Chiều 17/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức họp báo thường kỳ quý II-2018 do Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì.
Tại buổi họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục địa chất khoáng sản (Bộ TN&MT) Lại Hồng Thanh cho biết, đây là lần đầu tiên, một loại khoáng sản (cát, sỏi lòng sông) được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật về khoáng sản nhưng vẫn có nghị định riêng để điều chỉnh các hoạt động quản lý cát, sỏi lòng sông.
Cụ thể, nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước, pháp luật liên quan.
Ngoài ra, việc quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông suối sẽ được phân cấp gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, nhà nước sẽ thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành liên quan từ khi lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông.
Theo ông Lại Hồng Thanh, chính sách này nhằm kết nối các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động tập kết, vận chuyển, mua bán cát, sỏi lòng sông với phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông.
Bên cạnh đó, nhà nước sẽ đấu thầu thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, đấu giá khối lượng cát, sỏi lòng sông thu hồi được (nếu có) từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch.
“Từ nay khai thác cát, sỏi dưới lòng sông đều phải đấu giá 100%, không khai thác tự do như trước nay nữa. Bên cạnh đó, các dự án nạo vét lòng sông cũng sẽ đấu thầu, đơn vị nào muốn thực hiện cũng đều phải thông qua hình thức này. Lâu nay cũng có nhiều ý kiến dư luận về việc các đơn vị nạo vét lòng sông đã thông qua dự án để khai thác cát sỏi, thì nay khi nạo vét, khối lượng cát, sỏi thu được cũng sẽ bán đấu giá”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, cát, sỏi lòng sông là tài nguyên khoáng sản được xếp vào loại “không tái tạo được”, do vậy, nhà nước khuyến khích sử dụng các loại khoáng sản có thể sản xuất nhân tạo để thay thế cát tự nhiên và nghiêm cấm sử dụng cát, sỏi đủ chất lượng vào mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng.
Dự kiến, dự thảo nghị định về quản lý cát, sỏi lòng sông sẽ được Bộ TN&MT hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét và ban hành trước ngày 30/7 tới.
Bình luận