Anh Joey (đã đổi tên), phụ trách Truyền thông - Marketing của một trường quốc tế tại Hà Nội, cho hay hiện tồn tại trường quốc tế và bán quốc tế (semi-international school), nhưng đều được gọi tên là trường quốc tế.
Trường quốc tế 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động điều hành dưới sự quản lý của Sở GD&ĐT.
Trường quốc tế thật và "dởm"
Người nhiều năm làm việc tại Hà Nội này cho biết các trường phổ thông có chương trình liên kết, triển khai chương trình quốc tế song song với chương trình của Việt Nam, theo quy định, cũng phải báo cáo Sở GD&ĐT.
Các trường có 50% thời lượng học là chương trình Việt Nam và 40%-50% còn lại theo chương trình quốc tế, thường được gọi là song ngữ, bán quốc tế.
"Những cơ sở khác không thuộc hai loại hình trên mà tự xưng trường quốc tế là giả mạo”, anh Joey nói.
Người này lấy ví dụ cụ thể về chương trình quốc tế phổ biến nhất ở Hà Nội, cũng như ở Việt Nam hiện nay, là Cambridge (Hội đồng Khảo thí Giáo dục Cambridge - Cambridge Assessment International Education ban hành).
Mạng lưới trường Cambridge quy tụ hơn 10.000 cơ sở giáo dục ở 160 quốc gia trên thế giới. Đây cũng là chương trình bị mạo danh hoặc tự xưng là “trường quốc tế Cambridge” nhiều nhất. Để dễ phân biệt, phụ huynh cần biết hội đồng trên công khai danh sách các trường được công nhận quốc tế Cambridge trên website của mình.
Ngoài ra, theo anh Joey, vài năm gần đây, các trường công lập của Hà Nội có dạy chương trình song bằng, có lớp đào tạo chương trình quốc tế Cambridge nhưng không nằm trong danh sách mà Hội đồng Khảo thí Giáo dục Cambridge công nhận là thành viên.
TS Đàm Quang Minh - Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) - cho biết trường quốc tế tại Việt Nam hiện được phân chia theo chương trình học, nên các yếu tố về vốn đầu tư, tư cách pháp nhân… không phải yếu tố quyết định.
Ông Minh cho rằng hiện nay có hai loại hình. Thứ nhất, chương trình quốc tế 100%, dạy theo Tú tài Quốc tế (IB) hoặc Cambridge. Thứ hai, song ngữ quốc tế dạy chương trình Việt Nam có tích hợp quốc tế mà nhiều người thường gọi nôm na là bán quốc tế. Nhiều trường chỉ dạy chương trình quốc tế, có nơi dạy cả hai chương trình nhưng cũng có đơn vị chỉ dạy song ngữ.
TS Đàm Quang Minh thừa nhận chất lượng các trường quốc tế khó kiểm chứng hoàn toàn. Có nhiều trường gắn tên quốc tế nhưng chương trình giảng dạy lại hoàn toàn khác, chỉ mượn danh để thu học phí cao.
Không phải trường quốc tế có được đặt tên là quốc tế?
Giải thích cho việc xuất hiện tràn lan các trường quốc tế, chị Nguyễn Quỳnh Trang (đã đổi tên) - Phó hiệu trưởng một trường quốc tế tại TP.HCM - cho hay chị cũng không tìm được quy định cụ thể nào về việc đặt tên trường quốc tế. Chất lượng đào tạo của các trường ra sao cũng khó kiểm chứng.
Hiện nay, trường quốc tế thường tham gia các chương trình kiểm định quốc tế khác nhau. Phổ biến có chương trình kiểm định của các tổ chức độc lập đến từ Mỹ, Anh, hoặc của tổ chức các trường quốc tế (CIS).
Chương trình kiểm định của CIS có nhiều yêu cầu khắt khe. Đạt được sự kiểm định của tổ chức này là một sự bảo chứng cho chất lượng giảng dạy của các trường.
Như vậy, các trường tự tìm kiếm sự kiểm định về chất lượng cho mình, thông qua các tổ chức khác nhau.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho hay nguyên nhân dẫn đến chất lượng các trường quốc tế "vàng thau lẫn lộn" là không có quy định chặt chẽ như thế nào là trường quốc tế, tiêu chuẩn để đặt tên trường hay chất lượng của trường quốc tế.
“Hiện, trường quốc tế chỉ như tên riêng kiểu cha mẹ đặt cho con trong giấy khai sinh. Điều này khiến nhiều trường dựa vào danh xưng quốc tế để thu học phí cao”, ông Khuyến nêu quan điểm.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng chính việc không rõ ràng trong quản lý khiến phụ huynh dễ bị lừa. Ông khuyên cha mẹ muốn cho con học hãy xem chương trình đào tạo, chất lượng của trường, chứ đừng chỉ quan tâm tên gọi "trường quốc tế".
Không học được chương trình Việt Nam, không đạt chuẩn quốc tế
Anh Joey thông tin những trường quốc tế 100% vốn đầu tư từ nước ngoài hoàn toàn theo chương trình tiếng Anh, chỉ phải học môn Việt Nam học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Những trường này thường nhận chủ yếu là học sinh có quốc tịch nước ngoài. Học phí ở mức “siêu cao", từ 300-500 triệu đồng/năm.
Các trường bán quốc tế thường có đông học sinh Việt Nam theo học hơn, với học phí 100-200 triệu đồng/năm. Phụ huynh thường mong muốn con được trang bị tiếng Anh, kỹ năng học tập để có thể du học. Trong bất kỳ trường hợp nào (kinh tế gia đình sụt giảm, thay đổi nhu cầu), con vẫn sở hữu các chứng chỉ, bằng cấp Việt Nam.
Các trường này phải chia đôi thời lượng 40 tiết/tuần, trong đó 40%-50% tiết dạy chương trình nước ngoài, còn lại là chương trình Việt Nam. Trường phải đảm bảo cân bằng khối lượng, thời lượng chương trình Việt Nam với quốc tế, gồm các môn như Toán, Khoa học, ICT bằng tiếng Anh, cũng như tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất/thứ hai… Học sinh vẫn làm các bài thi, kiểm tra, thi tốt nghiệp theo chương trình của Việt Nam như bình thường.
Lợi thế của học sinh trường bán quốc tế là trong bất kỳ tình huống nào, các em vẫn theo học được chương trình phổ thông tại Việt Nam, nếu như không du học hay học chương trình quốc tế nữa.
Ngoài ra, nhờ được tăng cường tiếng Anh và thi chứng chỉ IELTS ngay trong trường phổ thông, khi đạt trình độ nhất định (từ 4.0 IELTS), các em được miễn thi tốt nghiệp môn này, quy ra điểm 10.
Từ thực tế đó, theo anh Joey, nếu các trường bán quốc tế không sắp xếp chương trình học hợp lý, cân bằng, sẽ dẫn đến tình trạng “nửa Tây nửa Việt". Học sinh không theo được chương trình Việt mà cũng không đạt được chuẩn quốc tế.
"Học trường quốc tế không chỉ có tiếng Anh, mà còn là văn hoá, kỹ năng, hấp thụ tư duy, phương pháp của người phương Tây… Đó là lý do nhiều gia đình, dù kinh tế khá giả, nhưng nếu con không phù hợp, cũng không thể theo học trường quốc tế hay du học", anh Joey nói.
Bình luận