khả năng điều Ẩn tới Mỹ để tiếp tục làm nhiệm vụ. Cuối cùng thì chính Đại tướng Dũng đã quyết định rằng Ẩn nên ở lại Việt Nam.
Anh Ẩn là vốn quý của đất nước, anh ấy làm tình báo mấy chục năm rồi, bây giờ mà tiếp tục khai thác nữa thì với khả năng và điều kiện của mình, anh ấy vẫn phát huy tác dụng rất tốt, nhưng quá trình ra nước ngoài rất dễ bị lộ, lúc ấy tổn thất là rất lớn’.
Người đã tuyển mộ Ẩn, ông Mười Hương, thấy tiếc về quyết định này. ‘Thú thật, xét về mặt tình báo thì tôi rất tiếc. Anh Ẩn mà tiếp tục ra nước ngoài thì sẽ phát huy tác dụng rất tốt’. Tôi đã hỏi ông Mai Chí Thọ về ý tưởng tiếp tục triển khai nhiệm vụ cho Ẩn và ông cho biết:
‘Về mặt công việc, đấy là một ý tưởng hay. Vỏ bọc của ông Ẩn vẫn còn nguyên vẹn, ông ấy được người Mỹ tin tưởng, và ông ấy cũng đã chuẩn bị lên đường, sẵn sàng lên đường. Nhưng cần đánh giá theo hướng ngược lại: ông ấy luôn sẵn sàng một cách chuyên nghiệp, nhưng những điều kiện khác cũng cần phải được xét tới. Ông ấy đã cống hiến quá nhiều rồi’.
Khi tôi đề cập với Ẩn khả năng tiếp tục sứ mệnh tình báo ở Mỹ, ông đã nhấn mạnh rằng ông coi đấy là một hành động quá lo xa.
‘Tôi thực sự không biết họ còn muốn gì ở tôi nữa. Có lẽ họ hy vọng rằng các nguồn tin sẽ giúp tôi theo sát được những ý nghĩ bên trong Ngũ Giác Đài, nhưng điều đó khó mà xảy ra bởi rất nhiều đầu mối của tôi lúc bấy giờ đang ở trong trại cải tạo hoặc các khu tị nạn tại Mỹ thì làm sao có thể tiếp cận được cái gì.
Hoặc có thể tôi sẽ báo cáo về việc tổ chức tòa soạn tại Los Angeles hoặc San Francisco’, Ẩn nói, kèm theo một nụ cười nhăn nhó quen thuộc…
Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, chuẩn bị đọc lời tuyên bố đầu hàng - ảnh tư liệu |
Việc sơ tán sẽ lên đến cao điểm khi Đài phát thanh Quân đội phát bài Giáng sinh trắng của Irving Berlin do Bing Crosby trình bày. Sáng 29 tháng 4 năm 1975, phóng viên và tất cả những người Mỹ còn lại ở Sài Gòn bị lôi dậy bởi mẩu phát thanh nói trên thông qua Đài phát thanh Quân đội ở Sài Gòn. ‘Đến giờ rồi’, Đại sứ quán Mỹ khẳng định. ‘Mọi người đi thôi!’.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến bỏ mất nhiều cơ hội để ra đi. Vợ của ông, bà Jackie, và các con đang ở Singapore, sau khi đã di tản trước theo sự giúp đỡ của Đại sứ quán Anh. Riêng Tuyến thì suốt mười hai năm trước đó hoặc phải ngồi tù hoặc bị quản thúc tại gia.
Lúc này ông vẫn còn ở Sài Gòn bởi rất nhiều bạn bè và người ủng hộ ông đã bị bỏ tù hồi đầu tháng 4 sau khi bị quy tội âm mưu đảo chính và phát động tổng phản đối nhằm vào chính phủ của ông Thiệu. Tuyến từ chối rời Việt Nam chừng nào những người này chưa được trả tự do.
Tuyến được ưu tiên hàng đầu trong danh sách di tản của CIA. Đầu mối của ông trong CIA là William Kohlmann cam đoan rằng tổ chức này sẽ không bỏ rơi ông. Bác sĩ Tuyến đã gặp Kohlmann ít nhất hai lần vào tuần trước, trong đó có lần Kohlmann tới tìm gặp Tuyến tại nhà Ẩn.
Nhưng chính bản thân Kohlmann cũng gặp khó khăn trong việc ra đi. Bị bệnh bại liệt từ hai mươi lăm năm trước, giờ đây ông đi lại khó khăn với đôi nạng trong khi tay trái thì đã trở nên vô dụng. Ông cần thêm nhiều thời gian và sự trợ giúp để có thể leo lên trực thăng; lúc Tuyến sẵn sàng để ra đi vào ngày 29 tháng 4, thì Kohlmann đã đi trước rồi.
Từ nhà riêng, Tuyến tìm cách gọi điện tới các đại sứ quán Anh, Mỹ và Pháp cũng như các nhà báo quen biết, nhưng tất cả đường dây điện thoại đã bị cắt. Rồi ông tìm thấy một quán cà phê nhỏ trên đường Công Lý, nơi có điện thoại còn hoạt động. Ông cố gọi cho Đại sứ quán Mỹ, nhưng đường dây bị nghẽn.
Cuối cùng Tuyến tìm đến Bob Shaplen ở khách sạn Continental, lúc này đang chuẩn bị tới Đại sứ quán và Shaplen đã hứa sẽ làm hết sức mình để có thể giúp đưa Tuyến vào danh sách phóng viên nước ngoài di tản vào cuối buổi sáng hôm đó. Shaplen bảo Tuyến về nhà, cho những đồ đạc cá nhân cần thiết vào một chiếc va li, rồi trở lại khách sạn Continental lúc 11 giờ sáng.
Lúc Tuyến trở lại, các phóng viên được lệnh lên xe buýt trước khách sạn sau đó tới sân bay Tân Sơn Nhứt để di tản bằng trực thăng.
‘Không còn hy vọng nữa’, Shaplen nói, sau khi đã thất bại trong việc đưa Tuyến vào danh sách di tản. Ông lại gọi cho Đại sứ quán, nhưng sau chừng mười phút, các phóng viên trên xe buýt hết kiên nhẫn. Đã đến lúc phải đi. Shaplen không thể làm gì khác ngoài việc thọc tay vào túi lấy hết tiền cùng một chiếc chìa khóa phòng khách sạn dự phòng rồi đưa cho bạn, đoạn nói, ‘Tới chỗ ông Ẩn đi!’.
Trong những đoạn ghi chú cuối cùng của Shaplen cho biết ‘Tôi rời khách sạn Continental lúc khoảng 10 giờ 15. Chờ đợi. Tony [Tuyến] và Nghiêm ở trong phòng ngay trước khi tôi đi. Nói với họ là hãy ở cạnh ông Ẩn và đưa cho Tony thông tin về địa chỉ 22 Gia Long (cuối cùng ông đã đi đến đấy, hy vọng là không quá muộn.)’.
Tuyến tới văn phòng tờ Time và hỏi Ẩn có di tản không. ‘Không. Time đã đưa vợ con tôi ra ngoải rồi. Nhưng riêng tôi thì không thể đi lúc này. Má tôi quá già mà lại đang bịnh, bà cần tôi ở bên cạnh. Còn ông thì chắc chắn phải đi rồi’.
Một người bạn khác của Ẩn là Cao Giao, người có vợ đã làm mai ông Ẩn cho bà Thu Nhàn, tìm cách trấn an Ẩn và Vượng, nói rằng chế độ mới có vẻ ưu ái những người Việt theo tinh thần dân tộc. 'Tại sao ông phải ra đi? Chẳng có gì phải sợ cả’. Nhưng ông Ẩn biết rõ hơn: ‘Không, không thể ở lại. Ông phải tìm đường đi thôi!’.
Ẩn và Tuyến quyết định tìm kiếm cơ may bằng cách trở lại tòa đại sứ. Họ chạy chiếc Renault màu xanh lá cây của Ẩn, nhưng quá đông người nên chẳng thể tới gần cổng được. Hai người quay trở lại văn phòng Time để rà soát lại một cách vô vọng những đầu mối liên lạc của Ẩn nhằm tìm kiếm một ai đó khả dĩ có thể giúp đỡ, nhưng các số điện thoại hoặc là bận liên tục, hoặc đã bị ngắt.
Quá bức bối, Tuyến bảo lái xe trở lại tòa đại sứ, nhưng tình hình còn tệ hơn lúc trước, thế là hai người phải rút về khách sạn Continental. ‘Trong trường hợp không đi được, ông đừng có bao giờ trở về nhà’, Ẩn dặn Tuyến. ‘Ông có thể tới chỗ tôi ở tạm’.
Lúc này đã là 5 giờ chiều. Hai người đàn ông ngồi chết dí trong văn phòng Time, chẳng biết phải làm gì. ‘Tôi nghĩ tới vợ con ở Singapore’, Tuyến nói. ‘Chắc không bao giờ gặp lại nhau nữa’.
Rồi bất thình lình, điện thoại của Ẩn bỗng đổ chuông. ‘Ông thấy đấy, hôm ấy lại là một ngày may mắn nữa; lần này là may cho ông Tuyến’, Ẩn nói với tôi. Phóng viên Dan Southerland của tờ Christian Science Monitor gọi tới để hỏi Ẩn đang xoay xở như thế nào và chuyện di tản ra làm sao.
Ẩn liền cắt ngang lời Dan. ‘Dan, bọn tôi cần anh giúp! Tôi không có thời giờ cho những chuyện khác. Anh thử liên lạc với đại sứ quán và nói với họ rằng bác sĩ Tuyến đang ở đây với tôi và họ cần phải đưa ông ấy đi, nhanh lên. Hãy gọi cho ông Đại sứ’.
Trước khi Ẩn gác máy, ông Tuyến đề nghị nói chuyện với Southerland. Bằng tiếng Pháp, Southerland hứa với bác sĩ Tuyến là sẽ làm hết sức mình, rồi bảo Ẩn cũng như Tuyến là hãy canh chừng điện thoại để ông ta gọi lại.
Ẩn và Tuyến ngồi lặng im trong chừng ba mươi phút thì điện thoại đổ chuông. Southerland đã liên lạc được với đại sứ quán và nói chuyện với chỉ huy trưởng chi nhánh CIA Tom Polgar. Họ không thể điều xe tới để đón Tuyến, nhưng ông ta cần phải nhanh chóng trở lại tòa đại sứ.
Polgar sẽ chờ và đã đưa tên Tuyến vào danh sách giao cho nhóm thủy quân lục chiến làm công tác gác cổng. ‘Bảo ông ta chỉ mang theo một kiện hành lý thôi’, Polgar dặn Southerland.
Polgar nói rằng nếu Tuyến không thể đến tòa đại sứ, thì ông ta có thể tới số 22 đường Gia Long, một tòa chung cư do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ sử dụng, là nơi mà Shaplen đã chỉ cho Tuyến cách đấy nhiều giờ.
Tầng trên cùng của tòa nhà được chỉ huy phó chi nhánh CIA sử dụng và giờ đây đang được dùng để hỗ trợ việc di tản bằng trực thăng. Tên của Tuyến cũng sẽ được cho vào danh sách ở đấy. ‘Nếu không tới đây được, thì ông hãy chạy nhanh đến đấy. Chỉ trong chốc lát nữa thôi chiếc trực thăng cuối cùng sẽ đến. Trần Văn Đôn đang ở đó, cùng với hai hay ba chục người gì đấy’.
Trần Văn Đôn, Phó thủ tướng và là Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các cuối cùng của ông Thiệu, thật trớ trêu, lại là nguồn tin bí mật lâu năm của Ẩn. Sau khi chuyển giao quyền lực cho Minh Cồ vào ngày 29 tháng 4, ông Đôn cũng gặp khó khăn trong việc rời khỏi đất nước. Đầu tiên ông ta gọi cho Ted Overton thuộc văn phòng CIA tại tòa đại sứ, ông này bảo Đôn tới ngay.
Vợ Đôn lúc này đã ở Pháp, nhưng con trai ông ta, một bác sĩ nhi khoa tài năng, đang ở nhà đợi cha. Thế là Đôn vội vã trở về nhà và trước khi cùng con trai tới tòa đại sứ, ông vào thư viện gia đình, nhét những tập bản thảo hồi ký của mình và một ít tiền vào chiếc va li trống để mang theo.
Lúc Đôn tới tòa đại sứ, ông đối mặt với đám đông hỗn loạn mà Ẩn và Tuyến từng gặp; ông gọi cho Overton và ông này hẹn tới tòa nhà văn phòng mà đại sứ quán thuê, nhưng khi họ vừa tới thì nơi đây cũng quá đông người, trực thăng không thể đáp được. Overton sau đó đưa Đôn tới nhà của Polgar, nhưng nơi đây cũng bị đám đông tấn công.
Tiếp theo, Overton nói nên trở lại tòa đại sứ và đi vào bằng cửa hông. Tuy nhiên, vào lúc này, ông Trần Văn Đôn vốn rất nổi tiếng với công chúng đã bị những người Việt Nam Cộng hòa đang tìm đường di tản ở đấy nhận ra. Một đoàn dài gồm xe hơi và người đi bộ theo chân ông ta hướng về tòa đại sứ, nhưng rồi ông ta cũng không thể vào được bên trong.
Trong cuộc gọi cuối cùng tới Overton nhằm vớt vát hy vọng, Đôn được hướng dẫn đi tới số 22 Gia Long và đây là cơ hội còn lại duy nhất. Đôn đã gặp may khi vừa đến nơi đây đã gặp ngay đội cảnh vệ người Nùng của CIA; họ nhận ra ông nên cho vào.
Những người Nùng này rất trung thành với Mỹ và phục vụ trong các tổ chức dân sự, các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ cũng như tham gia đội bảo vệ an ninh cho Đại sứ quán Mỹ và các cơ sở nhạy cảm khác. Đôn đang ở trên sân thượng tòa nhà thì Ẩn lái xe chở Tuyến tới. Họ không gặp may như Trần Văn Đôn. Lúc này đám bảo vệ đang hạ cổng xuống để khóa lại.
Cuộc di tản trên nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, ngày 30-4-1975. ảnh: Tư liệu |
Ông ta đáp chiếc Huey màu bạc xuống phần mái che của thang máy và mỗi chuyến chuyển được mười lăm người ra phi trường Tân Sơn Nhứt, nơi những chiếc trực thăng lớn hơn sẽ chở họ tới những chiếc tàu đậu ngoài Biển Đông. Sau này ông nhận được huân chương của CIA cho hành động dũng cảm của mình trong ngày hôm ấy.
Tình hình có vẻ vô vọng, nhưng khi cánh cổng đang được kéo xuống, như một phản xạ bản năng, Ẩn đưa tay trái xuống giữ cổng đồng thời tay phải đẩy cơ thể nhỏ bé của bác sĩ Tuyến vào. Lúc này cánh cổng chỉ còn cách mặt đất chưa đầy nửa mét. Không còn thời gian để nói lời tạm biệt hay cám ơn. ‘Chạy đi’, Ẩn nói, nước mắt trào ra. Tuyến cũng khóc và chỉ kịp thốt lên, ‘Tôi sẽ không bao giờ quên’.
Thang máy không hoạt động, Tuyến phải chạy bộ tám tầng lầu để lên sân thượng. Mệt đứt hơi, ông không nói ra tiếng. Lúc này chỉ còn vài người cuối cùng đang lên máy bay. Tuyến gần như kiệt sức và không thể nghĩ rằng mình còn sức để leo lên máy bay thì cánh tay của Trần Văn Đôn chìa ra từ cánh cửa đang mở. ‘Nên nhớ là tôi rất nhỏ bé và không dễ gì leo lên được. Thế nên Đôn nhấc bổng tôi lên’, ông Tuyến kể…
Ba thập kỷ sau, Dan Southerland nhớ lại cái ngày hôm đó của tháng 4 năm 1975: ‘Ẩn chở Tuyến lao tới địa chỉ đã được định trước – và đến với tự do. Tôi chỉ có thể nói một cách chắc chắn rằng trong ngày cuối cùng của cuộc chiến, Ẩn đã cứu mạng sống của cái con người vốn luôn quyết liệt chống lại mục tiêu mà Ẩn một đời âm thầm phụng sự. Tôi luôn nhớ Ẩn vì điều đó’.
Bác sĩ Tuyến không bao giờ quên những gì mà Ẩn đã làm cho ông. Khi các thông tin về hoạt động tình báo của Ẩn được công khai, Tuyến dễ dàng tha thứ cho Ẩn, và bày tỏ lòng biết ơn trong một thông điệp bí mật được Henry Kamm mang tới Thành phố Hồ Chí Minh.
‘Ông ấy cảm ơn tôi và nói với tôi rằng ông rất hiểu’, Ẩn nói. ‘Tôi viết thư trả lời rằng tôi không muốn nhìn thấy các con ông ấy mồ côi cha, và chúng tôi cũng đã quen biết vợ ông ấy trong một thời gian dài. Tôi biết ông ấy yêu vợ đến nhường nào và hai người yêu nhau đến nhường nào. Ông ấy là bạn tôi và chúng tôi đều là người Việt Nam, ông ấy đã giúp đỡ rất nhiều người ở cả hai phía’.
Sau này Tuyến kể với bạn bè rằng có hai người mà ông tin tưởng hơn bất kỳ ai: Ẩn và Phạm Ngọc Thảo. Khi được biết cả hai người đều là điệp viên Cộng sản, Tuyến bảo rằng nếu nhìn lại quá khứ, ông có thể thấy được con người thật của Thảo, nhưng không thể tin được rằng Ẩn đã làm việc cho Cộng sản; chưa bao giờ có một manh mối dù nhỏ nhất về điều đó.
‘Bác sỹTuyến, đó là hành động của trái tim’, Ẩn nói với tôi. ‘Vợ ông ấy đang mang thai. Ông ấy có thể xuất ngoại bất kỳ lúc nào vào thời gian trước đó, nhưng đã chọn ở lại để tìm cách cứu người của mình ra khỏi tù, thế rồi sau đó thì mọi chuyện quá muộn. CIA không thể giúp ông ấy. Bob Shaplen cũng không thể. Thế là đến lượt tôi’.
(còn nữa)
Kỳ 11: Phạm Xuân Ẩn đoàn tụ, trở thành Anh hùng
Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6 - First News Trí Việt phát hành
Bình luận