Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2017 vừa được gửi tới Quốc hội. Báo cáo này nêu quan ngại về tình hình sức khỏe của các ngân hàng 0 đồng sau 2 năm được mua lại.
Ba ngân hàng gồm Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu là các đơn vị yếu kém không thể tự tái cơ cấu và đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Sau khi được mua lại, các đơn vị này được chuyển đổi từ ngân hàng thương mại cổ phần sang Ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu. Hai trong số 3 đơn vị này không công bố báo cáo tài chính sau khi được mua lại, chuyển đổi hình thức sở hữu.
Theo Kiểm toán Nhà nước, thực trạng tài chính của 3 nhà băng này sau 2 năm được mua lại 0 đồng vẫn không được cải thiện. Hoạt động kinh doanh của số ngân hàng này tiếp tục thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng.
"Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều nghìn tỷ đồng", báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu.
Tính toán của Bộ Tài chính, việc các nhà băng này được mua lại giá 0 đồng đã khiến thất thoát vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước tại đây. Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất khoảng 800 tỷ đồng tại OceanBank, Tổng công ty Lương thực miền Nam là 1,3 tỷ đồng tại VNCB...
Sau quá trình cơ cấu không hiệu quả, Chính phủ đã nhất trí dừng mua ngân hàng giá 0 đồng.
Cũng theo báo cáo, kiểm toán tại 22 dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), Kiểm toán Nhà nước phát hiện 6/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
Cơ quan kiểm toán phát hiện gần một nửa trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km. Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.000 tỷ đồng.
Video: Cảnh báo, xuất hiện thêm mã độc tấn công các tài khoản ngân hàng
Tại 13 tập đoàn, tổng công ty Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều tồn tại, sai sót trong công tác quản lý tài chính, tài sản công. Số doanh nghiệp này phát sinh nợ phải thu khó đòi; xác định giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu không chính xác dẫn đến thiếu giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã được Kiểm toán Nhà nước chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra, gồm dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ dầu khí Hoàng Ngân và Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cùng các cá nhân liên quan.
Bình luận