Trong nhiều thập kỷ qua, bất cứ danh sách rủi ro địa chính trị nào của thế giới cũng bao gồm một cuộc tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út. Cuối cùng nó cũng xảy ra.
Tin tốt là thế giới ít bị tổn thương trước cú sốc giá dầu hơn các diễn biến vào những năm 1970 khi các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngừng cung cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, nhằm trừng phạt cho sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập - Syria.
Thêm vào đó, các nước có liên quan là Ả-rập Xê-út, Mỹ, Iran đề có những động lực mạnh mẽ để tránh các cuộc xung đột toàn diện.
Nhưng tin xấu là những người ra quyết định trong cuộc chơi này: Tổng thống Trump, Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đều là những người theo quan điểm cứng rắn.
Ông Trump trong tuyên bố mới đây cho biết dường như Iran đứng sau vụ tấn công. Khẳng định này được đưa ra một ngày sau khi ông cho biết Mỹ đã "khóa mục tiêu và đạn lên nòng". Một số chuyên gia cho rằng nếu Mỹ kiên quyết khẳng định Iran là thủ phạm, họ có thể thực hiện một phản ứng quân sự. Nếu điều đó xảy ra, không có gì đảm bảo cuộc xung đột không leo thang thêm nữa.
Cuộc tấn công vào 2 cơ sở lọc dầu của của Công ty Dầu khí Quốc gia Ả-rập Xê-út, Aramco ở Abqaiq và Khurais cũng khiến giá dầu tăng lên 20%, gây những xáo trộn nhất định trên thị trường.
Tầm quan trọng của dầu Vùng Vịnh đối với thế giới in sâu vào tiềm thức của phương Tây sau cuộc khủng hoảng dầu lửa Trung Đông năm 1973. Nó đấy giá dầu tăng lên gấp 4, gây thiệt hại nghiêm trọng cho thị trường và nền kinh tế thế giới.
Năm 1990, giá dầu lại tăng vọt 13% vì chiến tranh Vùng Vịnh giữa Iraq và liên quân hơn 30 quốc gia do Mỹ lãnh đạo để giải phóng Kuwait. Lệnh cấm xuất khẩu dầu toàn phần đối với Iraq và Kuwait của Liên hợp quốc sau đó khiến thị trường dầu mỏ mất đi 5 triệu thùng mỗi ngày, đẩy giá dầu lên mức ngất ngưởng.
Gần 30 năm sau cuộc chiến Vùng Vịnh thứ nhất, các nền kinh tế phương Tây biết cách tự bảo vệ mình hơn khi nguồn cung dầu từ Trung Đông bị gián đoạn. Việc Mỹ gia tăng sản xuất dầu đá phiến giúp nhu cầu nhập khầu dầu từ Ả-rập Xê-út của Washington chỉ bằng 1/3 so với thời điểm năm 2003.
Nhưng ít bí tổn thương không có nghĩa là bất khả xâm phạm. Vẫn có một mức giá toàn cầu cho dầu và Ả-rập Xê-út vẫn là nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Do đó, nếu nguồn cung từ Riyadh gián đoạn, người tiêu dùng và các ngành công nghiệp trên toàn thế giới sẽ nhanh chóng cảm nhận được tác động.
Lỗ hổng của các cơ sở dầu mỏ của quốc gia Trung Quốc Đông này cũng nhanh chóng bị bộc lộ sau vụ tấn công. Nếu cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay không người lái như các báo cáo ban đầu, nó cho thấy thực tế đáng báo động rằng các cơ sở công nghiệp tiên tiến dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công bằng các loại vũ khí mới, rẻ tiền và ngày càng phổ biến. Riyadh từ đó có lý do để lo ngại về sự an toàn cho nguồn cung cấp nước của họ. Ả-rập Xê-út lấy một nửa lượng nước uống từ các cơ sở khử muối mà một trong số đó từng bị nhắm mục tiêu trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào tháng 6/2018.
Mặc dù chi tiêu quân sự mạnh tay, Riyadh vẫn không thể thắng thế trong cuộc chiến tàn khốc ở Yemen nên gần như chắc chắn họ không muốn đối đầu với đối thủ mạnh như Iran, quốc gia sở hữu tiềm lực quân sự đáng gờm kể cả khi Tehran có thực sự đứng sau vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của nước này. Vì vậy, dù ủng hộ nhiệt tình các chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump với Iran, quốc gia này không mấy khi đả động tới khả năng phát động một cuộc chiến với Iran.
Về phần mình, Iran cũng muốn tránh một cuộc xung đột toàn diện, kịch bản sẽ khiến quốc gia này hứng chịu hỏa lực từ các nước láng giềng Vùng Vịnh được vũ trang tốt và hơn hết là đòn tấn công tới từ cường quốc quân sự như Mỹ.
Trong những tháng gần đây, người Iran liên tục gia tăng các hành động mạnh tay như bắt tàu chở dầu phương Tây đi quan Vùng Vịnh và có thể là khuyến khích nhóm vũ trang Houthi ở Yemen tấn công các mục tiêu mềm ở Ả-rập Xê-út. Nhưng các động thái này được các nhà quan sát nhận định là để chứng minh Iran không bất lực trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Người Iran cũng cố gắng tìm kiếm các đòn bẩy trước khi nối lại đàm phán với Mỹ.
Với Tổng thống Trump, dù khẳng định sẵn sàng mạnh tay với Iran, nhưng ông gần đây cho thấy bản thân rất muốn tiến tới một bước đột phá ngoại giao với Tehran. Một lý do quan trọng khiến ông sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cuối tuần trước là vì ông này duy trì quan điểm quá cứng rắn với quốc gia Trung Đông và phản đối đề xuất dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi bắt đầu đàm phán. Một cuộc tấn công Iran chắc chắn cũng sẽ tước đi những lá phiếu quan trọng của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Rõ ràng, tất cả đều có những lợi ích kinh tế và chiến lược để không đẩy Vùng Vịnh tới bờ vực chiến tranh. Nhưng điều đáng lo ngại là các bên đều cho thấy họ là những người thất thường, cảm tính và khó dự đoán.
Bình luận