Cụm từ “Mở lon Việt Nam” trong đoạn quảng cáo của hãng giải khát Coca-Cola đang vướng phải những chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng xã hội Việt Nam.
Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa – thể thao – Du lịch), Cụm từ “lon Việt Nam” trong cụm từ “Mở lon Việt Nam” hoàn toàn vô nghĩa. Theo đơn vị này, trong tiếng Việt không có từ lon Việt Nam. Chưa kể bản thân chữ lon đặt cạnh cái khác là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ.
Không chỉ bị cơ quan chức năng tuýt còi, cộng đồng mạng phản ứng, đoạn quảng cáo của Coca-Cola còn bị giới chuyên gia truyền thông, thương hiệu chỉ ra những trò quảng cáo phản cảm, rẻ tiền, thậm chí coi thường người tiêu dùng và các quy định trong hoạt động quảng cáo của Việt Nam.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, đây không phải là lần đầu tiên Coca-Cola cố tình sử dụng ngôn ngữ phản cảm trong slogan quảng cáo.
“Là một thương hiệu lớn, Coca-Cola có đủ các kênh để tư vấn cho chiến lược truyền thông của mình. Vì thế sai sót của Coca-Cola không thể nói là vô tình được nếu không nói là vô ý và tỏ thái độ bất chấp sự phản ứng của dư luận để đánh bóng tên tuổi”, ông Long cho biết.
Chuyên gia truyền thông này dẫn lại một slogan trước đây của thương hiệu này, trong đó từ “lon” cũng được xem như một yếu tố “chủ đạo” cho chiến lược quảng cáo. Theo đó, Coca-Cola từng đưa chiến dịch quảng cáo bằng slogan “In tên lên lon”. “Nếu đã nhận định được những tranh cãi có thể xảy ra thì bộ phận truyền thông của họ phải dự đoán được và chọn phương án né tránh”, chuyên gia truyền thông phân tích.
Trong khi đó ông Nguyễn Quang – một chuyên gia về thương hiệu lại bày tỏ sự đáng tiếc khi chứng kiến hiệu ứng tiêu cực từ chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola. The ông Quang, Coca-Cola hay bất kỳ một nhãn hãng quốc tế nào, cần có những nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và thận trọng trong việc lựa chọn slogan quảng cáo. “Văn hóa truyền thông của mỗi một quốc gia đều có những quy định riêng mà doanh nghiệp quốc tế cần phải tôn trọng. Họ không hiểu được một khi dư luận đã lên đồng thì cái giá phải trả sẽ đắt như thế nào”, ông Quang nói.
Cũng theo chuyên gia, sự vào cuộc của Bộ VHTT&DL là cần thiết và kịp thời. Ông Nguyễn Quang đánh giá cao sự nhạy bén của đại diện Bộ VHTT&DL trong việc “tuýt còi” đối với hoạt động quảng cáo của Coca-Cola. Điều này sẽ tạo nên tiền lệ tốt trong việc quản lý hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Trong khi đó trả lời VTCNews vào ngày 29/6, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTT&DL khẳng định, sẽ tiếp tục có những động thái để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca Cola và các nhãn hàng khác nếu phát hiện thấy vấn đề phản cảm, thiếu phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Bình luận