• Zalo

Cấy chip vào người sống, quyền riêng tư có bị xâm phạm?

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 22/11/2018 06:59:00 +07:00Google News

Bên cạnh việc bảo mật, tăng năng suất làm việc, những vấn đề về quyền riêng tư khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về công nghệ này.

Một số hãng luật và tài chính của Anh đang đàm phán với công ty sản xuất chip điện tử để cấy ghép các microchip RFID cho nhân viên nhằm mục đích an ninh. Tuy nhiên, “mục đích an ninh” mà những công ty này muốn đề cập có giống như cách Facebook lấy số điện thoại của người dùng rồi dùng để chạy quảng cáo?

chip1

Tương lai con người trở thành cybor - nửa người nửa máy đang đến gần? (Ảnh: Engadget) 

Ngành công nghiệp màu mỡ

Theo Telegraph, một trong những khách hàng lớn không được nêu tên của công nghệ cấy chip vào cơ thể người sống, là công ty tài chính có tới cả trăm nghìn nhân viên.

“Các công ty có vô số tài liệu nhạy cảm. Do đó, những con chip này sẽ giới hạn tiếp xúc của một số nhân viên quan trọng. Với một công ty có 200.000 nhân viên thì thương vụ này là rất đáng kể. Chỉ cần 15% nhân viên trong đó cũng đã rất lớn rồi”, Jowan Österlund, nhà sáng lập công ty cấy ghép chip Biohax cho biết.

Chưa bàn đến việc hacker có thể làm giả chip RFID (thực tế hacker cũng tìm cách hack biochip từ khá lâu), cấy chip thực sự giúp tăng năng suất làm việc của nhân viên.

Bên cạnh việc hạn chế di chuyển vào các khu vực giới hạn, microchip có thể được dùng để tăng tốc độ hoạt động hàng ngày của nhân viên. Họ có thể mua thức ăn từ căng tin, in những ấn phẩm và ra vào các tòa nhà nhanh hơn.

Việc cấy ghép chip cho nhân viên cũng không phải quá mới mẻ. Năm 2017, công ty Three Square Market ở Wiconsin, Mỹ đã cấy ghép chip cho hơn 80 nhân viên. Các chip RFID nhỏ bằng kích cỡ hạt gạo được cấy vào tay để nhận diện, cho phép nhân viên vận hành máy móc đúng trách nhiệm của mình. Thú vị ở chỗ, Three Square bán máy bán hàng tự động nhưng đồng thời cũng là nhà gia công cấy ghép chip.

Tồn đọng nhiều vấn đề pháp lý

Năm 2006, City Watcher trở thành công ty đầu tiên của Mỹ cấy ghép chip theo dõi công nhân. Họ yêu cầu toàn bộ nhân sự làm việc ở trung tâm dữ liệu phải được cấy ghép RFID vào cơ tam đầu ở cánh tay. Tuy nhiên đến năm 2007, bang California lại cấm các công ty buộc nhân viên phải cấy ghép RFID, cũng như đối với sinh viên trong tiểu bang.

Thực tế, việc trở thành một cyborg - nửa người nửa máy cũng khá hay ho. Các thành viên tham dự hội nghị tin tặc thế giới DEF CON cũng thích có được một bộ chip cấy ghép để làm kỷ niệm. Nhưng hầu hết trong số đó là hacker, và đều biết bản thân đang làm gì.

Trong khi đó, với những người bình thường, việc cấy chip để sử dụng vào "mục đích an ninh", nhất cử nhất động đều bị theo dõi lại là chuyện khác.

Theo khảo sát của MIT Technology, các nhân viên Three Square Market cho hay họ thích việc cấy chip vào người. Chính sự tiện dụng khiến quyền riêng tư trở nên bớt quan trọng với họ. Tuy nhiên điều này cũng dấy lên lo ngại rằng dữ liệu trong con chip có thể bị đánh cắp.

Chủ tịch của Three Square Market, Patrick McMullan nói với MIT rằng một số thông tin của chip được mã hóa. Ông này cũng biện hộ rằng với hình thức nào cũng ẩn chứa rủi ro. Các thông tin cá nhân nếu để trong ví cũng có thể bị đánh cắp.

Nhưng không giống thẻ ID, bạn không thể để con chip ở nhà. Do đó, có thể thấy rằng đối với các nhân viên nữ, vấn đề riêng tư còn đáng quan ngại hơn nữa. Ngoài ra, khảo sát của MIT cũng mới chỉ dựa trên các nam nhân viên.

chip3 3

Jowan Osterlund từ công ty Biohax Thụy Điển, đang cầm một con microchip cấy ghép, tương tự với loại được cấy cho các công nhân ở Vườn ươm trung tâm Stockholm. (Ảnh: Engadget)

Trào lưu gắn chip cho nhân viên Mỹ, Anh hiện nay thực tế xuất phát từ Thụy Điển. Theo LA Times, từ tháng 1/2015, Vườn ươm trung tâm thủ đô Stockholm với khoảng 100 công ty và 2000 nhân viên đã bắt đầu thực hiện. Đến nay có khoảng 150 công nhân được cấy ghép.

“Người ta hỏi tôi là “anh có bị cấy chip không?” và tôi trả lời “Có, có sao đâu?” Tất cả đều lo lắng về quyền riêng tư cùng hàng tá các vấn đề khác. Với tôi, chỉ đơn giản là tôi muốn thử cái mới và để xem tương lai của công nghệ này thế nào”, Giám đốc Vườn ươm Fredric Kaijser cho biết.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn