Cận cảnh 12,63 ha rừng tại Bình Định làm chậm tiến độ cao tốc Bắc-Nam.
Ngày 25/4, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đến thời điểm hiện tại 12,63 ha rừng tự nhiên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là vướng mắc lớn nhất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cao tốc Bắc Nam qua Bình Định.
Theo đó, khu vực này có khối lượng đất đá khoảng 2,6 triệu m3 (1 triệu m3 đất; 1,3 triệu m3 đá thi công và 0,3 triệu m3 đất đổ bãi thải) đều nằm trong diện tích đất rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi nên không thể thi công.
Cũng theo ông Hoàng, công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Bình Định cơ bản đã hoàn thành. Tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng, đã đồng thuận nhận tiền bồi thường, giao mặt bằng. Vướng mắc còn lại là 12,63 ha rừng, theo quy định buộc phải đấu giá, nên tỉnh không còn cách nào khác ngoài chờ đợi, không thể cho thi công trước được.
"Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp lấy ý kiến của tỉnh rồi, chuẩn bị trình Chính phủ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong lúc chờ đợi, tỉnh đã chủ động chỉ đạo 2 huyện Hoài Ân, Phù Mỹ làm sẵn các thủ tục, sau khi có nghị quyết cho phép chuyển đổi thì nhanh chóng phê duyệt đấu giá tài sản trên đất rừng", ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay.
Đại diện gói thầu XL11 do Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thi công cao tốc qua Bình Định cho biết, gói thầu vướng 12,63 ha rừng tự nhiên. Trong khi đó, Thủ tướng lại yêu cầu công trình phải khánh thành tháng 6/2025, nên đơn vị lo không kịp tiến độ.
Trước đó, tại văn bản số 253/VPCP-NN ngày 12/1/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ TN&MT phải báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng trước ngày 15/1/2024. Tuy nhiên đã quá thời hạn yêu cầu, Văn phòng Chính phủ vẫn chưa nhận được báo cáo của Bộ TN&MT.
Căn cứ vào quy chế làm việc của Chính phủ, ngày 29/2 Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục có công văn giục Bộ TN&MT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Ngày 4/3 vừa qua, Tỉnh ủy Bình Định đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, ưu tiên cho chuyển mục đích sử dụng rừng tại tỉnh này, để triển khai kịp tiến độ. Bởi đây là hạng mục trọng yếu của dự án, cần triển khai thi công sớm để đáp ứng yêu cầu tiến độ, ngoài ra khối lượng đất đá được điều phối để tận dụng đắp nền đường và thi công cấp phối đá dăm.
Bình luận