Càng sợ nợ càng thịnh vượng!
Nghe có vẻ bất hợp lý đối với giới tài chính, bởi quan niệm dùng lãi vay như một "lá chắn thuế" hay tăng lợi nhuận trên tài sản đã thấm sâu vào máu. Thế nhưng, quan sát trong suốt một thập kỷ qua, những doanh nghiệp “sợ nợ”, tức không dùng nợ vay đề đầu tư phát triển mới đang thực sự là những doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh tăng trưởng vượt trội và thịnh vượng hơn so với các doanh nghiệp sử dụng nhiều nợ vay.
Bút bi Thiên Long của ông chủ Cô Gia Thọ - một thương hiệu có tuổi đời gần 40 năm trên thị trường là một minh chứng rõ nét của một doanh nghiệp thịnh vượng, bền vững hiện nay.
Năm vừa qua, doanh số của Thiên Long đạt tổng doanh thu 2.856 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 294 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm trước đó.
Với kết quả trên, Thiên Long đang là số ít doanh nghiệp ngành sản xuất duy trì được đà tăng trưởng một cách liên tục kể từ báo cáo tài chính công bố lần đầu năm 2008 đến nay.
Điều đáng nói, trong quá trình tăng trưởng đó, Thiên Long chỉ dựa vào vốn tự có và tích luỹ mà không hề vay dài hạn. Mặc dù việc đầu tư vào các dây chuyền sản xuất luôn đòi hỏi một nguồn vốn vay dài hạn nhưng Thiên Long thì không vay mượn đồng nào trong tổng nguồn vốn 1.794 tỷ đồng của mình.
Cũng như Thiên Long, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam là CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh cũng không sử dụng nợ vay để đầu tư mà chỉ vay một lượng vốn lưu động nhỏ so sới doanh số.
Chính điều đó đã đưa Vĩnh Hoàn từ doanh nghiệp tầm trung trở thành nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Năm 2018, Vĩnh Hoàn cán mốc doanh số 9.323 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt đỉnh cao nhất lịch sử, gần 1.500 tỷ đồng, dẫn đầu ngành thuỷ sản Việt Nam. Lưu ý rằng, con số lợi nhuận cao cũng sẽ chẳng làm người ta an lòng nếu đó không phải là những con số thực từ hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp số 1 ngành xây dựng Việt Nam là Coteccons dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Bá Dương cũng là một trường hợp. Nhờ vào việc sử dụng vốn tự có cho hoạt động kinh doanh, không đầu tư dàn trải đã đưa Coteccons chiếm lĩnh số 1 thị trường xây dựng chỉ sau 12 năm hình thành.
Đỉnh điểm năm 2017, Coteccons đạt hơn 27.000 tỷ đồng doanh số và hơn 1.650 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đồng thời sở hữu lượng tiền mặt tích luỹ gần 6.000 tỷ đồng, con số khổng lồ đối với 1 doanh nghiệp tư nhân. Nhờ đó, dù cho thị trường bất động sản chững lại và ngành xây dựng khó khăn, Coteccons vẫn thu được 1.400 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018.
Dù cho doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ, thì chất lượng tài sản, chất lượng tăng trưởng mới thực sự nói lên sự sự thịnh vượng của một người chủ doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp cở vừa như Gỗ Đức Thành, bà Lê Hải Liễu đã đưa công ty từ một cơ sở chế biến gỗ nhỏ trở thành Công ty có nguồn vốn 350 tỷ đồng đạt mốc lợi nhuận 100 tỷ đồng năm 2017, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 nhân viên mà không hề vay nợ đồng nào.
Tuân thủ triết lý để phát triển bền vững
Có nhiều yếu tố để một doanh nhân đưa doanh nghiệp phát triển thành công. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy một tố chất chung của những doanh nhân nói ở trên đó là quá trình phát triển bằng năng lực, sự cần kiệm, minh bạch và đặc biệt là biết… sợ nợ, không bị những khoản lợi lớn cám dỗ để đưa doanh nghiệp rơi vào vùng nguy hiểm.
Đối với Cô Gia Thọ, tính cần mẫn và tập trung của ông được phản ánh xuyên suốt trong chuyện kinh doanh của Thiên Long. Ông Thọ là người tuân thủ triết lý "chỉ làm những gì mình hiểu biết". Và từ đó đến nay, doanh nghiệp tư nhân niêm yết này đã làm đúng cam kết với cổ đông, không dính đến bất cứ khoản đầu tư nào khác ngoài văn phòng phẩm.
Kinh doanh mà không đi vay, theo kinh tế học thì không hợp lý lắm. Nhưng với lãi suất như những năm qua thì đi vay chỉ làm “mọi” cho ngân hàng
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons
Còn ông Nguyễn Bá Dương từng nói rằng, kinh doanh mà không đi vay, theo kinh tế học thì không hợp lý lắm. Nhưng với lãi suất tại VN như những năm qua thì đi vay chỉ làm “mọi” cho ngân hàng.
Theo đó, thay vì ôm một lượng cổ phần lớn và đi vay để có vốn, ông Dương đã chấp nhận đánh đổi, giảm tỷ lệ sở hữu của chính mình khi bán 24,7% cổ phần cho Kusto Group để đổi lấy 25 triệu USD. Cùng với lợi nhuận tích lũy, Coteccons nắm trong tay hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt. Đó là bước đệm giúp Coteccons phát triển mạnh như ngày nay.
Với những người phụ nữ như bà Trương Thị Lệ Khanh hay bà Lê Hải Liễu, chúng ta sẽ thấy họ khác hẳn với những doanh nhân quý bà đình đám với siêu xe, các dự án bất động sản hàng ngàn tỷ đồng hay sở hữu những ngân hàng. Đó là sự cẩn trọng với việc làm giàu và đức tính cần kiệm.
Bà Khanh từng chia sẻ: “Những năm đầu phát triển chúng tôi không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish. Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như thủy sản Nam Việt. Còn tôi là phụ nữ nên có phần cẩn trọng, trong một số tình huống không dám ‘liều'”.
Đến nay, khi mà VHC đang thăng hoa thì Agifish vẫn đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn bởi những khoản lãi vay quá nhiều.
Với Gỗ Đức Thành, nhiều nhà đầu tư thắc mắc vì sao công ty không dùng lượng tiền mặt dồi dào của mình để đầu tư sinh lợi? Bà Lê Hải Liễu lại cho rằng: Đầu tư vào nhà máy là chi phí cố định và thời gian thu hồi vốn chậm, do đó, việc mở rộng hoạt động luôn phải có những phân tích kỹ và đúng thời điểm chứ không thể nào nóng vội.
Sự thận trọng, cần kiệm và chắt chiu là những gì mà người phụ nữ sinh năm 1962, từng là giảng viên Khoa Thống kê - Toán trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã cấy sâu vào tâm thức toàn thể đội ngũ nhân viên hơn 1.000 người của Gỗ Đức Thành.
Giờ đây, chúng ta đã thấy rất nhiều tên tuổi lớn với quy mô tài sản khổng lồ. Nhưng nếu nhìn sâu vào nội tại doanh nghiệp và sức khoẻ tài chính, nhiều người sẽ giật mình vì mọi thứ không như vẻ hào nhoáng bên ngoài.
Đã có nhiều doanh nghiệp trở thành những con nợ làm điêu đứng cả ngân hàng. Doanh nhân "xộ khám" ngày một nhiều, những người mà trước đó được truyền thông và cả quần chúng xem như những bậc kinh doanh tài giỏi hàng đầu đất nước.
Phiêu lưu mạo hiểm làm giàu bằng đầu cơ vào bất động sản, tình trạng vay mượn quá đà của các doanh nghiệp, cùng với sự tắc trách của bộ phận nhỏ trong giới ngân hàng khiến đang để lại những di chứng cho nền kinh tế ai cũng thấy được.
Người giàu nhất thành Babylon đã chỉ ra rằng: Quốc gia thịnh vượng phải từ những công dân thịnh vượng, những ông chủ kinh doanh thịnh vượng và phát triển bền vững. Và những khoản đầu tư nhỏ từ tích luỹ nhưng vững chắc vẫn luôn tốt hơn nhiều so với những khoản lợi lớn mà kém bền vững.
Bình luận