Cây trôi cổ thụ hơn 400 năm tuổi mọc ở đầu làng Đông Đoài, xã Hoà Lạc, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Cây có chiều cao gần 30m, tán rộng 35m, đường kính gốc cây khoảng 3m.
Theo các cụ cao niên trong làng, vào thời kỳ chiến tranh, dưới tán cây trôi là nơi hội họp, giao liên để bàn kế hoạch chống kẻ địch xâm lược của dân quân trong vùng. Về sau cây được dân làng chăm sóc, bảo vệ qua nhiều thế hệ.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, cây cổ thụ vẫn trường tồn xanh tốt. Nhiều thế hệ tại xã Hòa Lạc đã coi cây cổ thụ này như “thần nông”, che chở cho cuộc sống cho dân làng.
Ông Nguyễn Xuân An (78 tuổi, thôn Đông Đoài) cho biết, cây trôi đã xuất hiện từ thời tổ tiên xa xưa, không ai biết rõ độ tuổi của cây. “Cha ông chúng tôi kể, trước đây làng gặp trận lũ lụt lớn cuốn trôi nhà cửa, sau khi nước rút, xuất hiện 1 hạt giống lạ và mọc cây, từ đó dân làng gọi là cây trôi. Cây trôi thuộc dòng xoài rú (xoài rừng), nhiều năm về trước còn cho quả nhỏ chín màu vàng, ăn rất ngọt. Nay cây đã già, không có quả nữa”, ông An nói.
Vào những ngày rằm, lễ, tết... người dân thường ra gốc cây thắp hương, cầu mong một năm an lành, mùa màng bội thu.
Tồn tại qua nhiều thế kỷ, phần thân cây trôi có nhiều ụ nổi, lớp vỏ sần sùi, rêu xanh phủ kín từ gốc đến cành cây.
Gốc cây khoảng 4-5 người ôm không xuể.
Những hốc cây trở thành nơi trú ngụ cho các loài sóc, chim.
Tán cây rộng lớn che phủ cả một khoảng sân, mỗi chiều, người dân và trẻ em trong vùng kéo về đây để vui chơi.
Các loài cây kí sinh mọc um tùm khiến gốc trôi giống như một vị thần đứng sừng sững canh giữ ngôi làng.
Năm 2015, Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận cây trôi làng Đông Đoài là Cây di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Chia sẻ với PV VTC News, Ông Trần Văn Điền – Chủ tịch UBND xã Hoà Lạc cho biết, cây trôi ở địa phương xuất hiện cùng thời với Diên Quang Tự (hay còn gọi Chùa Am, hơn 600 năm tuổi), nay được người dân canh giữ, xem như là báu vật.
“Hằng năm, con em địa phương xa quê thường gửi tiền về quyên góp để tu sửa, xây dựng khuân viên xung quanh cây trôi. Chính quyền địa phương cũng đã lập ra ban quản lý để bảo vệ cây cổ thụ. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bà con thường thắp hương dưới gốc cây để cúng bái, cầu bình an”, đại diện UBND xã nói thêm.
Bình luận