Video: Chiêm ngưỡng 1.012 cối đá cũ xếp hình bông lúa được xác lập kỷ lục châu Á
Tháp Thần Nông được đặt trong khuôn viên 20.000m2 thuộc trung tâm đào tạo lái xe Đông Đô (tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Tháp được thiết kế hình hạt lúa, dựng theo chiều thẳng đứng, có chiều cao 15m, chia thành 5 tầng bên trong là khung cột bê tông và nặng khoảng 130 tấn.
Trong quan niệm của người dân, Thần Nông là ông tổ nông nghiệp, người dạy con người biết trồng lúa từ xa xưa và ban phúc cho những người làm nghề nông để đảm bảo cho cuộc sống an lành, đầy đủ từ mùa màng bội thu. Vì thế, tháp Thần Nông được coi biểu tượng cho vị thần của nền văn minh lúa nước.
Với mong muốn phục dựng không gian xưa cũ của làng quê Bắc Bộ, sau gần 20 năm sưu tầm những chiếc cối đá cũ trên khắp mọi miền đất nước, anh Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô, đã quyết định cùng đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư thiết kế và xây dựng tháp Thần Nông. Anh Toản cho biết, tại nhiều vùng quê, khi sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại thì những chiếc cối đá, trục đá, cối xay lúa…đã bị vứt bỏ ở lề đường. Vì vậy, anh đã dành thời gian, công sức để sưu tầm chúng và xây dựng thành khu trưng bày.
Theo anh Toản, đây là khu trưng bày cối đá và văn hóa lúa nước đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh, hướng tới sự phát triển dịch vụ trải nghiệm và du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy tinh hoa làng quê Bắc Bộ và văn hóa lúa nước.
“Tôi mong muốn khu trưng bày này sẽ lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của những vùng quê, mang nền văn hóa nông nghiệp, lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử miền quê Bắc Bộ. Đây sẽ là địa chỉ để thế hệ học sinh được trải nghiệm, biết đến những vật dụng gắn với đời sống của thế hệ trước”, anh Toản chia sẻ.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Sánh - một nghệ nhân nổi tiếng trong việc khảo cứu, phục dựng các không gian văn hoá xưa cũ, việc xếp những chiếc cối đá nặng nề thành tháp Thần Nông được lấy ý tưởng từ vị thần của nền nông nghiệp lúa nước. “Việc xây dựng tháp bằng cối đá là thách thức rất lớn trong quá trình thi công. Đơn vị thi công phải lựa chọn những cối đá có kích thước tương tự nhau và vận chuyển lên cao. Đặc biệt, những cối đá này ở ngoài rất hiếm nên phải chờ thời gian sưu tầm, hoàn thiện nên phải mất khoảng hơn 2 năm hoàn thành”, kiến trúc sư nói.
Theo ông Sánh, tháp được thiết kế theo hình hạt lúa, dựng theo chiều thẳng đứng, bên trong có bậc thang hình xoắn ốc lên xuống. Còn bên ngoài được trang trí bằng trục đá kéo lúa, cối đá xay lúa…nhằm tạo ra một không gian gắn liền với nền văn hóa lúa nước.
Rất nhiều người dân, du khách đến chiêm ngưỡng những cối đá cũ, được xếp thành hình bông lúa. Anh Trần Mạnh Hà (ở Bắc Ninh) cho biết, rất khâm phục ý tưởng độc đáo của các thành viên thực hiện công trình này. Đặc biệt, những chiếc cối đá này được xếp rất gọn gàng, chắc chắn và đẹp mắt mà không sử dụng xi măng để kết dính.
Theo anh Hà, khi đứng tại đây, chứng kiến những cối đá này, anh như được nhớ lại tuổi thơ của mình, một thời đã gắn bó. "Đây được xem là biểu tượng cho việc lưu giữ những đồ vật cổ. Việc lưu trữ những đồ vật cổ sẽ giúp cho những thế hệ như chúng tôi cũng như lớp trẻ hiểu hơn về văn hoá và giá trị lịch sử", anh Hà cho hay.
Bên cạnh tháp Thần Nông khoảng 100 m được đặt một cối đá lớn xếp từ hàng trăm cối đá cũ.
Trước đó, Hội đồng Xác lập tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã tổ chức Lễ công bố kỷ lục châu Á đối với tháp Thần Nông - Tháp cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất Việt Nam.
Bình luận