Chân dung

Chuyện chưa kể về chàng trai bại não từng ra đề cho kỳ thi Tin học

Thứ Tư, 07/09/2022 16:49:00 +07:00

(VTC News) - 19 năm chăm sóc, làm đôi chân của con, bây giờ bà San đã có thể tự hào về loạt thành tích con trai Nguyễn Đức Thuận gặt hái được.

Video: Nguyễn Đức Thuận chia sẻ về ước mơ của mình

Nguyễn Đức Thuận (quê Bắc Ninh) hiện là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhìn chàng trai 19 tuổi bị bại não đi lại khó khăn, giọng nói bập bẹ, ít ai biết, ở tuổi 19 em đã sở hữu được loạt thành tích đáng nể.

Cách đây vài tháng, ngồi trên chiếc ghế xoay, Thuận dùng hết sức bình sinh, dậm chân xuống đất, tạo lực ra sau để đẩy chiếc ghế di chuyển về phía bếp, nơi mẹ đang đứng. Thuận bậm bẹ nói với mẹ rằng chuẩn bị được đến Đà Nẵng tham dự Kỳ thi Olympic Tin học khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022, nhưng không phải với cương vị của một thí sinh, mà là một người ra đề. 

“Ngày sinh con ra, tôi chưa từng dám mơ đến điều tương tự như vậy”, bà Đỗ Thị Hoài San (quê Quế Võ, Bắc Ninh) - mẹ của Đức Thuận nói. 

Năm 2003, bà San trải qua ca sinh khó kéo dài gần 5 tiếng. Suốt 2 ngày sau đó, bà không nghe thấy tiếng con khóc, bàn tay của con bị quặp xuống, tím đen bất thường. Đến ngày thứ 3, khi con cất được tiếng khóc đầu tiên, thì bà San lại khóc hết nước mắt vì nghe bác sĩ chẩn đoán con mắc chứng bại não thể co cứng. 

Hai vợ chồng bà San động viên nhau cố gắng chữa bệnh cho con. Con được 4 tháng tuổi, hai vợ chồng chạy vạy tiền đưa con đi mổ mắt, tiếp đó là những lần điều trị triền miên tại bệnh viện. 

Khi Thuận tròn 4 tuổi, bà San quyết định nghỉ làm để toàn tâm chăm sóc con, đưa con đi học. Do con yếu, nên bà cũng ngồi học cùng và giữ lưng cho con, bởi chỉ cần có tiếng động lớn là Thuận có thể ngã ngửa về sau.  

Vào lớp 1, Thuận được bố đóng cho một bộ bàn ghế giống ghế ăn dặm để đi học. Bà San vẫn đi học cùng con, cầm tay cho con tập viết, là “phiên dịch viên” cho con với thầy cô và các bạn. Tay yếu, nên khi các bạn cùng lớp viết được một dòng thì Thuận mới viết được một chữ. Bù lại, em được thầy cô khen vì học tốt môn Toán như học sinh lớp 5.

Ở trường, Thuận thường bị các bạn trêu chọc, bắt nạt. Mỗi lần như vậy, bà San lại động viên con trai cố gắng coi đó như một nấc thang giúp mình tiến gần đến thành công hơn. 

Song song với thời gian đi học, Thuận điều trị tại bệnh viện. “Không có tháng nào là Thuận không đến viện, có tháng nằm đến 22 ngày. Bà phải vay mượn để duy trì chữa trị cho con”, bà San kể lại. 

Chuyện chưa kể về chàng trai bại não từng ra đề cho kỳ thi Tin học - 1
Chuyện chưa kể về chàng trai bại não từng ra đề cho kỳ thi Tin học - 2

Thuận có niềm đam mê với Tin học. 

Là cậu bé ngoan, hiểu chuyện nên Thuận luôn hợp tác để chữa bệnh. Có lần, bà San hỏi con trai tại sao đau như vậy mà không khóc. “Vì có khóc cũng không thể đỡ đau nên con không khóc” - câu trả lời của đứa con trai khiến bà San xúc động. 

Tại bệnh viện, các bác sĩ phong cho Thuận làm “phó khoa” vì sự can đảm của em. Có những hôm bị sốt đến 40 độ, sau khi uống hạ sốt, Thuận lại năn nỉ mẹ đưa đi học.

Năm Thuận học lớp 5, bố mang về nhà một chiếc bàn phím máy tính cũ. Em loay hoay, mày mò cách học gõ. Nhìn ánh mắt sáng ngời của con, 2 vợ chồng bà San hiểu con trai có niềm đam mê với máy tính. 

Cuối lớp 5, khi biết nhà trường tuyển học sinh lớp chọn để tham dự Cuộc thi giải toán trên mạng Violympic, Thuận không phải lớp chọn nên nhờ bạn cõng lên xin Ban giám hiệu, thời điểm đó em đang là học sinh lớp thường. Năm đó, Thuận là học sinh duy nhất của trường đạt giải ba Toán cấp huyện. 

Lớp 10, Thuận thi trượt vào trường THPT chuyên Bắc Ninh. Thay vì nản chí, em quyết tâm ôn luyện đạt giải quốc gia môn Tin để được tuyển thẳng vào đại học. Trung bình mỗi ngày, em dành khoảng 14 tiếng ngồi máy tính để làm từ 10 đến 30 bài. 

Năm học lớp 11, khi đang theo học một trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, em giành giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Với những thành tích đã đạt được của Thuận, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã làm hồ sơ tuyển đặc cách bổ sung vào học lớp 12 tại ngôi trường mà em đã từng thi trượt.

Nhà cách trường chuyên 10 cây số, vậy nên có những ngày 11, 12h đêm hai mẹ con mới về đến nhà. Thời gian sau đó, nhà trường bố trí một phòng riêng cho Thuận và mẹ ngay sát lớp học. Bà San chuyển hẳn đến trường để tiện chăm sóc con. 

Do ảnh hưởng của chứng bệnh bại não thể co cứng, Thuận chỉ có thể điều khiển các phím bằng 2 ngón tay. Thế nhưng, ngay khi vừa về ngôi trường mới, Thuận phát huy khả năng của mình bằng những giải thưởng lớn. Em giành giải nhất kỳ thi Tin học trẻ quốc gia 2020, giải nhì Học sinh giỏi quốc gia 2021 và là một trong 15 học sinh đại diện cho Việt Nam dự thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyện chưa kể về chàng trai bại não từng ra đề cho kỳ thi Tin học - 3

Thuận đến Đà Nẵng làm đề cho kỳ thi Olympic Tin học miền Trung - Tây Nguyên.

Hiện tại, để tiện cho việc chăm sóc và đưa đón con đi học, vợ chồng bà San thuê một căn nhà tại thủ đô. Bà San tâm sự: “Tôi đồng hành cùng con, theo sát bên con từ khi con lọt lòng và đến bây giờ vẫn vậy. Dù nhọc nhằn, vất vả nhưng tôi vẫn hạnh phúc khi làm đôi chân, đôi tay thứ hai cho con, để con chạm đến thành công như ngày hôm nay”. 

Thấu hiểu sự hy sinh mà bố mẹ dành cho mình, Thuận quyết tâm gặt hái nhiều thành tích hơn nữa. “Từng nhận về nhiều lời kỳ thị, nhưng em may mắn vì vẫn luôn có bố mẹ, thầy cô và bạn bè ở bên cạnh động viên”, Thuận chia sẻ. 

Thuận đặt mục tiêu trong tương lai trở thành một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, tạo ra những phần mềm có ích cho con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của xã hội. 

Video: Bà Hoài San tâm sự về hành trình nuôi con trai bị bại não

HOÀI ANH
Bình luận
vtcnews.vn