Video cận cảnh những mẫu hóa thạch niên đại hàng trăm triệu năm.
Tại Bảo tàng Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) đang diễn ra triển lãm chuyên đề "Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch" do Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội phối hợp Bảo tàng Hà Nội thực hiện.
Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội hiện sở hữu bộ sưu tập đồ sộ với hàng nghìn đầu mục tài liệu quý và hơn 15.000 mẫu vật hóa thạch được thu thập từ nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam với niên đại cách đây hàng trăm triệu năm.
Phần lớn các mẫu vật nói trên đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp giấy chứng nhận di vật, cổ vật. Đó là những mẫu vật có giá trị cao về mặt lịch sử và khoa học, giúp tái hiện lại một vùng đất cổ sinh - dấu vết của sự sống xa xưa, từ đó kiến tạo nên không gian dành cho những người yêu thích cổ sinh vật học và hóa thạch.
Điểm nhấn của triển lãm là tảng đá cổ nhất nhất Việt Nam có niên đại 2,936 tỷ năm được PGS. TS. Trần Ngọc Nam (Chủ nhiệm khoa Địa lý - Địa chất trường Đạo học khoa học, Đại học Huế) phát hiện vào năm 2001 tại khu vực thác nước Hưng Khánh, thuộc dãy núi con Voi (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái).
Những mẫu hóa thạch các loài ốc, rùa và cá sấu được tìm thấy tại rừng Na Dương, Lạng Sơn.
Hình ảnh phục dựng dấu vết khủng long chim. Theo các nhà khoa học, sự khác nhau giữa khủng long chim và chim hiện đại nằm ở tiến hóa cấu trúc xương. Kích thước xương ức và xương chậu của khủng long chim nhỏ hơn chim hiện đại. Qua tiến hóa, xương ức và xương chậu của chim hiện đại to hơn để giúp chúng bay xa và nhanh hơn.
Hóa thạch răng của loài cá mập Megalodon. Đây là một loài cá mập khổng lồ đã tuyệt chủng thuộc lớp Cá sụn, sống cách nay khoảng 15,9 tới 2,6 triệu năm vào thời kỳ Đại Tân Sinh (Miocen giữa tới Pliocen muộn). Dựa trên những mẫu hóa thạch, Megalodon được cho là có kích thước lên tới hơn 20m và nặng hơn 100 tấn. Loài cá này từng thống trị đại dương trong một thời gian dài.
Hóa thạch răng của cá voi khổng lồ cổ đại Basilosaurus. Đây là một loài thuộc một chi cá voi sống từ 40 tới 34 triệu năm trước trong thế Eocen muộn và là tổ tiên của cá voi hiện đại ngày nay.
Hóa thạch răng Cá mập Megalodon. Loài cá mập này hiện đã tuyệt chủng, chúng thuộc lớp cá Sụn và đã thống trị đại dương trong suốt 20 triệu năm, được xem là một trong những động vật xương sống mạnh mẽ và lớn nhất tự nhiên. Hóa thạch Megalodon chủ yếu là những chiếc răng của chúng.
Các mẫu hóa thạch động vật họ tê giác, gấu, linh trưởng và họ mèo được tìm thấy tại Điện Biên.
Các mẫu hóa thạch của bộ voi, trong đó nổi tiếng nhất là voi ma mút. Tới nay, bộ voi chỉ còn 3 loài là voi đồng cỏ châu Phi, voi rừng châu Phi và voi châu Á.
Hóa thạch sọ của bò Bison cổ, xuất hiện cách đây 10 nghìn năm, hiện loài bò này đã tuyệt chủng. Hóa thạch sọ được tìm thấy tại bang Iowa, Mỹ.
Hàng trăm mẫu hóa thạch cúc đá được trưng bày trong triển lãm. Cúc đá là nhóm động vật biển không xương sống, chúng thuộc lớp chân đầu (Cephalopoda), có quan hệ gần gũi với các dạng sống còn sống như bạch tuộc, ốc anh vũ.
Hóa thạch san hô hình tổ ong được tìm thấy tại xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) có tuổi đời lên đến hơn 400 triệu năm.
Bình luận