Tây Nguyên đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô. Mực nước và lưu lượng trên các sông suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Người dân đang phải ra sức khoan giếng, đào ao, khoét lòng hồ để lấy nước, duy trì sự sống của cây trồng qua mùa khô hạn.
Lòng hồ thủy lợi C3 (thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) là nguồn cung cấp nước chính cho gần 180 ha cà phê tại khu vực xã Hà Mòn.
Tuy nhiên thời gian gần đây lòng hồ đã gần như cạn nước, người dân rơi vào cảnh đứng ngồi không yên vì lo lắng về một vụ mùa thất thu.
Hơn 35 năm trồng cà phê, đây là năm đầu tiên mà bà Nguyễn Thị Tư (xã Hà Mòn) chứng kiến cảnh hồ đập, sông suối khô cạn như hiện tại. Không có nước tưới, gần 100 gốc cà phê của bà Tư đã khô héo, còn 200 cây khác cũng đang đứng trước nguy cơ chết khô.
"Mấy ngày qua, gia đình tôi chắt chiu từng giọt nước còn sót lại ở hồ thủy lợi C3 để đem tưới cho 200 cây cà phê. Thế nhưng, nước ít mà nhu cầu của người dân nhiều nên cũng chẳng thấm vào đâu" - bà Tư buồn bã.
Để cứu cây trồng, người dân đã huy động hàng chục máy bơm công suất lớn hoạt động suốt ngày đêm.
Ông Trần Đức Trọng - Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết năm nay tình hình hạn hán tại xã đang diễn biến phức tạp. Tiêu biểu là hồ chứa C3 bị ảnh hưởng nhiều nhất, đến giờ phút này đã gần như cạn nước.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tổng diện tích cây trồng tại Kon Tum có nguy cơ khô hạn, thiếu nước trên 1.770 ha.
Trước tình hình này, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh có các giải pháp đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các ngành liên quan cũng như các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.
Tương tự, tỉnh Đắk Lắk cũng đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2024. Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài khiến mực nước trên các sông, suối, hồ đập đang giảm nhanh, một số nơi đã cạn kiệt nguồn nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Hồng Hướng (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đang vô cùng lo lắng vì khi vũng nước cạn khô cũng là lúc toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình bị thiệt hại nặng nề vì không còn nước tưới. "Năm nay khô hạn đến sớm, cây trồng của gia đình tôi đang thiếu nước tưới nghiêm trọng, nếu kéo dài thì gần như mất trắng vụ mùa năm nay. Tôi đã dùng bơm máy cố dẫn nước về cứu cây nhưng cũng chỉ vớt vát được phần nào, nước hồ đang dần cạn" - ông Hướng rầu rĩ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cùng các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã phối hợp với các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp chống hạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đến nay, trong số diện tích cây trồng mà công ty phục vụ tưới có hơn 1.380 ha cây trồng bị hạn, trong đó đã chống hạn được hơn 790ha, diện tích còn lại đang tích cực đặt máy bơm tận dụng nguồn nước còn lại dưới đáy hồ phục vụ chống hạn.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng El Nino nền nhiệt khu vực mùa khô năm nay tăng cao hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời, mùa khô sẽ kéo dài hơn do mùa mưa đến muộn. Đến cuối tháng 4, khu vực Tây Nguyên khả năng sẽ hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng gay gắt, khô hạn khốc liệt hơn. Đơn vị này khuyến cáo cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên cần lên kế hoạch sử dụng nguồn nước chặt chẽ, tưới tiết kiệm và dự phòng đủ nước sản xuất cho tới mùa mưa.
Bình luận