Đời sống

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2

Thứ Sáu, 25/10/2024 09:45:00 +07:00

(VTC News) - Trên đỉnh Konhlon (xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh, Bình Định) cao hơn 1.000m so với mực nước biển, có 54 hộ người Ba Na sinh sống gần như biệt lập với bên ngoài.

Đến thăm làng O2 giữa lõi rừng đầu nguồn Bình Định.

Vượt dốc O2, gót chân người trước chạm trán người sau

Để đến ngôi làng đẹp như tranh nằm trên đỉnh núi Konhlon (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) phải vượt quãng đường gian nan và không dành cho người "yếu tim"

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2 - 1

Làng O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) nằm trên đỉnh núi Konhlon.

Đường giao thông được xác định là những vết mòn lưng núi, làng O2 thuộc xã Vĩnh Kim, nằm ở cực Bắc huyện Vĩnh Thạnh đến nay vẫn gần như biệt lập với bên ngoài. Từ thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) sau 40 km vượt đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến điểm cầu treo Đak Miên, trung tâm xã Vĩnh Kim. Từ đây đến làng O2 chỉ có một con đường độc đạo khoảng gần chục km, trong đó phải đi bộ khoảng 4 km đường rừng đèo dốc thẳng đứng.

Băng qua chiếc cầu treo chênh vênh Đăk Miên, bắc qua nhánh sông Kôn giữa rừng già, cây cầu “mạng nhện” được bện thắt bởi những cây mây rừng. Lối đi trên cầu treo nhỏ đến độ chỉ vừa một bàn chân cỡ lớn. Chiếc cầu treo này dẫn chân khách đến những con dốc dài và cao đến “trán người đi sau chạm chân người đi trước”, vòng vèo dưới tán rừng, hai bên đầy cây gai. Muốn lên đỉnh Konhlon để đến với làng O2 phải vượt qua 3 con dốc như vậy.

Qua bên kia cầu, chúng tôi có thêm bạn đồng hành là hơn chục người dân làng O2 cõng trên lưng những cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm như loa, đài, quần áo, xăng xe và thức ăn đưa về làng.

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2 - 2

Cầu mây chênh vênh, lối đi độc đạo bắc qua sông Kôn nối miền xuôi với làng O2.

Đi phía trước chúng tôi là 4 thanh niên làng O2 vừa đi vừa mang vác chiếc loa đài nặng gần nửa tạ do xã vừa cấp. Đi sau còn có cặp vợ chồng trẻ, người vợ đi trước địu con trai khoảng 3 tuổi sau lưng bằng tấm thổ cẩm tự dệt, người chồng đi sau một tay chống gậy, một tay đỡ lưng vợ, không màng chiếc gùi trĩu nặng nào là can đựng xăng xe, hộp đồ nghề mới mua và ít quần áo cũ của người xuôi vừa từ thiện.

Đi sau cùng là 4,5 thanh niên người làng O2 gùi trên lưng những cục máy, những phụ kiện xe máy mua được dưới xuôi. Mỗi lần đi xuôi về là chiếc xe tự lắp ráp trên làng dần thành hình. Chiếc xe không chỉ làm ngắn đi những đoạn đường bằng trên núi nối với xuôi mà còn chuyên dụng phục vụ cho lao động.

Trong suốt chuyến hành trình, không ai chờ ai cả, ai mệt thì nghỉ, hết mệt thì đi tiếp. Những bước chân cần mẫn men theo lối đi ken đặc cây rừng.

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2 - 3

Để đến được làng O2 phải leo 4km đường rừng, dốc núi thẳng đứng, "gót chân người trước chạm trán người sau".

Ngôi làng lọt thỏm giữa rừng núi cao và heo hút

O2 nằm “biệt lập” trong một thung lũng, tứ bề núi rừng trùng điệp. Xung quanh cảnh vật rất yên ắng, tĩnh lặng. Nhìn quanh quẩn chỉ có vài cụ già ngồi trên nhà sàn bỏm bẻm nhai trầu và mấy đứa trẻ con đưa mắt nhìn chăm chú khách lạ.

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2 - 4

Người dân làng O2 sống cách biệt, tự cung tự cấp.

Sau 4 giờ đồng hồ lội suối băng rừng, cộng thêm 1 giờ được thanh niên trong làng chở bằng chiếc xe máy "độ", chúng tôi cũng đến được với O2.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Đinh Khích, Trưởng thôn O2. Trong ngôi nhà sàn nhỏ gọn gàng ngăn nắp, sau khi loay hoay với ly nước lá rừng tiếp khách, đôi mắt người con núi rừng hướng xa xăm, anh Khích kể cho chúng tôi nghe chuyện ăn, chuyện ở, chuyện sinh hoạt của người dân O2.

Được sự quan tâm của Nhà nước, cuộc sống người dân làng O2  hiện đã vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, do nằm trong khu vực địa hình có độ dốc lớn, giao thông cách trở nên làng O2 vẫn còn rất thiếu thốn.

Làng O2 dù tiềm năng đất đai màu mỡ nhưng không thể tận dụng. Dân số ở thôn O2 chỉ vỏn vẹn 54 hộ, với hơn 200 nhân khẩu nhưng có đến 44 hộ thuộc diện hộ nghèo, còn lại là cận nghèo”, anh Khích chia sẻ.

Cũng theo lời anh Khích, làng O2 trước kia là nơi đặt trụ sở Tỉnh ủy, UBND, Công an tỉnh… thời kháng chiến. Do tập quán canh tác và sống lâu đời ở đây nên dù có khó khăn đến mấy, đồng bào cũng không có muốn dời làng đi nơi khác.

Người dân O2 hôm nay vẫn sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp là chính, cả làng có gần chục hecta lúa nước, mỗi năm 2 vụ cũng đủ ăn. Cũng có người trồng măng, trồng ngô, dư nhiều thì gác ở bếp để nuôi gia súc, gia cầm. Cũng rất nhiều hộ không quản ngại khó khăn, xuống dưới xuôi cõng cây công nghiệp dài ngày về trồng trong vườn rừng.

Ngoài ra, người dân còn chăn nuôi heo gà, trâu bò và đào ao thả cá.

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2 - 5

Những đứa trẻ nơi làng nghèo O2 luôn sống trong sự thiếu thốn.

“Chưa có đường giao thông nối với miền xuôi, nông sản thu hoạch được, nuôi con heo con gà, muốn cõng về xuôi bán phải trèo đèo lội suối khổ cái thân lắm. Nên chúng tôi cũng đành chịu để hết lúa mì bắp làm lương thực cho cả nhà và phục vụ chăn nuôi.

Muốn kiếm tiền thì chỉ có nuôi con gì có 4 chân, như con bò, con trâu để dắt nó đi xuống núi bán. Chính vì vậy, mọi thứ bà con làng O2 hầu như tự cung tự cấp.”, anh Khích trải lòng.

Hiện, làng O2 cũng chưa có hệ thống điện lưới quốc gia, chưa có trạm phát sóng di động và hệ thống cấp nước sạch tập trung. Nguồn nước sinh hoạt ở làng O2 chủ yếu là nước suối. 

Khi được hỏi về việc làm cách nào có thể liên lạc được với dưới xuôi trong những trường hợp khẩn cấp, anh Khích chỉ vào chiếc điện thoại “cục gạch” nằm riêng một góc và hài hước bảo: “Bao năm qua, chiếc điện thoại nhất nhất ở vị trí đó, bởi đó là "toạ độ" duy nhất có sóng di động trong làng O2. Mỗi lần dưới xuôi gọi lên, nếu tôi ở nhà sẽ nghe máy, nếu tôi đi làm thì có cuộc gọi nhỡ, về tôi sẽ gọi lại

Xế chiều, mây đã về làng phủ mờ những mái tôn gỉ sét, chỉ còn le lói chút nắng vàng. Khói bếp từ những căn nhà sàn thấp bé lan toả khiến không gian vơi phần lạnh lẽo. Vợ anh Khích cũng lục đục nhóm lửa chuẩn bị bữa cơm chiều với chút rau rừng và thịt gác bếp. 

-         Bao lâu rồi anh Khích chưa ngửi thấy mùi cá mặn mòi từ biển?- Tôi hỏi

-         Rất lâu, rất lâu rồi – Đinh Khích cười

-         Lần sau tôi lên Vĩnh Kim sẽ gọi anh Khích đi bộ xuống lấy nhé, chứ tôi lên không nổi nữa.

-         Mang nhiều nghen, chứ mất công xuống lấy- Câu trả lời chân chất thật thà pha lẫn hài hước từ Trưởng thôn Đinh Khích.

 Để O2 không còn "biệt lập"

Bình Định, vùng đất giàu tiềm năng đang dần trở nên phồn thịnh, chiếm vị trí top đầu trong vùng Duyên hải Trung bộ. Nhưng đâu đó, vẫn còn những trăn trở của chính quyền tỉnh này khi bao nhiêu thôn, làng đã có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm… thì O2 vẫn thiếu nhiều thứ.

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2 - 6

Bằng sự quyết tâm và nỗ lực của người dân miền xuôi và các cấp chính quyền tỉnh Bình Định, cuộc sống làng O2 đang cải thiện dần từ những bước nhỏ.

Năm 2015, để con em của dân làng O2 có được chỗ học ổn định, UBND xã Vĩnh Kim đã vận động toàn dân trong xã tham gia cõng xi măng, gạch, ngói vượt đèo dốc để lên xây dựng 2 phòng học kiên cố, cho các cháu mẫu giáo và các cháu học từ lớp 1 đến lớp 5. Ngoài người làng O2, người dân 5 thôn miền xuôi của xã Vĩnh Kim Đều cũng tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng để xây trường cho con em làng O2. Thôn nào có nhiều lao động, xã phân công vận chuyển nhiều ngói hơn.

Cứ thế làm túc tắc, chuyến này đến chuyến khác, ngày này sang ngày kia, cũng hoàn thành 2 phòng học, 1 phòng dành cho các cháu học mẫu giáo và 1 phòng dành cho cả 5 lớp tiểu học. Hết tiểu học, các em xuống xã Vĩnh Kim học; hết THCS thì xuống huyện học Trường phổ thông Dân tộc nội trú.

Năm 2022, Tỉnh đoàn Bình Định cùng tổ chức đoàn trao tặng 50 thiết bị điện mặt trời cho các gia đình và lắp đặt trên các tuyến đường trong thôn O2, giúp bà con sinh hoạt, đi lại ban đêm thuận lợi hơn.

Nhiều hộ dân ở O2 cũng cõng mobin thủy điện cả nửa tạ trên lưng đi từ dưới xuôi lên làng để làm thủy điện nhỏ. Từ đó, cộng với nguồn điện năng lượng mặt trời, 100% số hộ ở O2 đã có điện thắp sáng, xem ti vi hằng ngày. 

Theo anh Đinh Khích, người làng O2 sống nhờ rừng, chính vì thế việc động viên mọi người tham gia sản xuất, không chặt phá rừng, không tiếp tay cho kẻ xấu là một vấn đề hết sức quan trọng.

Lãnh đạo làng O2 đã vận động bà con canh tác trên diện tích rẫy cũ, không phát rẫy mới để bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng mà bà con đã ký với Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện”, anh Đinh Khích cho hay.

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2 - 7

Để có những buổi học cho trẻ em hay các lớp tập huấn cho người dân làng O2 là một quá trình gian nan, vất vả của chính quyền địa phương.

Ông Đinh Cư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết, từ lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đến các cấp huyện, xã và những người dân dưới xuôi luôn trăn trở, nỗ lực tìm giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân thôn O2.

Và nhất là thực hiện ước mơ, sự trăn trở bao đời của người dân làng O2 về một con đường để “kéo” O2 gần với miền xuôi. Có con đường, làng vùng cao này chắc chắn sẽ giàu lên, sẽ mạnh lên.

Mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định dẫn đầu đoàn công tác đã trực tiếp gặp gỡ và chia sẻ về những khó khăn, thiếu thốn của bà con đồng bào Bana ở thôn O2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ làng O2 thêm 5 bộ đèn năng lượng mặt trời 1.000 W, 5 máy cày cầm tay, 5 bồn chứa nước inox loại 1.500 lít và 2.000m ống để dẫn nước từ suối về thôn.

"Tới đây, UBND tỉnh sẽ lập dự án, chuyển cho UBND huyện Vĩnh Thạnh thực hiện hỗ trợ mỗi hộ dân 2 con bê cái sinh sản và hỗ trợ thôn 2 con bò đực lấy giống nhằm tạo sinh kế bền vững cho bà con", ông Tuấn cho hay.

Chơi vơi ‘làng rừng’ O2 - 8

Hy vọng những nụ cười của người làng O2 sẽ sáng khi điện lưới quốc gia kéo về, khi nghe được những tiếng còi xe từ những con đường nối xuống xuôi mỗi ngày.

Sau chuyến công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung triển khai các giải pháp, kịp thời hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho bà con thôn O2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở ngành, địa phương rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định điều chuyển nguồn kinh phí Dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã phân bổ, để thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò cho các hộ nghèo, cận nghèo tại thôn O2.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Công ty Điện lực Bình Định, UBND huyện Vĩnh Thạnh rà soát, đề xuất phương án cấp điện cho thôn O2 trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, giao UBND huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai bê tông hóa đường giao thông lên thôn O2, đảm bảo phương tiện xe máy đi lại, theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thời gian thực hiện từ tháng 7/2024.

Với sự hỗ trợ rốt ráo của chính quyền địa phương, một ngày không xa lối vào O2 sẽ không còn xa. 

Nguyễn Gia
Bình luận
vtcnews.vn