Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốcTrung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT.
Theo đó, để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, Dự án tiếp tục được đầu tư theo hình thức BOT có hỗ trợ bằng vốn ngân sách Nhà nước nhằm không để thời gian thu phí quá dài. Thủ tướng đề nghị cần sớm đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển KT – XH khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân trong vùng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang.
Các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sâu sát, chủ động, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện Dự án nhanh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện giao ban 2 tháng một lần để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án.
UBND tỉnh Tiền Giang quyết định điều chỉnh dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo doanh nghiệp rà soát lại phương án tài chính của Dự án trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Nhất là trong việc tính toán hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vấn đề giải pháp thi công, tính toán khối lượng, giá nguyên vật liệu cũng như lưu lượng xe… bảo đảm phương án hoàn vốn của Dự án không quá 15 năm.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ, bảo đảm phương án tài chính của Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2019.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tổ chức thẩm định lại phương án tài chính theo đúng quy định của pháp luật; sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm bảo đảm tiến độ Dự án.
Video: Toàn cảnh cao tốc 34.500 tỷ đồng nối Đà Nẵng - Quảng Nam nhìn từ flycam
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với vi phạm của Công ty Cổ phần tập đoàn Yên Khánh (nếu có); khoanh vùng, xử lý riêng vi phạm này để không ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án.
Theo ghi nhận, dù đã tốn tới gần 2.000 tỷ đồng, nhưng sau 10 năm, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ mới triển khai được khoảng 15,8% khối lượng và hiện giờ vẫn dậm chân tại chỗ.
Nguyên nhân khiến Dự án bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra là do những khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn, thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của Nhà đầu tư Dự án.
Bình luận