Tòa nhà 52 Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được khởi công từ năm 2009, có kế hoạch bàn giao trong năm 2012. Tuy nhiên, tới nay đã 9 năm, công trình vẫn trong tình trạng dở dang, không thể bàn giao chính thức cho người dân.
Theo anh Hoàng Lê Minh (chủ căn hộ trong dự án chung cư 52 Lĩnh Nam), mặc dù chủ đầu tư cho cư dân vào ở từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn không chịu hoàn thiện các hạng mục còn dang dở.
Cụ thể, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục chưa làm xong, luôn rình rập hiểm họa cháy nổ.
"Cư dân sống trong nhà của mình mà không khác gì nhà hoang. Tiền bảo vệ có đóng, tiền vệ sinh có đóng mà rác bẩn thỉu, an ninh trật tự lỏng lẻo, bảo vệ thiếu trách nhiệm, hệ thống báo cháy tại các tầng, trong căn hộ không hoạt động. Hơn 500 cư dân luôn luôn nơm nớp lo lắng về an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy", anh Minh bức xúc nói.
Trong khi đó, liên quan đến công trình dở dang nhiều năm, trong văn bản gửi báo chí, đại diện Lilama cho rằng, dự án chung cư Lilama 52 Lĩnh Nam triển khai dở dang là do năm 2016, công ty rơi vào tình trạng phá sản, mất khả năng cân đối tài chính khi nợ lên đến 1.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 613,6 tỷ đồng gấp 6 lần vốn chủ sở hữu, nợ thuế gần 174 tỷ đồng, nợ ngân hàng trên 200 tỷ đồng.
Nguyên nhân do Lilama Hà Nội thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, nguồn tiền của dự án bị sử dụng sai mục đích 207,8 tỷ đồng dẫn đến chậm tiến độ thi công làm khách hàng thường xuyên khiếu kiện đông người lên các cơ quan chức năng.
Thời điểm đó, Tổng công ty Lilama tiến hành cổ phần hóa đã loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp và bàn giao phần vốn và nợ sang công ty DATC tiếp nhận để xử lý tài sản, thu nợ về ngân sách nhà nước thông qua hình thức bán nợ, bán tài sản.
Điều đáng nói, trong khi dự án này vẫn chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, thì tại khu vực tầng 1, chủ đầu tư lại ngang nhiên cho thuê nhà hàng lẩu nướng, khiến hàng nghìn cư dân sinh sống tại dự án này hết sức lo lắng.
Tại cuộc họp giữa cư dân với Lilama Hà Nội và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) ngày 7/1, khi cư dân đặt câu hỏi về vấn đề này, ông Phan Hoài Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lilama Hà Nội - người đại diện vốn của DATC tại doanh nghiệp này cho rằng, toàn bộ tầng thương mại hiện là tài sản thế chấp của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Lilama Hà Nội đang là con nợ, đang bị ngân hàng đòi trả nợ. Hiện số nợ của Lilama tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hơn 200 tỷ đồng, trong đó gốc là 137 tỷ đồng, lãi là số còn lại.
"Ngân hàng đang có phương án siết nợ tài sản, nên chúng tôi phải tìm cách. Nếu để ngân hàng thu nợ thì không những thời gian hoàn thành sẽ kéo dài, mà còn ảnh hưởng đến hạ tầng, bộ mặt của dự án. Chúng tôi đã phải làm việc với ngân hàng và ngân hàng đồng ý để cho chúng tôi cho thuê.
Trong quy trình vận hành thử hệ thống phòng cháy chữa cháy, chúng tôi đánh giá là vận hành được, vấn đề chỉ còn là về mặt hồ sơ. Việc cho thuê còn là để tạo bộ mặt cho dự án.
Cho thuê nhà hàng lẩu hay gì là quyền của Lilama và đó là tài sản của Lilama, được ngân hàng chấp thuận", ông Hiệp nói.
Để dẫn chứng thêm cho khách hàng hiểu, ông Hiệp nói tiếp: "Nó (việc cho quán lẩu thuê - PV) cũng giống như nhà quý vị, nhà quý vị không dùng thì quý vị cho thuê, họ có thể làm kho hàng, hay homestay. Có những căn hộ sử dụng sai mục đích của căn hộ, chúng tôi đã có văn bản gửi đến hộ gia đình đó.
Nói chung không ở cho thuê là chuyện bình thường", ông Hiệp khẳng định.
Trước câu trả lời của vị Chủ tịch này, các hộ dân đều bức xúc đề nghị được làm rõ: "Nói như vậy là Lilama đang đặt quyền lợi lên trước tính mạng của hàng nghìn người dân đúng không?". Vị chủ tịch Lilama Hà Nội từ chối trả lời.
Trước sự im lặng của lãnh đạo Lilama Hà Nội, người dân tiếp tục đặt câu hỏi cho Tổ công tác của DATC, đứng đầu là ông Dương Thanh Hiền - Phó Tổng Giám đốc DATC - Tổ trưởng Tổ công tác: "Việc cho thuê quán lẩu khi chưa có kiểm định phòng cháy chữa cháy là đúng hay sai theo quy định của pháp luật?"
Lúc này ông Hiệp mới lên tiếng và nói: "Tôi sẽ trả lời sau, tôi sẽ kiểm tra xem quy định của pháp luật là đúng hay sai sau".
Còn ông Dương Thanh Hiền cũng không trả lời thẳng vấn đề đúng hay sai, ông Hiền nói: "Tất cả ban điều hành vốn xuống đây ghi lại tất cả ý kiến và góp ý, lý do tại sao cho thuê, chúng tôi sẽ hỏi cụ thể Lilama Hà Nội, không thể cái gì cũng có thể trả lời ngay được. Chúng tôi sẽ yêu cầu Lilama báo cáo lại các tồn tại".
Liên quan đến số tiền 207,8 tỷ đồng của dự án bị sử dụng sai mục đích khiến dự án không có nguồn tiền để hoàn thiện, ông Hiệp cho rằng, thanh tra xây dựng đã có kết luận sử dụng sai mục đích 207,8 tỷ đồng, tổng Lilama đã yêu cầu phải thu hồi, đây không những là trách nhiệm của Lilama mà còn là của Bộ Xây dựng.
Điều đáng nói, sự việc đã diễn ra nhiều năm, nhưng đến nay nguồn tiền bị sử dụng sai mục đích vẫn chưa được thu hồi, trong khi những người chịu trách nhiệm vẫn chưa đưa ra được phương án giải quyết nào đối với dự án này.
Bình luận