Cuối tháng 10 vừa qua, Piyawat bước vào kỳ nghỉ giữa kỳ. Hàng ngày, cậu dành tất cả thời gian chơi game. Thậm chí, do quá ham mê, cậu quên cả ăn, uống, ngủ nghỉ. Thứ duy nhất cậu thường xuyên sử dụng là những chai nước ngọt có gas.
Hàng ngày, do Piyawat ngồi lì bên chiếc máy tính nhiều giờ nên bố mẹ phải mang đồ ăn lên tận phòng. Không ít lần họ cảnh báo về chế độ sinh hoạt, giải trí thiếu khoa học của con mình, nhưng cậu vẫn bỏ ngoài tai.
Cha mẹ Piyawat cho biết, họ phát hiện con trai gục ngay trên bàn máy tính cạnh giường. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng Piyawat không thể qua khỏi.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến Piyawat thiệt mạng là chơi game quá nhiều, trong thời gian dài không nghỉ ngơi dẫn đến đột quỵ.
Ông Jaranwit, bố của Piyawat cũng thừa nhận, con trai là người “nghiện game”. “Ở trường Piyawat là đứa trẻ thông minh và học giỏi. Nhưng tôi cũng thừa nhận rằng, thằng bé rất 'nghiện' chơi game. Hai vợ chồng tôi cảnh báo nhiều lần nhưng Piyawat chỉ hứa chứ không chịu thay đổi”, ông Jaranwit nói.
Ông Jaranwit cho rằng trường hợp đáng tiếc của con mình sẽ là bài học cảnh tỉnh những đứa trẻ khác về thói quen chơi game “điên cuồng” như hiện nay.
Theo The Sun, hiện trên toàn thế giới có khoảng 2,2 tỷ người chơi trò chơi điện tử. Trong đó, có 1/25 người bị “nghiện game”, tức là khoảng 90 triệu người nghiện trò chơi điện tử trên toàn thế giới.
Nghiện game gây ra nhiều hậu quả về sức khỏe như giải phóng lượng dopamine trong não, tăng cảm giác hồi hộp, bồn chồn, khó chịu… Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận “nghiện game” là một chứng bệnh về tâm thần cần có phương pháp điều trị phù hợp.
Bình luận