Mùa tuyển sinh bao giờ cũng là mùa tâm tư của cả xã hội. Mở tin giáo dục ra, toàn những màu tối kém vui. Nào gian lận điểm vào đại học, nào xâm hại tại trường, nào học sinh bị uống nước giẻ lau, phạt quỳ… Không lạ khi nhiều bố mẹ sẵn sàng bỏ cả việc để săn trường tốt cho con. Trong khi nhiều phụ huynh nhìn vào các yếu tố như cơ sở vật chất, thành tích thì 30 năm qua, hàng ngàn phụ huynh tại một trường dân lập tại Hà Nội tin tưởng gửi gắm con em cho nhà trường dựa trên sự đồng thuận với triết lý giáo dục của nhà trường.
Triết lý giáo dục nhìn từ các nội quy
Nếu ở nhiều môi trường giáo dục hiện tại, rất dễ bắt gặp lời phàn nàn chuyện trẻ em ngày nay có những xu hướng phát triển khó nắm bắt, dường như ít lắng nghe hơn, ít có trách nhiệm hơn, ích kỷ hơn… thì tại Lương Thế Vinh, không khí lại rất khác. Đây là ngôi trường được mệnh danh là có “kỷ luật thép", gần như không có đất cho những biểu hiện ngỗ nghịch, vô tâm.
Ở Lương Thế Vinh, việc chạy xe máy khi chưa đủ tuổi là điều cấm kỵ. Cha mẹ cũng không phải lo lắng chuyện con sa đà vào smartphone giờ học, bởi mọi điện thoại di động phải được tắt khi bước vào trường. Chuyện văng tục, gây gổ, bạo lực trong trường học không có cơ hội tồn tại.
Học trò Hà Nội có lẽ không xa lạ với những câu chuyện truyền miệng về kỷ luật nghiêm khắc của trường Lương Thế Vinh. Đó có thể là những sự vụ tưởng rất thông thường như với em Hoàng Phúc Hiếu học sinh lớp 11D5. Hiếu từng bị đình chỉ học tập 3 ngày vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Cậu học sinh chia sẻ: “Lúc nhà trường cho nghỉ em rất buồn. Em sợ phải xa bạn bè. Cô thì rất cương quyết. Em có suy nghĩ học đến lớp 11 rồi mà phải chuyển trường thì rất buồn”.
Chọn các hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhưng vẫn hướng đến những động lực tích cực, quan điểm của trường là luôn cố gắng tạo ra cầu nối để gắn kết với phụ huynh mỗi ngày. Cô Hiệu phó Văn Thuỳ Dương từng thẳng thắn khẳng định, nhà trường muốn hướng đến việc “Dạy các con biết chấp hành kỷ luật nếu muốn tự do, chịu kỷ luật như là một cách tôn trọng danh dự”. Cô còn chia sẻ: “Việc tương tác giữa phụ huynh và giáo viên là việc quyết định sự thành công trong việc thay đổi các con…”.
Nhiều gia đình muốn theo đuổi môi trường rèn luyện để con trẻ cứng cáp, bản lĩnh ngay từ môi trường học đường, có thể tìm thấy ở nhà trường những đồng cảm và niềm tin.
Nghiêm khắc để Dạy thật - Học thật
Với việc theo đuổi nguyên tắc kỷ luật chặt chẽ đó, cùng chương trình giảng dạy được thiết kế khoa học, trường Lương Thế Vinh năm nào cũng nhận về quả ngọt với số học sinh đậu đại học cao.
Một trong những tinh thần quan trọng bậc nhất tại trường Lương Thế Vinh chính là Dạy thật - Học thật. Nếu như những lùm xùm gian lận thi cử tại kỳ thi THPT Quốc gia vẫn còn giáng mạnh vào niềm tin của xã hội một tổn thương lớn, thì tại trường Lương Thế Vinh, các nhà giáo vẫn nỗ lực không để học sinh mất niềm tin vào lẽ phải, lòng trung thực. Chuyện quay cóp vắng bóng, việc đánh giá kiểm tra hướng đến mức độ công bằng nhất có thể.
Cô Nguyễn Bích Thuỷ, giáo viên có nhiều năm công tác tại trường cho biết: “Trường có mục tiêu kép, khi có những điều chỉnh về thi cử, nếu học sinh các trường công lập phải nhao lên đi luyện thi thì trước đó, giáo viên chúng tôi đã có chương trình cho các em học đầy đủ bài bản từ chương trình tại lớp học...”.
Mùa tuyển sinh này, tìm được một ngôi trường tin cậy để gởi gắm con cái trong giai đoạn phát triển nhân cách, phẩm chất quan trọng bậc nhất cuộc đời của các em đã trở thành một ưu tiên quan trọng trên hành trình nuôi dạy con cái. Nhiều phụ huynh của trường Lương Thế Vinh chia sẻ kinh nghiệm: Tiêu chí đầu tiên để chọn trường cho con chính là nhìn vào triết lý giáo dục.
Chị Minh Phương, phụ huynh nhà trường cho biết: “Chính phụ huynh cùng các em học sinh sẽ là người lựa chọn môi trường phù hợp nhất với triết lý giáo dục mình muốn theo đuổi. Đó có thể là mục tiêu muốn con được rèn luyện để trở nên tử tế, không để vì thiếu thời gian mà hỏng con, hỏng cả hạnh phúc ba mẹ cả đời muốn vun vén…".
Bình luận