Đây được coi là dấu mốc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cổng dịch vụ công của Bộ này.
Bốn năm trước, Bộ Y tế kết hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ DTT thực hiện dịch vụ công đầu tiên mức 4 rất thành công. Tới nay, Bộ xây dựng và đưa vào vận hành trên 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong các lĩnh vực An toàn thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm, Trang thiết bị y tế, Khoa học công nghê, Khám chữa bệnh, Môi trường Y tế…
Nói về vai trò của dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Với việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp thì việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến đóng vai trò quan trọng”.
Tuy nhiên, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế chưa được xây dựng thành hệ thống tích hợp, thống nhất; người dân, doanh nghiệp vẫn phải sử dụng nhiều account, truy cập vào các địa chỉ Internet khác nhau để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; các dữ liệu đã có trên hệ thống không sử dụng lại được. “Việc này chưa tạo thuận lợi tốt cho công tác quản lý của ngành”. Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, từ cuối năm 2018 Bộ Y tế khẩn trương xây dựng cổng dịch vụ công Bộ Y tế theo nguyên tắc tập trung, thống nhất để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế; kết nối, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, sẵn sàng kết nối với cổng dịch vụ công các Bộ/ngành, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Cổng dịch vụ công Bộ Y tế cũng tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế; các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan; có khả năng kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin khác của các cơ quan nhà nước; có khả năng tiếp nhận, kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính thông qua các phương tiện điện tử, truyền thông, mạng xã hội.
Tham gia cùng Bộ Y tế trong suốt thời gian xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến, CEO của Công ty Cổ phần DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng cổng dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp tạo sự minh bạch trong xử lý công việc, hướng tới phục vụ người dân doanh nghiệp một hiệu quả, tiến tới y tế thông minh, Chính phủ số và xã hội số.
Cổng dịch vụ công Bộ Y tế đi vào hoạt động sẽ cho phép công dân, doanh nghiệp dễ dàng nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết thủ tục hành chính của mình mà không phải đến tận nơi cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, công dân/doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch, thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình.
Ngoài ra, Cổng dịch vụ công Bộ Y tế còn giúp cải tiến, nâng cấp và đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nhằm từng bước cải thiện sự phục vụ công dân/doanh nghiệp với chất lượng và hiệu quả tốt nhất; đồng thời tiết kiệm được chi phí do tập trung quản lý tại một hệ thống duy nhất.
Hiện nay, Bộ Y tế là một trong 3 Bộ tiên phong kết nối cổng dịch vụ công của Bộ với cổng dịch vụ công quốc gia và thử nghiệm kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến địa phương (Bắc Ninh). Cổng dịch vụ công này cũng sẽ được liên thông, kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Y tế, cổng một cửa quốc gia và tới các địa phương trong cả nước.
Bình luận