Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2019, 2020, thậm chí tới năm 2022.
"Hiện nay, trong năm 2019, 2020, dự báo các thuỷ điện của chúng ta không đủ điều kiện tích nước để phát điện đủ công suất, một trong những nguyên nhân là do thời tiết bất lợi.
Chúng ta cũng đang phải nhập khẩu khối lượng lớn than, 20 triệu tấn than năm 2020, 35 triệu tấn than năm 2025. Đến nay, chúng ta cũng không có đủ khí cho phát điện khu vực Đông Nam Bộ và một số dự án ở Tây Nam Bộ bị chậm trễ. Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương và các bộ ngành quyết liệt có phương án bảo đảm đủ điện cho yêu cầu sinh hoạt và sản xuất", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trước vấn đề này, Bộ công thương đang rà soát, xây dựng kế hoạch cân đối cung cầu điện từng năm. Từ đó, Bộ lên các phương án dự tính triển khai kế hoạch. Cụ thể: Huy động tối đa nguồn công suất phát, kể cả từ than, dầu, điện khí; Căn cứ thực tế đánh giá nguy cơ thiếu điện, tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế mới về giá điện, phát triển điện tái tạo để đảm bảo có sự bổ sung thêm từ điện gió và điện mặt trời. Nếu thiếu điện trầm trọng thì cho phép huy động điện mặt trời ở vùng có phụ tải cao ở miền Đông, Tây Nam Bộ; Tiếp tục có kế hoạch cụ thể giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đàm phám, sớm có kế hoạch mua khí từ Malaysia, Thái Lan; Tính toán phương án chuyển đổi cơ cấu các nhà máy điện để có thêm công suất bổ sung.
Theo số liệu của Bộ Công thương, các năm 2021 – 2025, mức thiếu hụt điện tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.
Bình luận