Sự phồn thịnh của Bình Định.
Là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với chiều dài bờ biển 134 km, Bình Định có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và trong giao lưu với quốc tế.
Với lợi thế về vị trí địa lý, Bình Định hiện đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ, cao tốc, đường ven biển, các tuyến đường kết nối với khu vực Tây Nguyên.
Trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Định xác định kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng, đầu tiên trong 3 đột phá phát triển của tỉnh này để có tầm nhìn, định hướng phát triển đúng đắn trong thời đại mới.
Theo đó, Bình Định sẽ triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh.
Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh.
Thời điểm hiện tại, Bình Định đang trên đà phát triển mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch.
Nhiều tòa nhà cao tầng đang dần mọc lên tại những vị trí đắc địa.
Nhiều công trình tiêu biểu đã thay đổi diện mạo thành phố biển Quy Nhơn, khiến nơi đây rực rỡ, phồn thịnh dưới ánh đèn.
Ngoài cơ sở hạ tầng khu vực trung tâm còn có cơ sở hạ tầng ở các khu kinh tế, cụm công nghiệp và giao thông giúp cho sự phát triển của tỉnh Bình Định chuyển biến rõ rệt ở hiện tại và tương lai. Cụ thể như hành lang kinh tế biển dọc theo tuyến đường bộ ĐT.639, hành lang kinh tế Đông Tây dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của Quốc lộ 19.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định đang hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng, kết nối với cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn..
Từ những lợi thế đầu tư bài bản về hạ tầng, Bình Định chú trọng xây dựng các yếu tố then chốt để trở thành nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Từ đó, tỉnh này mời gọi, thu hút đầu tư vào 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm: công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics; nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Định từng đứng đầu trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đứng thứ 4 trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2024, Bình Định sẽ càng đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...
Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định ngày 29/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, quan điểm của tỉnh là không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bình luận