Phóng sự - Khám phá

Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác

Thứ Bảy, 27/08/2022 06:58:00 +07:00

(VTC News) - Hơn 100 bệnh nhân qua đời tại làng phong, cả những bệnh nhân đi đánh cá, bị sóng cuốn mất tích rồi tìm thấy xác, đều do chính tay nữ y tá Tâm tắm rửa rồi khâm liệm.

Làng phong Quy Hòa, từ người lớn đến trẻ nhỏ, không ai không biết đến nữ y tá Trần Thị Tâm, sinh năm 1967, công tác tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Với dáng người nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười luôn nở trên môi, cô Tâm được đồng nghiệp và người dân làng phong rất yêu quý.

Cô Tâm quê ở Cam Ranh (Khánh Hòa), đã công tác tại Bệnh viện từ năm 1993. 30 năm tuổi nghề, 55 năm tuổi trẻ, cô Tâm vẫn đi về lẻ bóng.

Chúng tôi hỏi: “Cả cuộc đời cô ở đây có gì khó khăn không? Có điều gì khiến cô buồn và thất vọng không? Cô có yêu ai không? Sau những lúc làm việc mệt, cô có nơi nào để đi không?”.

Thật lạ, tất cả đều nhận được câu trả lời là: “Không!”.

Coi Bệnh viện là gia đình, bệnh nhân là người thân

5h30. Khi những tia nắng đầu tiên của một ngày mới bắt đầu ló rạng, thành phố biển Quy Nhơn hiện lên trong làn sương sớm mơ màng như cô gái đang độ xuân thì còn ngái ngủ, tại Làng phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định), nữ y tá Trần Thị Tâm đã kịp đi một vòng Khoa Điều trị bệnh nhân phong (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa).

Giờ này, các bệnh nhân trong khoa đã bắt đầu bữa ăn sáng. Như một thói quen, cô Tâm rẽ vào căn phòng nơi có nam bệnh nhân tầm 50 tuổi, bị mất cả hai chân, hai tay do bệnh phong. Ngồi xuống chiếc ghế nhựa, nụ cười luôn thường trực trên môi, cô ân cần hỏi người bệnh có ngủ được không, tối qua có bị đau nhiều không.

Miệng hỏi han, đôi tay cô Tâm nhanh nhẹn bưng tô cháo còn nóng hổi, xúc từng thìa cẩn thận đưa lên thổi thật nguội trước khi đút cho bệnh nhân. Chẳng biết do cháo hôm nay ngon hay do cô Tâm khéo động viên mà người bệnh vốn nổi tiếng khó tính nhất khoa vui vẻ ăn hết tô cháo rất nhanh.

Ăn xong, nữ y tá lại lấy chiếc khăn ướt lau miệng, lấy nước uống cho bệnh nhân.

Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 1
Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 2

Cô Tâm luôn bận rộn với việc hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân cho tới tận 8h30 mới về lại khoa Kiểm soát khuẩn của mình.

Xong xuôi, cô Tâm nhìn lướt qua xem giường của các bệnh nhân đã sạch sẽ chưa, đồ đạc trong phòng có gọn gàng, căn phòng có chút bụi bẩn nào không… rồi mới yên tâm rời sang phòng khác, nơi có nữ bệnh nhân bị sốt đang đợi cô tới lau người…

Khu Điều trị bệnh nhân phong có nhiều bệnh nhân chân tay bị “gặm” cụt hết, lại bị người thân chối bỏ, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Tất cả mọi sinh hoạt cá nhân của họ đều phải nhờ đến đội ngũ y bác sĩ và những bệnh nhân cùng phòng. Và cô Tâm thường xuyên có mặt để chăm sóc họ, dù cô không thuộc biên chế của khoa này.

Buổi sáng của cô Tâm luôn bận rộn với việc hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân cho tới tận 8h30 mới rời khu phòng bệnh tới khu vực dành riêng cho y tá, bác sĩ và bắt đầu ăn bữa sáng của mình để có sức cho một ngày làm việc.

Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 3

 

Tôi mê đắm đặc biệt với nghề y, với việc chăm sóc cho bệnh nhân nơi đây. Tôi coi bệnh viện như gia đình, bệnh nhân như người thương. Tôi luôn có tình yêu với con người và công việc. Tôi chỉ muốn cống hiến cho nơi đây tới lúc không còn thở nữa" 

Y tá Trần Thị Tâm 

Cô kể, năm 1990 Bệnh viện mở lớp Sơ học y tá để chiêu sinh những người tâm huyết, tình nguyện chăm sóc cho bệnh nhân phong. Cô Tâm lúc ấy 23 tuổi, có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán như con trai. Mang trong mình sự háo hức và nhiệt huyết, bỏ mặc lời can ngăn của gia đình, bạn bè cô quyết định khăn gói rời Cam Ranh để đến đây đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với những người mang trong mình căn bệnh bị người đời hắt hủi.

Khi được chấp nhận cho ở lại vừa phụ việc chăm bệnh nhân vừa theo học lớp Sơ học y tá tại Quy Nhơn cô Tâm vui đến nỗi mấy đêm liền không ngủ được.

Để có tiền đi học, thời gian rảnh cô đi chặt củi ở vùng núi xung quanh làng phong, đợi lúc đi học sẽ chở ra thành phố Quy Nhơn bán lấy tiền trang trải học phí.

Thời điểm đó mỗi xe củi cao ngất mà cô Tâm phải vất vả mới kiếm được chỉ có giá 5.000 đồng nhưng cũng phụ giúp được các sơ bớt gánh nặng và thêm được suất ăn cho các bệnh nhân.

Khi đó, con dốc Quy Hòa được coi là ranh giới ngăn cách giữa những người bị bệnh phong và người khỏe mạnh. Con dốc đó cao lắm. Tôi còn nhớ, mỗi lần chở được xe củi ra bán cho người ta là mồ hôi nhễ nhại, lưng áo ướt đầm. Bán củi xong mới vội vã tới lớp”, cô Tâm bồi hồi nhớ lại.

Năm 1992, vì điều kiện kinh tế khó khăn, bệnh viện tinh giảm biên chế. Cô gái trẻ lúc ấy lại khăn gói vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp bằng nghề vẽ tranh vải.

Tranh vải lúc ấy có giá lắm, vẽ có tiền lắm. Nhưng sao nó buồn quá, đó không phải là tình yêu của mình, nơi đây không thuộc về mình đâu”, cô Tâm chia sẻ.

Năm 1993, sau cuộc gọi định mệnh của các sơ từ làng phong, một lần nữa cô quyết tâm trở lại với chính ước nguyện thiêng liêng nhất cuộc đời mình.

Bán đi chiếc xe đạp gắn bó bao năm với giá 60 nghìn đồng, cô Tâm đón xe khách về lại làng phong. Mặc dù có đi qua quê nhà Cam Ranh nhưng cô không hề ghé vào, một mạch về lại Quy Nhơn và cả hành trình, trên môi cô là nụ cười rạng rỡ.

Kể từ đó, mọi niềm vui, nỗi buồn của nữ y tá Tâm gắn liền với những bệnh nhân tại làng phong. Sống lâu năm tại bệnh viện này, tất cả mọi người đều hiểu và kể cho nhau những điều tốt đẹp cô Tâm dành cho Bệnh viện.

30 năm qua, ngoài công việc chuyên môn, sáng nào cô Tâm cũng dậy rất sớm để giúp đỡ những người bệnh phong đang điều trị. Với cô, nơi đây chính là gia đình thứ hai và những người trong làng phong giống như cha mẹ, anh chị em, con cháu của cô.

Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 4
Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 5

30 năm thanh xuân, cô Tâm dành hết cho bệnh nhân phong tại bệnh viện.

Người bị bệnh phong khi vào đây đã mang theo nhiều mặc cảm nên họ rất khó tính, chăm sóc làm sao để họ quý đó cũng là điều rất khó. Vậy mà cô Tâm được các bệnh nhân ở đây xem như người thân, nếu vắng cô một ngày là họ luôn miệng hỏi.

Những bệnh nhân phong xấu số, thậm chí cả những người bị nạn trên biển trôi dạt vào bờ tại Bệnh viện, cũng đều một tay cô tắm rửa, khâm liệm. Hơn 100 người, đó là con số cô có thể nhớ.

Có người gọi cô là cô Tâm “điên”, cô Tâm “khùng” nhưng cô chỉ cười thay cho câu trả lời

Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 6

 

“Tôi vì căn bệnh quái ác này mới phải ở bệnh viện, ngoài kia người đời họ không chấp nhận tôi vì sợ lây nhiễm. Vào đây gặp được chị Tâm, không riêng tôi mà tất cả bệnh nhân đều được chị chăm sóc, không lạnh nhạt, không gắt gỏng mà bón từng thìa cơm, làm từng trò để chúng tôi cảm thấy vui, cảm thấy nơi đây là nhà”.

Bệnh nhân Rah Lan Juih 

Món quà cuối dành cho người ra đi

Nhiều lần, cô Tâm chứng kiến bệnh nhân chết ngay trên tay mình. Tưởng rằng mỗi lần như vậy, trái tim cô sẽ chai sạn, nhưng không, cảm xúc thương, đau trong vẫn hiện hữu kéo dài đến nhiều ngày sau đó.

Ngày nào cũng tắm rửa vệ sinh cho bệnh nhân, chăm từng miếng cơm, giấc ngủ nên mỗi khi phải đưa tiễn một người rời khỏi cõi đời là mỗi lần tôi cảm thấy xót xa, đau như chính mình mất đi người thân", cô Tâm trải lòng.

Đã có những lúc, nhìn những chiếc giường trống, nữ y tá dõi mắt tìm bệnh nhân mà bàn tay cô đã chăm sóc… nước mắt cô cứ rơi lã chã.

Cái chết khiến cô Tâm xót xa nhất là của một bệnh nhân phong tử vong trên bãi biển.

Đó là sáng sớm một ngày cuối tháng 8/2021, người dân phát hiện một thi thể tại đoạn bờ kè phía bãi biển Quy Hòa. Thi thể được xác định là bệnh nhân phong hơn 60 tuổi, đang điều trị và nội trú tại Bệnh viện.

Sau khi lực lượng chức năng tiến hành các thủ tục pháp lý đã bàn giao cho Bệnh viện để tổ chức an táng cho nạn nhân. Người nhà nạn nhân không có, cô Tâm đã không nề hà đứng ra chịu trách nhiệm lo lắng cho người đàn ông xấu số mồ yên mả đẹp.

Cơ thể anh ấy khi đó đã có mùi, không ai muốn lại gần. Chỉ mình tôi với anh. Nhưng tôi không hề thấy sợ hãi. Cả một đời sống không có niềm vui vì bệnh tật đeo bám, lúc chết cũng đầy đau đớn, cô đơn. Tôi đứng ra nhận việc lo hậu sự cho anh như một lời chia tay với “cố nhân”. Tôi gọi công việc này của mình là “món quà chia tay cố nhânđể họ có thể được an nhiên khi rời khỏi trần thế này”, cô Tâm trải lòng.

Tắm gội cho người đã khuất với cô Tâm không chỉ đơn thuần là làm sạch thi thể mà còn chứa đựng cả sự tận tâm, yêu thương và thành kính của người còn sống đối với người đã khuất. 

Gắn bó cả thanh xuân với làng phong, ăn ở cùng với bệnh nhân, không nghỉ phép, không đi đây đó và hầu như cô Tâm không ra khỏi cái khuôn viên được cho là nhà của mình ấy.

Bạn bè từ xa gọi điện khuyên cô Tâm ra ở riêng để bạn bè có chỗ ra chơi và thăm hỏi, nhưng tất cả cũng chỉ nhận lại câu trả lời: “Vào đây mà thăm, thăm bệnh nhân rồi hãy thăm tôi”.

Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 7

Bạn bè cô Tâm, muốn thăm cô phải vào tới bệnh viện theo yêu cầu của cô.

Tháng 12/2022 này cô Tâm được hưởng chế độ hưu trí, nhưng nhiều lần cô lên thẳng Ban giám đốc Bệnh viện yêu cầu bệnh viện cho cô tiếp tục làm việc, việc gì cũng được miễn sao được ở đây” - Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện, cho hay.

Sự cống hiến không theo tuổi tác, mà với chỉ theo sức khỏe và tình yêu thương. Cô như một vị “Bồ tát” giữa làng phong, trong Bệnh viện.

Làng phong có nhiều “Bồ tát”

Năm 1929, linh mục người Pháp tên là Paul Maheu thành lập Khu Điều trị phong Quy Hòa (Bình Định).

Đến năm 1999 khu Điều trị Phong Quy Hòa được đổi tên thành Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Nhiệm vụ của Bệnh viện là điều trị cho bệnh nhân phong các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên và hơn 300 hộ dân bị bệnh phong tại làng phong Quy Hòa.

Có người đã từng nói: “Người làm việc với đôi bàn tay là một thợ thủ công, người làm việc với tâm trí là một nhà khoa học, người làm việc với trái tim là một nghệ sĩ. Những người làm việc bằng tay, bằng tâm trí, bằng trái tim là những người làm trong lĩnh vực y tế”.

Đội ngũ nhân viên, y bác sĩ tại Bệnh viện mang trên mình phận “làm dâu trăm họ” vừa là yêu thương tâm lý vừa là trách nhiệm, là đạo đức nghề nghiệp.

Không chỉ riêng cô Tâm, đội ngũ y bác sĩ và các nhân viên phục vụ tại đây đều giống như những vị “Bồ tát”. Với bệnh nhân phong, “chữa trị, giúp đỡ và không tạo nên thương tổn” là câu nói yêu thương hằng ngày dành cho đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện.

Chị Nguyễn Thị Đào là một người con của bệnh nhân Phong từng điều trị tại Bệnh viện. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và Bệnh viện, chị được làm nhân viên hộ lý tại khoa Lão khoa 30 năm nay.

Chị sống ở làng phong từ khi còn nhỏ, mười phần thì đến hết chín phần trong con người chị đã cảm thông và hiểu rõ về bệnh, về con người nơi đây. Cũng như cô Tâm, chị Đào là người chăm bón từng bữa ăn cho những cụ già không có khả năng tự chăm sóc mình.

Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 8
Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 9

Chị Đào hào hứng khi làm nhiệm vụ phát tiền trợ cấp hằng tháng cho các cụ già.

Làm như bổn phận của con cái với mẹ cha, làm tất cả để bệnh nhân thấy nơi đây cảm nhận được rằng vẫn có người còn quan tâm, yêu thương họ, cho họ sự ấm áp của một gia đình”, chị Đào chia sẻ.

Khó khăn trăn trở nhất của đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện là sự mặc cảm về bệnh tật của bệnh nhân vẫn còn quá lớn. Đau đớn về thể xác đôi khi đơn giản là cái cớ để họ bùng phát cảm xúc mà lăn lộn, hò hét. Mỗi khi trường hợp này diễn ra, người hứng chịu nhiều căng thẳng nhất vẫn là đội ngũ y bác sĩ tại Khoa Cấp cứu - điều trị tại bệnh viện phong Quy Hòa.

Ngoài các loại thuốc điều trị giảm đau, sự yêu thương an ủi, khuyên nhủ là điều chúng tôi nên làm với các trường hợp này. Có những trường hợp, chúng tôi hoàn toàn bế tắc khi chứng kiến và nghe cả đêm bệnh nhân la hét.

Sợ bệnh nhân tự hủy hoại cơ thể bằng các cách nào đó, sợ ảnh hưởng tâm lý của những bệnh nhân xung quanh buộc lòng chúng tôi phải trói bệnh nhân lại và đưa vào khu biệt lập. Xót xa lắm, nhưng cũng không thể làm gì khác hơn”, bác sĩ Nguyễn Thị Thời Loạn ngậm ngùi.

Chuyện chưa kể về nữ y tá dành cả đời chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác - 10

Bác sĩ thăm khám hằng ngày cho bệnh nhân phong.

TS.BS Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Bệnh viện - cho biết, hiện tại, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên hợp đồng có hơn 180 người. Cuộc sống của họ đối diện với rất nhiều khó khăn bởi lương, phụ cấp và chế độ độc hại cho nhân viên y tế còn thấp.

Đa phần đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên đều ở luôn trong làng phong. Mỗi hộ gia đình được cấp một căn hộ nhỏ khi xưa là nơi ở của các sơ hoặc một phòng trong khu tập thể dành cho cán bộ y tế.

Để tiết kiệm chi tiêu, ngoài giờ làm việc họ tranh thủ cuốc miếng đất để trồng rau, nuôi thêm mấy con gà. Con em họ đến tuổi đi học cứ đứa lớp lớn kèm đứa lớp bé, một quyển truyện tranh được chuyền từ nhà này qua nhà khác. Có món gì ngon là đem ra chia sẻ với nhau. Khu nhà luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng trò chuyện. 

Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng đội ngũ y bác sĩ, hộ tá nơi đây luôn hết mình với công việc và bệnh nhân.

Từ lúc ra trường cho đến thời điểm hiện tại, tôi chọn Bệnh viện là nơi làm việc,chồng tôi là bác sĩ, cũng đang tác tại bệnh viện này. Ở đây đội ngũ nhân viên bác sĩ làm công tác chuyên môn không tính bằng thời gian mà tính bằng tâm huyết.

Nơi đây được coi là gia đình mình, có những người thân trong gia đình ấy. Làm bệnh nhân nơi đây nở được nụ cười mỗi ngày thì đó là sự thành công, là món tiền thưởng lớn nhất với chúng tôi rồi”, bác sĩ Đinh Thị Ái Liên vui vẻ chia sẻ.

Nguyễn Gia - An Yên - Phạm Viên
Bình luận
vtcnews.vn