Không riêng trường hợp cô đồng T.H. “bổ cau xem bói”, trên mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện nhan nhản những người tự xưng là cô, cậu, thầy... nhận xem bói online tính phí.
Chỉ cần lướt Facebook, TikTok, YouTube, Zalo…, người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt những trang xem bói online, số người theo dõi các tài khoản này lên đến hàng trăm nghìn người. Đặc biệt, những ngày đầu năm mới, dịch vụ xem bói online càng nở rộ trên mạng xã hội.
Cô đồng T.H. xôn xao mạng xã hội những ngày qua.
Làm lệch lạc niềm tin, lý tưởng của con người
Trả lời PV VTC News về thực trạng này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, với từng việc cụ thể có thể có những lý giải riêng, nhưng nhìn tổng quát những hoạt động bói toán qua mạng thuộc về mê tín dị đoan.
Ông Vĩ phân tích, tiến trình phát triển lịch sử của nhân loại từ mê muội, dã man đến văn minh, nhân văn. Sự phát triển này là một quá trình lâu dài và vượt qua rất nhiều thử thách.
“Những mê tín dị đoan về cơ bản là đi ngược lại tiến trình phát triển tốt đẹp và quy luật phổ quát. Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển hiện đại, khoa học và văn minh xã hội, tạo nên sức ỳ to lớn cho sự phát triển, chưa kể ảnh hưởng đến nhận thức về khoa học kỹ thuật và tinh thần nhân văn của con người”, ông Vĩ nói.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông nêu thực trạng người dân chia sẻ về những giá trị của đời sống tâm linh, bói toán đã tồn tại hàng nghìn năm qua.
“Trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay, sự nở rộ của các hình thức bói toán trực tuyến là điều có thể nhìn nhận ra. Nhưng lợi dụng, đánh vào sự mê tín, sự hy vọng, kỳ vọng quá mức vào thế giới tâm linh hòng trục lợi từ người khác là vấn đề đáng phải lên án, bài trừ”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông nhận định, có hai nguyên nhân khiến xem bói online trở nên phổ biến, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Trước tiên đó là tính hiếu kỳ, sự tò mò, giới thiệu truyền miệng từ người này qua người kia. Nguyên nhân nữa, xuất phát từ việc chúng ta mong muốn tìm kiếm nguồn năng lượng mới, một số người coi việc xem bói như liều thuốc trấn an tinh thần, đặc biệt là trong dịp năm cũ qua, năm mới tới.
“Tất nhiên chúng ta không có quyền cấm cản ai đó đi theo một đức tin, nhưng nếu thực trạng này biến tướng thành mê tín dị đoan sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống xã hội. Cụ thể, làm cho niềm tin, lý tưởng của con người bị lệch lạc. Nếu bị cuốn theo nó sẽ phung phí thời gian, phân tán nhận thức, suy nghĩ của con người, không để tâm đến lao động, sản xuất…”, ông Đạt nói.
Lợi dụng, đánh vào sự mê tín, sự hy vọng, kỳ vọng quá mức vào thế giới tâm linh hòng trục lợi từ người khác là vấn đề đáng phải lên án, bài trừ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt
Văn hóa độc hại lan rộng khi người trẻ “đu trend”
Bình luận vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ, công nghệ thông tin phát triển với sự đa dạng của nền tảng mạng xã hội, nhiều người trước kia hành nghề bói toán “offline”, bí mật thì nay họ lên mạng để truyền bá, cung cấp và thỏa mãn nhu cầu về niềm tin tâm linh của cộng đồng.
Theo ông Nam, việc đấu tranh với hoạt động bói toán, mê tín dị đoan trong xã hội đã khó rồi, giờ đây lên trên mạng xã hội còn khó hơn. Thông tin trên mạng chỉ cần vài cú nhấp chuột sẽ lan tỏa rất nhanh, gây ảnh hưởng đến rất nhiều người trẻ, đặc biệt những người không có năng lực tư duy phản biện.
“Trình độ văn hóa hạn chế, năng lực tư duy phản biện không cao nên khi nghe những thông tin về bói toán như vậy thì nhiều người không có sự phản biện sẽ vẫn tin”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn ví dụ, thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện video của cô đồng T.H. ở Hải Dương vừa bổ cau vừa bói với câu nói “đúng nhận, sai cãi”. Từ đó, nhiều người đã “đu trend” làm những video với nội dung mang tính giễu nhại, giải trí để thu hút sự chú ý của cộng đồng.
“Những người “đu trend” này cũng không có xu hướng tích cực gì cả bởi khi có một số video giễu nhại càng làm cho mọi người tò mò. Sự tò mò này kích thích chúng ta tìm kiếm video gốc”, ông Nam phân tích.
Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng clip đầu tiên, tài khoản TikTok của cô đồng T.H. "đúng nhận, sai cãi" bổ cau xem bói hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi. Các video đăng tải cũng nhận được lượt xem lớn, trong khoảng từ 100.000 đến vài triệu lượt xem, có video gần 11 triệu lượt xem.
“Làm video theo trend như vậy trở thành một dạng tuyên truyền mê tín dị đoan, giúp văn hóa độc hại lan rộng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, từ lâu, vấn đề lan truyền thông tin có các nội dung tiêu cực, sai sự thật hay những trào lưu xấu xí đã trở nên nhức nhối trên mạng xã hội. Việc like, share, cover thông tin qua các nền tảng mạng xã hội đối với đa phần người dùng vẫn chưa được coi trọng.
Các bạn trẻ hùa theo, bắt trend bổ cau, "đúng nhận, sai cãi".
TikToker Long Chun cover trend "đúng nhận sai cãi".
Nâng cao vai trò đơn vị văn hóa cơ sở
Nêu giải pháp ngăn chặn những hình thức xem bói online, mê tín dị đoan…, ông Nguyễn Hùng Vĩ nhìn nhận, không thể kỳ vọng một thực trạng như thế này trong tổng thể tín ngưỡng có thể “dứt điểm”, mà chỉ có thể theo thời gian, ý thức pháp luật, tinh thần pháp luật ngày càng được thấm nhuần trong xã hội.
Đồng thời, sự phát triển khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, tinh thần nhân văn càng nâng cao thì những tiêu cực của mê tín dị đoan càng giảm dần.
Nhà nghiên cứu văn hóa này nêu rõ, trong những giải pháp chung về phát triển văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi phát biểu ở Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2011, đã chỉ ra một trong bốn giải pháp là: “Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
“Chúng ta rút ra là con người hành động trực tiếp có một vai trò rất lớn trong việc thực thi pháp luật, bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng một nền văn hóa chân - thiện - mỹ như kỳ vọng của dân tộc, của Nhân dân”, ông Vĩ nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, vai trò của các đơn vị làm nhiệm vụ văn hóa - tư tưởng là vô cùng quan trọng. Cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhận thức pháp luật một cách đồng bộ với sự chung tay của đơn vị văn hóa cơ sở từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh/thành phố…
“Nếu làm lẻ tẻ riêng biệt, chỗ này làm tốt, chỗ kia hời hợt thì mê tín dị đoan vẫn diễn ra. Chúng ta cũng không thể dẹp theo kiểu trấn áp mà phải kết hợp rất hài hòa, uyển chuyển giữa công tác giáo dục, tuyên truyền... Tránh tình trạng đánh trống, bỏ dùi”, ông Đạt nêu rõ.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ càng không nên a dua với những trào lưu tiêu cực, phản cảm, lan truyền những điều này trên mạng xã hội.
“Cuối tháng 12/2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát hành Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Dựa vào đó, chúng ta cần tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả, cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp nhằm hạn chế sự phát tán và ảnh hưởng của tin giả”, PGS.TS Trần Thành Nam nói thêm.
Bói toán online tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok...
Hành nghề bói toán có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - cho rằng, hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín dị đoan khác đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 15, Nghị định 158/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Tiếp đó, Nghị định số 38/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo tại điểm đ, khoản 7, Điều 14 có quy định phạt tiền 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan.
Trường hợp người dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự về tội Hành nghề mê tín, dị đoan. Khung phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, tại Điều d khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định, nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để hoạt động tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng hành nghề bói toán còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận