Cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía Nam, làng cổ Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là một trong những ngôi làng hiếm hoi của thành phố còn giữ được nét nguyên sơ của làng quê Việt xa xưa với những ngôi nhà cổ trăm năm, những bờ tre, ruộng lúa, mái đình và cả nếp sống giản dị, chân chất của người dân.
Theo trưởng thôn Phong Nam, trước đây Phong Nam chỉ là một phần phía Nam của làng Phong Lệ rộng lớn bao trùm Phong Bắc (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) và thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) bây giờ. Dù các làng quê xung quanh thay đổi chóng mặt vì đô thị hóa nhưng Phong Nam vẫn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống.
Lưu giữ nét cổ kính, làng Phong Nam làm say lòng những người thích hoài niệm. Đến với làng cổ Phong Nam, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác yên bình, lâng lâng với hương lúa thoang thoảng, nghe tiếng gió rì rào từ những rặng tre, hàng cau, để tìm về miền ký ức xa xăm.
Sức hấp dẫn của làng cổ Phong Nam còn nằm ở các công trình kiến trúc cổ kính như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiên hiền, nhà thờ các tộc họ. Hiện nhà thờ tiên hiền có 17 tộc, trong đó có các tộc họ như Tứ Lê, Ngũ Ngô, Phùng, Ông, Nguyễn, Võ, Trần Nhị, Phan, Bùi… và có bài vị của làng.
Hiện nay, làng cổ Phong Nam vẫn còn giữ được nhiều ngôi nhà cổ, trong đó có những ngôi nhà có tuổi đời từ hơn 100 năm đến gần 200 năm. Trải qua hàng trăm năm, nhiều ngôi nhà cổ vẫn còn lưu giữ nhưng do thời gian cùng sự khắc nghiệt của khí hậu, một số đã xuống cấp, ngã đổ. Những ngôi nhà cổ nổi bật phải kể đến như nhà của gia đình bà Ông Thị Mãng, ông Trần Ngọc Duật, Ngô Viêm và Lê Đức Dục, Ngô Thị Trình.
Đặc biệt, làng Phong Nam còn bảo tồn, lưu giữ ngôi miếu Thái Giám cổ xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn được cho rằng đã cách đây hơn 500 năm. Miếu Thái Giám được dựng bằng 4 cây cột gỗ trắc, lợp tranh săng rồi sau đó xây bằng vôi vữa, lợp ngói âm dương, rêu phong cổ kính theo thời gian. Theo các vị bô lão, miếu Thái Giám là cái duy nhất trong “tứ miếu” của làng Phong Nam xưa còn tồn tại.
Những đình làng, nhà cổ, cây cổ thụ là đặc trưng của làng cổ Phong Nam tạo sức hút đặc biệt.
Phong Nam còn bảo tồn, duy trì Lễ hội Mục đồng-tôn vinh trẻ chăn trâu tại đình Thần nông. Đình Thần nông hay còn gọi là đình Mục đồng được hình thành vào cuối đời vua Tự Đức (1848 - 1883). Đình có cấu trúc hình chữ Đinh có 3 bộ phận gắn liền nhau từ ngoài vào trong. Có tiền đường hậu tẩm hình thành 5 gian. Trên 6 hàng cột trong đình đều treo các câu liễn đối khắc Hán từ, sơn son thếp vàng. Đó là những câu khen tặng của các bậc Danh nhân Phan Bội Châu, Cao Bá Quát trong những lần về viếng thăm đình. Gian chính giữa thờ Thần nông, vị tổ sư của ngành nông nghiệp, giúp cho dân làng cầu khẩn được mưa thuận gió hòa. Gian tả thờ các bậc tiền bối hữu công khai khẩn, khai canh, khai cư và gian hữu thờ các bậc tiền nhân Mục đồng.
Bình luận