Diễn đàn

Kỳ 4: Bộ trưởng GD&ĐT: Cần các bộ, ngành chung tay ngăn làn sóng giáo viên nghỉ việc

Thứ Bảy, 12/08/2023 14:47:00 +07:00

(VTC News) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT đang rất nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp tăng phụ cấp, giảm áp lực công việc cho giáo viên, rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ cơ bản thống nhất đề xuất tăng mức phụ cấp cho giáo viên lên thêm 5 - 10%. Phương án này đang chờ sự chấp thuận của Bộ Tài chính trước khi trình Chính phủ trong thời gian tới. Ông mong các bộ, ngành xem xét, ủng hộ để mức phụ cấp “nhỏ nhưng ý nghĩa lớn” sẽ sớm được thực hiện để đời sống giáo viên được tốt hơn, sống và bám trụ được với nghề, góp phần ngăn làn sóng chuyển việc.

Nỗ lực ngăn giáo viên nghỉ việc

- Tính đến tháng 8/2023, cả nước khoảng hơn 9.000 thầy cô chuyển việc (năm 2022 là hơn 10.000 giáo viên nghỉ), chủ yếu giáo viên mầm non. Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá như thế nào về tình hình này?

Trong năm qua, Bộ GD&ĐT thống kê số lượng giáo viên nghỉ việc khoảng hơn 9.000 người. Nguyên nhân chính do áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở) khiến một bộ phận giáo viên nghỉ việc đi xuất khẩu lao động, làm thuê ở các khu công nghiệp, làm tự do.

Bên cạnh đó, tình hình tuyển dụng mới ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt, giao Chính phủ bố trí hơn 27.000 biên chế/tổng số hơn 65.000 biên chế giáo viên, bù đắp được phần nào nhu cầu tuyển dụng.

Kỳ 4: Bộ trưởng GD&ĐT: Cần các bộ, ngành chung tay ngăn làn sóng giáo viên nghỉ việc - 1

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. 

Tuy nhiên, so với số lượng còn thiếu thì con số này vẫn khiêm tốn, chưa giải quyết được căn bản tình trạng thiếu giáo viên. Do đó, quan trọng nhất là làm sao có đủ giáo viên; làm sao để thầy cô thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới.

Để ngăn được làn sóng giáo viên nghỉ việc, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực. Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn và nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp để thầy cô giảm bớt khó khăn, đặc biệt ở những môn học tích hợp cấp THCS.

Bộ GD&ĐT đồng thời đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng giáo viên mầm non theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ, đặt ra yêu cầu đến năm 2030 thầy cô phải đạt chuẩn. Đó cũng được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt cho môn Tin học, Ngoại ngữ.

Một số công việc quan trọng khác Bộ GD&ĐT đang triển khai như phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học; đề xuất thêm chính sách để các tỉnh khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn có thể thu hút, tuyển được giáo viên.

Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe giáo viên chia sẻ và chúng tôi sẽ rà soát và trao đổi phối hợp với các bộ, ngành để vấn đề nào xử lý được sớm sẽ xử lý ngay, đặc biệt là những quy định liên quan đến chế độ chính sách dành cho nhà giáo.

- Bộ trưởng từng thông tin “đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại”. Liệu rằng đây có phải là một trong những giải Bộ GD&ĐT đưa ra để thu hút, giữ chân giáo viên?

Giáo viên mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

Lao động của giáo viên mầm non có những đặc thù riêng với nhiều khó khăn và áp lực. Nếu giáo viên các bậc học phổ thông thiên về dạy dỗ thì giáo viên mầm non ngoài dạy dỗ còn thêm chăm sóc, nuôi dưỡng. Cứ hình dung trong mỗi gia đình việc chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ giai đoạn đầu đời vất vả ra sao thì sẽ thẩu hiểu cho sự nhọc nhằn của giáo viên mầm non khi một lớp hàng chục cháu, thậm chí vài chục cháu.

Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong ngày khá dài do phải đón trẻ sớm, trả trẻ muộn, phụ thuộc vào nhu cầu của bố mẹ trẻ để đảm bảo thời gian làm việc tại cơ quan, đơn vị sản xuất. Trong giờ học giáo viên phải vận động nhiều (múa hát, hướng dẫn hoạt động ngoài trời, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân cho trẻ…). Ngoài ra, áp lực về tinh thần như trẻ quấy khóc, nhõng nhẽo, tranh giành đồ chơi… hay yêu cầu đảm bảo an toàn cho trẻ rất cao. Vì vậy, ở độ tuổi sau 50, giáo viên càng khó khăn hơn với yêu cầu công việc.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều ý kiến của địa phương, cử tri cũng như đại biểu Quốc hội đề nghị giáo viên mầm non cần được nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện nay do đặc thù nghề nghiệp. Năm 2020, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức thăm dò ý kiến của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy. Kết quả 96% người được hỏi chọn tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi, chỉ 4% chọn tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.

Do vậy, việc đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của giáo viên mầm non, nhu cầu được nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục.

Bộ trưởng GD&ĐT sẵn sàng lắng nghe chia sẻ, tâm tư của giáo viên cả nước.

Bộ trưởng GD&ĐT sẵn sàng lắng nghe chia sẻ, tâm tư của giáo viên cả nước.

Trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non phải thực hiện nhiệm vụ nặng nề, chịu nhiều áp lực về tâm lý, gây căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, tháng 12/2022, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xin ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (sửa đổi bổ sung Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020), Bộ GD&ĐT đã đề xuất bổ sung một số đối tượng vào Danh mục, trong đó có giáo viên mầm non.

Nếu được bổ sung vào danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ có căn cứ để đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm đối với giáo viên mầm non.

Cần sự chung tay của các bộ, ban, ngành

- Ngoài kiến nghị “xem xét đưa giáo viên trở thành nghề nặng nhọc, độc hại”, Bộ GD&ĐT đang có những kiến nghị, nghiên cứu nào khác nhằm tăng trợ cấp, hỗ trợ để các thầy cô bám trụ, sống được với nghề?

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ, khắc phục dần khó khăn đối với giáo viên. Trong đó đặc biệt chú trọng giáo viên mầm non như: chế độ về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ đề xuất tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non và đề xuất chính sách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/CP, trong đó ưu tiên đối với giáo viên.

Theo đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ…

Dù mức tăng này chưa như kỳ vọng ban đầu 10 - 25%, nhưng đó cũng là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho hàng triệu giáo viên được tăng thu nhập, đời sống đảm bảo và giải được bài toán làm thế nào để thu hút và giữ chân giáo viên ở lại với nghề. Do đó, tôi rất mong các bộ, ngành xem xét, ủng hộ để mức phụ cấp “nhỏ nhưng ý nghĩa lớn” sẽ sớm được thực hiện.

Với giáo viên mầm non trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được thanh toán tiền mua tài liệu học tập tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số và được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng...

Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo (Luật Giáo dục 2019). Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10 thay vì 1,86 như trước đây.

Ngoài ra, để giúp giáo viên mầm non ngoài công lập khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập; kết quả đã hỗ trợ gần 50 nghìn giáo viên với kinh phí gần 160 tỷ đồng.

Kỳ 4: Bộ trưởng GD&ĐT: Cần các bộ, ngành chung tay ngăn làn sóng giáo viên nghỉ việc - 3

Bộ GD&ĐT đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp tăng phụ cấp, giảm áp lực công việc cho giáo viên, rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành.

- Có thể thấy, Bộ GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực để tăng lương, phụ cấp, giúp giáo viên sống được với nghề, ngăn làn sóng nghỉ việc, đặc biệt là giáo viên mầm non. Những nỗ lực này đã mang lại thay đổi như thế nào về chế độ đãi ngộ của giáo viên, thưa ông?

 Mặc dù đã có nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên được ban hành, tuy nhiên phải thừa nhận chế độ đãi ngộ đối với giáo viên hiện nay vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nguyên nhân là do giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập nằm trong hệ thống viên chức nên việc thực hiện chính sách về tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo quy định chung.

Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo mang tính đặc thù cao. Sản phẩm của hoạt động này chính là nguồn nhân lực để phục vụ cho các ngành, nghề, lĩnh vực khác. Mặc dù đã có sự quan tâm đối với đặc thù của ngành, giáo viên đã được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi trong lương nhưng mức lương của giáo viên hiện nay vẫn đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức một số ngành khác trong điều kiện làm việc tương đồng.

Mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên cũng đang thấp hơn viên chức một số ngành nghề khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.

Nhìn chung, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên. Thu nhập thấp đang là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giáo viên không yên tâm công tác, bỏ nghề, chuyển việc, bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.  

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn