Tìm gặp Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa, một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp Ace (thuật ngữ chỉ những phi công ưu tú, đặc biệt xuất sắc bắn rơi 5 máy bay đối phương trở lên), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ uy nghi, tươi trẻ của vị phi công hơn 70 tuổi.
Xuất kích dũng mãnh ngay từ đêm đầu tiên
Nhắc về những tháng ngày khói lửa cách đây 45 năm, ánh mắt ông Nghĩa ánh lên tia sáng lạ kỳ. Ông bắt đầu kể bằng chất giọng chậm rãi nhưng đầy uy lực.
16h00 ngày 18/12/1972, Nguyễn Văn Nghĩa, lúc này mới chỉ 26 tuổi, cùng đồng đội nhận được thông báo từ Bộ Tổng tham mưu: B52 của Mỹ sẽ đánh phá Hà Nội vào lúc 18h00. Quân chủng phòng không – không quân (PK – KQ) chuẩn bị sẵn sàng trước 17h00.
Đúng 18h18 ngày 18/12/1972, 21 chiếc B52 của Mỹ cất cánh từ căn cứ UTAPAO Thái Lan, hướng thẳng về Thủ đô Hà Nội.
Gần 1 tiếng sau, Hà Nội phát lệnh báo động, tiếng còi hú khắp nơi. Giọng nói của phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thị Thìn vang lên giữa không khí bộn bề, vội vã đã đi vào lòng người dân Thủ đô cho đến mãi tận sau này.
Bắt đầu từ 19h28, lần lượt các phi công Trần Cung, Phạm Tuân, Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh, tiến thẳng vào hàng ngũ của địch. Chính sự xuất kích dũng mãnh này đã góp phần giúp lực lượng phòng không bắn hạ những chiếc máy bay B52 đầu tiên.
“Chính chiếc B52 đầu tiên bị lực lượng phòng không bắn rơi, bùng cháy trên vùng trời Phù Lỗ đã tạo điều kiện đầy đủ ánh sáng cho phi công Phạm Tuân hạ cánh xuống sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài – PV)”, ông Nghĩa hồi tưởng.
Kết thúc đêm đầu tiên của chiến dịch, bộ đội phòng không bắn rơi 6 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B52. Chính sự xuất kích dũng mãnh này khiến đội hình bảo vệ B52 của không quân Mỹ rối loạn, phải đối phó từ vòng ngoài với hỏa lực của quân ta.
Video: Phi công Nguyễn Văn Nghĩa kể chuyện bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên
Tính đến hết ngày 22/12, bộ đội phòng không đã bắn rơi 28 máy bay địch, trong đó có 13 chiếc B52. Mặc dù bộ đội không quân chưa trực tiếp bắn rơi được chiếc máy bay địch nào, nhưng việc liên tục tấn công trực tiếp và dũng mãnh đã xé tan đội hình của không quân Mỹ góp phần vào chiến công xuất sắc của quân dân Hà Nội.
Phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến dịch
Sau nhiều ngày không bắn hạ được chiếc máy bay nào dù liên tục cất cánh, tấn công thẳng vào máy bay địch, đến 13h40 ngày 23/12, biên đội gồm 2 phi công lái 2 chiếc MiG 21 là Nguyễn Văn Nghĩa và Lê Văn Kiền điều khiển, xuất kích từ đường lăn sân bay Đa Phúc. Sở chỉ huy dẫn về Phủ lý để tránh đội hình tiêm kích, sau đó tiếp tục dẫn biên đội về Suối Rút – Hòa Bình để chặn đánh đội hình cường kích 16 F4 của địch.
Nhớ về chiến công này, ông Nghĩa kể: “Chúng muốn dồn máy bay ta vào giữa vòng vây của F4 để tiêu diệt, hình huống lúc này vô cùng kịch tính và gấp gáp, thời gian chỉ tính bằng giây, bên nào bóp cò nhanh hơn thì bên đó thắng”.
Khi ông Nghĩa đưa chiếc F4 phía trước vào tầm ngắm, thì 1 chiếc F4 khác cũng nhanh chóng tiếp cận MiG 21 của ông từ phía sau để ngắm bắn.
Dù giây phút sinh tử đã cận kề, ông vẫn không hề nao núng, khi chiếc F4 phía trước nằm trong tầm ngắm, ông nhấn nút phóng tên lửa. Chỉ vài giây sau, chiếc F4 phía sau cũng phóng 2 quả tên lửa về phía ông.
Rồi bằng 1 động tác ngoặt đột ngột, chiếc MiG 21 của ông thoát khỏi tầm ngắm của tên lửa phía sau. Phi công Lê Văn Kiền hô lớn qua bộ đàm: “Cháy rồi”. Chiếc F4 phía trước bốc cháy và rơi xuống khu vực Lào Cai.
Cùng lúc này, biên đội của ông nhận được lệnh rút nhanh, nên ông cùng phi công Kiền lập tức thoát khỏi vòng vây của F4, bay về phía sân bay Đa Phúc. Tuy nhiên, việc rút về không dễ dàng đối với ông và đồng đội, không quân Mỹ đã phong tỏa triệt để các sân bay của ta.
Sở chỉ huy lệnh cho 2 phi công nhảy dù ra khỏi máy bay tại khu vực Vĩnh Phúc. Nhưng trong suy nghĩ của ông luôn xem chiếc máy bay MiG 21 như 1 người bạn, người thân ruột thịt nên quyết tâm không từ bỏ nó. Bên cạnh đó, một phi công khi thoát ra bằng dù phải trải qua một quá trình dài phục hồi, vì thế việc tiếp tục tham gia chiến đấu trong chiến dịch là không tưởng.
Cuối cùng, ông quyết định vẫn hạ cánh xuống sân bay khi nhận được thông tin từ sở chỉ huy rằng đường lăn vẫn chưa bị đánh phá. Ông hồi tưởng: “Khi quyết định như thế, tôi đã xác định một là hạ cánh an toàn và tiếp tục được chiến đấu, hai là chấp nhận hy sinh nếu bị bắn trong lúc tiếp đất hoặc gặp trục trặc kỹ thuật”.
May mắn, ông đã hạ cánh thành công mà không gặp bất cứ trục trặc nào, đồng đội của ông là phi công Kiền cũng an toàn về lại căn cứ, mặc dù những chiếc F4 phía sau vẫn bắn phá ác liệt về máy bay của quân ta.
Chiến công này của ông Nghĩa có ý nghĩa khai thông thế bế tắc, giải quyết vấn đề tâm lý cho không quân sau 5 ngày đầu của chiến dịch liên tiếp “trắng tay”. Những ngày sau đó, lần lượt các phi công khác của lực lượng không quân Việt Nam đều lập chiến công.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm, lực lượng không quân Việt Nam đã bắn hạ được 8 chiếc máy bay, trong đó có 2 chiếc B52 (phi công Phạm Tuân là người bắn rơi chiếc B52 đầu tiên vào đêm 27/12/1972).
“Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã mất đi 2 phi công anh hùng là Vũ Xuân Thiều và Hoàng Tam Hùng. Sự mất mát xương máu của đồng đội để bộ đội PK – KQ có được chiến thắng vẻ vang, buộc Mỹ phải thua vô điều kiện, phải dừng chiến tranh và ký hiệp định Paris, đúng như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ nhất định thua, nhưng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”, ông Nghĩa xúc động chia sẻ.
Bình luận