Những ngày cuối năm, khắp các con phố, ngõ nhỏ ở Hà Tĩnh đều tràn ngập màu sắc rực rỡ của những cây nêu cao chọc trời.
Theo quan niệm dân gian, cây nêu được người dân dựng ngay trước cổng nhà từ ngày 23 (Âm lịch), dùng để xua đuổi ma quỷ, cầu cho những điều may mắn đến với gia đình mình trong năm tới.
Thú chơi cây nêu ngày nay đã kéo theo một số dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dịp Tết. Để phục vụ cây nêu cho thị trường Tết năm nay, gia đình ông Trần Hữu Sáng (65 tuổi, trú xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) phải thuê thêm 2 thanh niên và làm việc suốt ngày đêm để đủ hàng cho khách.
“Từ ngày 20 âm lịch cho đến nay lượng khách đặt cây nêu nhiều nên chúng tôi phải làm việc luôn tay. Mỗi ngày nhóm thợ có thể hoàn thành 10-15 cây nêu cho khách, mỗi người có thể thu về 800.000-1.000.000 đồng/ngày”, ông Sáng cho hay.
Để có những cây nêu cao và dáng thẳng đẹp, người dân thường chọn loại tre già và không bị cụt phần ngọn. Sau khi chặt tre, người dân loại sạch nhánh và chừa lại một ít lá ở ngọn cây.
Thân cây nêu được người dân trang trí bằng lá cây đủng đỉnh bọc quanh từ gốc lên đến ngọn. Muốn có lá đủng đỉnh, mọi người phải vào rừng chặt hoặc mua với giá 200.000-220.000 đồng mỗi bó.
Để lá cây đủng đỉnh không bị bung ra, người thợ dùng dây rút để cố định chúng lại.
Sau khi bọc xong lá đủng đỉnh là công đoạn cuốn đèn led trang trí. Người thợ sẽ cuốn xoay vòng theo thân cây nêu từ gốc cho đến ngọn.
Trên ngọn cây nêu người dân thường gắn cờ tổ quốc hoặc đèn lồng đỏ.
Để dựng được cây nêu lên cần phải có sự hợp sức của 2-3 người sức khỏe tốt.
Mỗi cây nêu hoàn chỉnh có giá từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng bao gồm cả tiền công.
Sau khi hoàn thành, cây nêu sẽ được dựng lên trước cửa nhà. Vào buổi tối những cây nêu phát sáng lung linh, tạo nên không khí Tết đầm ấm.
Bình luận