(VTC News) – Trong văn bản gửi tới chủ đầu tư và nhà thầu chính của Keangnam, CA Huyện Từ Liêm đã khẳng định: Nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn liên tiếp thời gian qua là do Keangnam quá chú trọng đến tiến độ, thiếu đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn lao động cho người lao động trong lúc thi công…
Ngay sau khi anh Vũ Tiến Lâm, cán bộ kỹ thuật đang tham gia xây dựng của tòa nhà Keangnam tử vong ngày 22/2 vừa qua, phóng viên VTC News đã liên lạc với trụ sở của Keangnam Vina. Tuy nhiên, theo nhân viên hữu trách của đơn vị này, người có tư cách phát ngôn của Keangnam Vina hiện không có ở văn phòng, phóng viên có thể để lại số điện thoại và nên chủ động liên lạc lại (không biết thời gian nào? - pv) .
Đến chiều 25/2, khi chúng tôi đến trụ sở của Keangnam Vina để liên hệ công tác, các nhân viên tại đây cho biết, lãnh đạo của họ hiện đang làm việc với lãnh đạo CA Huyện Từ Liêm và lãnh đạo CATP Hà Nội về sự việc xảy ra ngày 22/2. Do vậy, phóng viên có thể gửi câu hỏi bằng văn bản bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh(?)
Được biết, trường hợp của anh Vũ Tiến Lâm không phải là trường hợp tử vong đầu tiên trong khi tham gia xây dựng tại tòa nhà Keangnam. Trước đó, vào tháng 7/2009 có 4 người lao động tử vong và 3 người lao động bị thương tại công trình do nhà thầu phụ Cofico và Hòa Bình thi công.
Ngày 1/2/2010, một công nhân ký hợp đồng làm thuê cho nhà thầu Sanjin VN cũng đã bị thương khi đang lắp điện. Ngày 3/2/2010, một công nhân đã tử vong trong khi lao động vệ sinh đường ống thép bơm bê tông thương phẩm lền sàn 29 của tòa 70 tầng.
Sau khi các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra tại tòa nhà Keangnam, mới đây, CA Huyện Từ Liêm đã phối hợp với Thanh tra An toàn Lao động điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Trong văn bản kiến nghị gửi tới chủ đầu tư Keangnam Vina và nhà thầu chính Keangnam Enterprises Co., LTD ngày 6/2/2010, CA Huyện Từ Liêm đã chỉ ra nguyên nhân gây tổn thất về vật chất, về con người trong các công trình tại tòa nhà Keangnam thời gian qua là do: "Quá chú trọng đến tiến độ, thiếu đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn lao động cho người lao động trong lúc thi công. Không bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn lao động hoặc nếu có cũng chỉ là danh nghĩa, hình thức, thực chất thường là cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm. Thiết bị bảo hộ lao động không được trang bị đồng bộ cũng như không có sự kiểm tra đôn đốc, giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật lao động trên công trường".
Cũng theo văn bản kiến nghị này, CA Huyện Từ Liêm yêu cầu các nhà thầu thi công xây dựng công trình KeangNam Hanoi Landmar Tower "không được buông lỏng công tác kiểm tra, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trên công trường.
Các cán bộ kỹ thuật, công nhân ký hợp đồng phải được tổ chức tập huấn để được cấp chứng chỉ về an toàn vệ sinh lao động. Chủ đầu tư, nhà thầu không được thực hiện việc ký hợp đồng khoán trắng khối lượng phần nhân công đối với nhóm, tổ thợ lao động tự do mà không có sự giám sát tổ chức thi công".
Ngoài ra, CAH Từ Liêm cũng khuyến cáo, khi có sự cố tai nạn thiệt hại về vật chất, về con người, đơn vị thi công phải khai báo kịp thời, cung cấp chính xác về diễn biến sự việc, bảo vệ giữ nguyên hiện trường. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan năng để giải quyết, đề phòng tai nạn lặp lại...
Thu Hiền
Bình luận