Anh Nguyễn Văn Phúc - CEO Bệnh viện đồ da được biết đến nhiều qua chương trình Shark Tank Việt Nam 2024 với màn chốt deal thành công, nhận vé vàng 500 triệu đồng. Trong buổi trò chuyện với VTC News, anh giãi bày những cơ cực đã phải trải qua trong hơn 10 năm lang thang đường phố, làm nghề đánh giày. Ngọt bùi có, và đắng cay cũng nhiều.
- Trước khi trở thành CEO Bệnh viện đồ da, anh từng là một cậu bé đánh giày có tuổi thơ cơ cực. Hôm nay, anh không ngại kể về những ngày tháng đó chứ?
Với mình, không có gì là ngại ngần chia sẻ cả. Mình tự hào khi đi làm đánh giày. Công việc này đã cho mình rất nhiều thứ, là kiến thức, tiền để đi học. Đặc biệt, công việc này cho mình cả một Bệnh viện đồ da như ngày hôm nay với rất nhiều người anh em, cùng sống, cùng làm việc như gia đình.
Mình sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp. Bố là thương binh nặng và nhà mình rất đông anh chị em. Năm 1999, bố trở bệnh, yếu và đến năm 2001 thì bố mất. Từ thời điểm đấy, mình bắt đầu đi đánh giày.
Bởi khi bố mất, tiền trang trải, lo để chạy chữa cho bố đã lên số nợ cả 100 triệu đồng. Ở thời điểm ấy, đối với gia đình nông dân, đó là con số cực kỳ khủng khiếp. 4 chị gái của mình đã phải nghỉ học. Nếu không có gì thay đổi, rồi cũng sẽ đến lượt mình. Vì vậy, lúc đấy mình quyết định đi đánh giày.
Hồi đó đi học không phải học thêm nhiều như bây giờ, chỉ học một buổi. Nếu học buổi chiều thì mình sẽ dậy từ 3h sáng và bắt xe lên Hà Nội để đánh giày, đến trưa lại bắt xe từ đấy ngược lại về nhà để chiều đi học. Còn nếu học buổi sáng thì về nhà tranh thủ ăn vội bát cơm, sau đó bắt xe lên thành phố đánh giày, tối lại về.
Để bắt xe lên Hà Nội đánh giày mà không mất phí, dù chỉ tầm 2.000 đồng thì một là mình phải đánh giày cho lái xe, hai là làm phụ xe. Mình trân trọng những thời điểm như thế vì nó thêm động lực để mình phải học, phải thay đổi cuộc đời.
- Đến tuổi 16, 17, anh vẫn tiếp tục công việc đánh giày. Độ tuổi này người ta gọi là tuổi nổi loạn, trong khi anh lại tiếp xúc với rất nhiều thể loại người trong xã hội, người tốt có, người xấu có. Vậy bằng cách nào anh vẫn giữ vững được mục tiêu, không bị ảnh hưởng?
Cái may mắn nhất của mình là xác định được mục tiêu ngay từ đầu, mục tiêu phải được đi học và sau này phải bằng mọi cách vào đại học. Năm lớp 6, khi đánh giày trước cổng Học viện An ninh và Đại học Kiến trúc, mình nhìn các anh sinh viên, thấy sang lắm. Ngồi ở cổng trường, mình thầm mong được một ngày làm sinh viên.
Cho nên, khi đi đánh giày gặp khó khăn, thậm chí là bị trấn lột hay bắt nạt, bị đánh đến đến chảy máu, nhưng mình vẫn nghĩ điều đấy rất bình thường. Bởi khi cuộc sống cho mình những cái tát, bản thân mình cũng phải biết tự xoa nó đi. Nếu chúng ta gục ngã, bỏ cuộc thì sẽ không bao giờ có được tương lai phía sau.
- Từ lúc nào anh có ý định mở Bệnh viện đồ da?
Khi vào đại học, mình vẫn duy trì công việc đánh giày. Sau khi ra trường và đi làm, mình vẫn đi đánh giày. Có những thời điểm, thực sự mình đánh giày không phải vì tài chính nữa mà là niềm đam mê.
Nhiều người vẫn nghĩ đánh giày là ở tầng đáy của xã hội, không có công việc gì thì mới phải đi làm đánh giày. Vì thế, mình mong muốn mở Bệnh viện đồ da để đào tạo cho các bạn từng giống mình thay đổi nhận thức về công việc đánh giày. Từ công việc tay chân, nâng tầm lên thành công việc được trân trọng và được tôn trọng.
- Thật bất ngờ khi anh nói đánh giày là niềm đam mê. Có thật sự là đam mê không, hay là để chứng tỏ điều gì khác?
Với mình, việc đánh giày như là hơi thở, đến mức đêm nằm ngủ còn mơ thấy với niềm hạnh phúc. Mình mắc “bệnh”, đó là đi đâu cũng nhìn đôi giày đầu tiên. Nhìn là biết đôi giày của anh này hiệu gì, da gì, có tốt hay không, đã đến thời kỳ phải đánh chưa,…
Hơn nữa, cuộc sống vỉa hè cũng đã gắn bó với mình quá lâu, trở thành một phần của cuộc sống. Chỉ khi quay trở lại đánh giày, mình mới được trở lại với con người thật. Được tự do bay nhảy, được tung tăng đi khắp nơi và dâng trào niềm hạnh phúc.
Mình mở Bệnh viện đồ da, dạy nghề cho các bạn cũng là một cách để tri ân quá khứ. Công việc đánh giày đã cho mình rất nhiều thứ. Khi bản thân có cơ hội để đổi thay thì mình cũng muốn trao vào tay các bạn cơ hội khác. Khi mọi người xua tay với các bạn ấy thì mình sẽ là người đưa tay ra. Đó cũng chính là lý do mình từ bỏ tất cả những công việc đang làm để mở Bệnh viện đồ da.
- Anh có thể chia sẻ cách anh đào tạo mọi người ở Bệnh viện đồ da?
Làm việc với những người bình thường, công việc bình thường đã khó, thì làm việc với các bạn yếu thế thực sự khó hơn rất nhiều. Cái khó nhất là làm sao thay đổi được nhận thức, tư duy bên trong con người các bạn ấy.
Các bạn ấy ra ngoài từ rất sớm, cuộc sống làm cho các bạn bị va đập rất nhiều đã tạo ra hai chiều hướng. Một là có thể kiên cường, mạnh mẽ để đi lên, hai là do bị va đập quá nhiều nên các bạn dần bị thui chột. Làm sao để làm thay đổi, làm sống dậy con người bên trong của các bạn, để các bạn có thêm nhiệt huyết và tự tin về chính mình là điều không hề dễ.
Chỉ khi các bạn ấy chắc về thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy thì mới học được nghề. Khi có cả hai thì các bạn sẽ tự tin hơn và biết mình sẽ làm gì với nghề này.
Khi các bạn đứng vững trên đôi chân của mình thì dù có đi đâu các bạn cũng có thể sống được. Ở Bệnh viện đồ da, chúng mình không chỉ cho cái cần mà dạy các bạn ấy cách câu. Nghĩa là các bạn có thể không câu ở ao thì bạn có thể ra sông, ra biển…
- Đến bây giờ, Bệnh viện đồ da đã đào tạo cho bao nhiêu người có nghề?
Trước khi mở cơ sở Bệnh viện đồ da TP.HCM thì có khoảng 30 bạn đã được chúng mình đào tạo, có công việc làm ổn định từ nghề đồ da.
- Cậu bé đánh giày Nguyễn Văn Phúc ngày xưa nay đã trở thành CEO Nguyễn Văn Phúc. Anh có nghĩ giấc mơ ngày xưa mình vẽ ra, đến nay đã thật sự thành công?
Chưa bao giờ mình nghĩ tới thời điểm hoàn thành sứ mệnh này. Sứ mệnh của mình là ở đâu có người yếu thế, ở đấy có Bệnh viện đồ da. Chúng mình luôn mong muốn là làm chừng nào không còn người yếu thế nữa mới thôi, thì khi sứ mệnh của mình mới hoàn thành. Những gì mà mình đã trải qua chỉ là dấu chấm rất nhỏ trên hành trình rất dài mà mình đang làm.
Đến thời điểm này, chúng mình không còn đơn độc nữa mà đã có sự đồng hành của các nhà đầu tư. Hy vọng hành trình này sẽ đi nhanh hơn để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. Và hy vọng rằng trong một tương lai không xa thì mình sẽ hoàn thành được hành trình này, nghĩa là khi ấy sẽ không còn ai khó khăn, không còn ai yếu thế nữa.
- Anh nói tầm nhìn dài hạn, bức tranh giấc mơ của anh chỉ hoàn thành khi không còn người yếu thế nữa. Vậy mục tiêu ngắn hạn sắp tới của Bệnh viện đồ da là gì?
Mục tiêu ngắn hạn của mình ở thời điểm hiện tại là xây dựng cơ sở Bệnh viện đồ da TP.HCM, sau đó sẽ xây dựng thêm cơ sở ở Đà Nẵng. Tiếp đến, bọn mình sẽ cho ra các gói chăm sóc, bảo hành định kỳ phía sau cho khách hàng và rộng hơn nữa như gói bảo hiểm. Biến Bệnh viện đồ da thành công ty bảo hiểm về nội thất, bảo hiểm về sô pha.
- Nói đến tính thực tế, bất kỳ ai khi kinh doanh thì điều cơ bản nhất là có một cuộc sống đủ đầy cho bản thân mình và những người xung quanh. Nhưng ở anh, dường như anh đang cắt bớt cái sự đủ đầy của mình để chia cho những người khác?
Đủ đầy ở đây có hai nghĩa, một là đủ đầy về vật chất, hai là đủ đầy về tâm hồn một con người. Người ta có thể hạnh phúc khi có một trong hai.
Với nhiều người, người ta sẽ mong muốn về vật chất. Nhưng với mình, khi nhìn thấy những người anh em, những người trong gia đình, những bạn yếu thế đổi thay, thay đổi được cuộc sống của họ và những người quanh họ thì đó là niềm hạnh phúc của mình.
Như thế, mình đang được cộng lại, đang được nhiều hơn chứ có cắt bớt đi đâu. Mình đang nhận lại về mình quá nhiều đấy chứ (cười).
- Trong màn gọi vốn ở Shark Tank, anh đã được Shark Minh trao vé vàng 500 triệu đồng và nhiều shark khác đồng ý góp vốn. Đến nay, sau khi DD (thẩm định doanh nghiệp), việc hợp tác vẫn được triển khai chứ?
Việc hợp tác vẫn đang diễn ra rất tốt đẹp. Các shark không chỉ đầu tư về mặt tài chính mà còn đầu tư, hỗ trợ chúng mình rất nhiều về mặt kinh doanh để hoàn thiện hơn dịch vụ của mình.
Khi tham gia Shark Tank, kỳ vọng lớn nhất của mình là làm sao để nhiều người yếu thế biết đến mình hơn. Mình không nghĩ là Bệnh viện đồ da nhận được nhiều sự yêu thương của các nhà đầu tư và của quý vị khán giả đến vậy, mình thật sự cảm thấy rất may mắn.
Với số tiền của các nhà đầu tư, bọn mình đã lên kế hoạch sẽ dùng toàn bộ để mở cơ sở cũng như hỗ trợ được nhiều nhất các bạn yếu thế.
- Giả sử, bây giờ có một nhà đầu tư nào đó ra deal 1 triệu USD để mua đứt Bệnh viện đồ da của anh và thay đổi hoàn cách vận hành, anh có đồng ý bán không?
Khi mình đã bỏ mười mấy năm đi đánh giày đường phố để học, bỏ cả công việc truyền hình để mở Bệnh viện đồ da thì đó là ước mơ của mình. Chỉ thế thôi đã không xứng đáng để đánh đổi, huống gì bây giờ Bệnh viện đồ da không còn là ước mơ của riêng mình nữa, mà là ước mơ của rất nhiều người yếu thế. Mình không thể đem bán ước mơ của các bạn ấy được.
- Điều khó nhất trong việc kinh doanh, điều hành Bệnh viện đồ da của anh là gì?
Bản thân mỗi người đều mong muốn làm những điều tốt đẹp cho mọi người, mình cũng chỉ là một trong số đấy.
Cái khó khăn nhất hiện tại của mình là làm sao để vừa đảm bảo được cuộc sống của các bạn, vừa đảm bảo được các bạn sẽ phát triển được. Thật sự, đã có rất nhiều bạn vào Bệnh viện đồ da và không ở lại vì không chịu được khó khăn, thử thách giai đoạn đầu.
- Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị!
Bình luận