Video: Cận cảnh tháp đá cổ hơn 500 năm tuổi ở Hà Tĩnh
Am Tháp (còn gọi là tháp Cẩm Duệ) được xây dựng vào thế kỷ 16 trên khu rộng 2.450m2 ở thôn Quang Trung, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Am Tháp đang thờ Lê Am - vị quan triều nhà Lê.
Sử sách ghi lại, Lê Am là người thông minh, đức độ, lập nhiều đại công, được vua Lê Lợi ban đặc ân chọn sinh phần (chọn phần đất khi còn sống). Sau khi mất, vua ban cho ông sắc phong "Phúc thần đương cảnh thành hoàng làng Phương Cai". Ngay sau đó, Lê Am đã chọn đồi đất cao thuộc làng Mỹ Duệ (cạnh sông Ngàn Mọ) là nơi dòng họ Hồ mai danh ẩn tích đổi thành họ Lê, nơi đã sinh thành, nuôi dưỡng ông khôn lớn để trở thành nơi an táng mình.
Am Tháp là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo, được xây dựng dưới thời nhà Lê vẫn còn giữ được kiến trúc nguyên vẹn, cổ kính dù đã trải qua hơn 500 năm lịch sử.
Phần cổng vào Am Tháp được được xây mới từ năm 2011, dạng cổng tam quan. Phía trên mái của cổng được thiết kế tạo hình rồng phượng cùng hoa văn cách điệu.
Bước vào trong sân có cặp ngựa và con voi được tạc bằng đá, đặt đối xứng nhau.
Qua khoảng sân rộng đến nhà tiền tế (hay nhà bái đường), tiếp sau là điện thờ. Bên trong điện thờ đặt bài vị, hòm sắc và bát hương thờ 3 anh em họ Lê.
Phía sau điện thờ là Am Tháp cao hơn 3m, được xây theo cấu trúc bình đồ vuông. Không kể bệ tháp, chân tháp và phần đỉnh tháp thì ngôi tháp có 3 tầng.
Tầng thứ nhất bên trong bài trí bát hương và làm nơi đặt lễ vật dâng cúng. Tầng thứ hai còn lưu lại 5 chữ Hán cổ trên nền hình tròn nổi “Thiên cơ thân đức tạo” (người đức độ, cần mẫn tạo dựng nền tảng). Tầng thứ ba bên trong đặt hai pho tượng đúc bằng đá, bên ngoài có ba chữ Hán đắp nổi “tinh nhật nguyệt” với ý nghĩa ca ngợi tấm lòng sáng như nhật nguyệt của người xưa.
Đỉnh tháp chế tác bằng đá khối, phần thân tháp được tạo ghép phẳng kết liền, vuông thành sắc cạnh, không có vôi vữa kết dính bằng những phiến đá màu gan gà.
Theo các cụ cao niên trong làng, khu Am Tháp lúc đầu chỉ có huyệt am và ngôi tháp ghép bằng đá. Sau đó, người dân đã xây thêm tường thành, cổng tháp, điện thờ và nhiều kiến trúc khác.
“Khi tham quan Am Tháp người xem không phát hiện ra dấu hiệu của vôi, vữa kết dính vì khi xưa các nghệ nhân đã trộn mật mía và vôi để kết dính các phiến đá. Hỗn hợp mật mía, vôi này được giấu phía trong các phiến đá nên khi quan sát chúng ta khó nhận ra”, người dân làng Quang Trung nói.
Trong khuôn viên tháp còn có cây bàng gần trăm năm tuổi, phủ kín một góc sân.
Các bức tường phủ kín rêu phong tăng thêm vẻ cổ kính cho ngôi tháp.
Các vòm cửa và mái cong, vòm chóp, đỉnh tháp cũng được chế tác tạo bằng đá khối, tạo thành một khối kết dính rất đẹp mắt.
Năm 2006, công trình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hàng năm, Am Tháp đón hàng nghìn lượt du khách đến thắp hương, nghiên cứu các giá trị lịch sử về kiến trúc, tôn giáo.
Bình luận