Ngô Quỳnh Liên chia sẻ niềm vui trở thành thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại quốc tế năm 2023. (Video: NVCC)
Tháng 6/2023, Ngô Quỳnh Liên được công nhận trở thành thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội với điểm trung bình học tập 3.66/4.0.
Niềm vui nối tiếp khi mới đây Liên nhận 2 thông báo trúng tuyển công chức vào Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp sau những vòng thi cam go.
Nữ thủ khoa chọn làm chuyên viên đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức thuộc Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp bởi đây là ước mơ cô ấp ủ đã lâu.
"Em muốn tham mưu và xây dựng đề án nhằm đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đủ trình độ, có thể tham gia vào các vụ tranh chấp thương mại quốc tế", Liên nói và tiết lộ đây cũng là đề án cô đã trình bày trong buổi phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp vào Bộ Tư pháp.
Chân dung thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023. (Ảnh: NVCC)
Tặng thành tích thủ khoa cho bố mẹ
Nữ thủ khoa muốn tặng những thành tích rực rỡ này cho bố mẹ. Cô gọi hành trình học đại học của mình là chuỗi ngày vượt qua chông gai.
Sinh ra trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ đều là lao động phổ thông, Liên luôn ý thức được bản thân phải cố gắng gấp nhiều lần người khác.
Quãng thời gian ám ảnh nhất với gia đình Liên là năm 2014, khi ấy, bố trải qua trận ốm thập tử nhất sinh do mắc bệnh lao và tim. Từ đó đến nay, sinh mệnh người bố phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc, ông mất khả năng lao động, mọi gánh nặng tài chính đều đổ lên vai mẹ.
Mỗi ngày, mẹ Liên tranh thủ dậy từ sớm tinh mơ cho cá ăn rồi lại tất bật với công việc dọn vệ sinh tại một khách sạn gần nhà. Vất vả là vậy nhưng số tiền kiếm được mỗi tháng chỉ nhỉnh 5 triệu đồng, không đủ chi tiêu tiền thuốc thang cho chồng, tiền ăn học cho ba đứa con.
Gia đình túng thiếu quanh năm, chị gái cả hơn Liên 2 tuổi đành bỏ dở giấc mơ đại học để đi làm công nhân, đỡ đần gia đình, nuôi các em ăn học.
Thương mẹ tần tảo sớm hôm, thương chị gái thiệt thòi, Liên nỗ lực học tốt, suốt ba năm phổ thông cô đều giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn, Liên đạt giải nhì năm lớp 12, giải ba năm lớp 10.
Ngoài thời gian học, Liên giúp mẹ lo chuyện vườn tược, cắt cỏ cho cá ăn, tranh thủ chỉ dạy em trai làm bài tập. Khi ấy, cô gái quê Hải Dương luôn thầm động viên bản thân vượt khó, đỗ đại học để thoát khỏi cảnh nghèo.
Tháng 8/2019, Liên nhận giấy báo trúng tuyển ngành Luật thương mại quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội. Nữ sinh vừa mừng vừa lo về chi phí học tập, sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, gia đình lại quá khó khăn, mọi nguồn lực đều ưu tiên chữa bệnh cho bố.
Quanh năm chỉ quanh quẩn với công việc chân tay, bị bệnh tật hành hạ, bố mẹ Liên vẫn quyết tâm phải cho con đi học bằng mọi giá. "Bố mẹ động viên, chạy vạy để em yên tâm nhập học. Gia đình là động lực lớn nhất giúp em vượt qua những khoảng thời gian khó khăn nhất", Liên nhớ lại.
Vượt qua cú sốc đầu đời
Suốt 4 năm đại học, Ngô Quỳnh Liên chưa từng nghĩ sẽ trở thành thủ khoa đại học. Cho đến bây giờ, cầm trên tay tấm bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc, cô rưng rưng xúc động, nhớ lại cú sốc những ngày đầu tiên bước vào giảng đường.
Quỳnh Liên chụp ảnh cùng mẹ trong buổi trao thưởng khuyến học.
Cách học của đại học khác xa hoàn toàn với phổ thông cộng thêm áp lực tài chính khiến cô gái 18 tuổi năm ấy rơi vào bế tắc. Lên đại học, giáo viên không còn "cầm tay chỉ việc", sát sao mọi thứ, thay vào đó, sinh viên chủ yếu tự học, nghiên cứu và mở rộng vấn đề. Nếu lơ là, nữ sinh lập tức sẽ bị bỏ lại phía sau, không theo kịp nhịp học nhanh với lượng kiến thức khổng lồ.
Liên nhớ nhất quãng thời gian phải học trực tuyến do dịch COVID-19 bùng phát. Trước đó, 12 năm học phổ thông, chưa bao giờ cô tiếp xúc với hình thức học online, mọi thứ đều mới mẻ và lạ lẫm với cô gái trường làng này.
“Trong lớp có rất nhiều bạn xuất sắc, có bạn còn đạt điểm tuyệt đối đầu vào. Em lấy các bạn là động lực để phấn đấu nhiều hơn", Liên nói và thừa nhận, thời điểm đó bản thân đang ở xuất phát điểm bình thường, nếu không cố gắng chạy nhanh rất dễ bị tụt lại phía sau.
Nữ sinh nhanh chóng học cách thích nghi và đổi "chiến thuật" học tập. Trên lớp Liên chăm chú nghe giảng, chú thích lại những phần kiến thức quan trọng, nếu không hiểu bài, sẽ nhờ sự trợ giúp của giảng viên và bạn bè. Liên hiểu rằng, ngành Luật đặc thù, người học cần chủ động tương tác, tranh luận để nắm rõ bản chất, nếu hiểu sai luật thì hậu quả khó lường.
Buổi tối, cô tranh thủ đọc các hồ sơ, vụ án liên quan đến vấn đề đang học để nghiên cứu chuyên sâu. Đồng thời, nữ sinh này cũng dành nhiều thời gian để ôn luyện trước các kỳ thi vì khối lượng kiến thức rất lớn, chỉ có chăm chỉ mới có thể nắm vững và giành kết quả như kỳ vọng.
Năm thứ ba đại học Liên bắt đầu làm thêm tại các văn phòng luật để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp. Cô gái quê Hải Dương nhận thấy, nếu sinh viên chỉ học lý thuyết, không thực hành thực tế, sau khi ra trường dễ rơi vào khủng hoảng.
Nỗi lo tài chính được giải quyết nhờ suốt các kỳ học Liên luôn giành được học bổng, số tiền kiếm được từ công việc làm thêm cũng giúp cô trang trải sinh hoạt phí.
Theo Liên, suốt 4 năm rèn luyện ở trường Luật, nữ sinh không chỉ được tiếp nhận kiến thức, kỹ năng chuyên ngành mà còn bồi dưỡng tư duy pháp lý. "Người ta thường dán nhãn Luật là ngành học khô khan, tuy nhiên với em, pháp luật không chỉ có lý mà còn có cả tình, không phải cứ học luật là cứng nhắc", nữ thủ khoa khẳng định.
Theo đó, ngoài học về kiến thức pháp luật sinh viên ngành này cũng được rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết. Giảng viên thường xuyên đưa ra các tình huống để sinh viên chủ động vận dụng pháp luật để giải quyết. Những bài tập thực tế đó sẽ phần nào phục vụ cho các em trong quá trình phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Khi làm khóa luận tốt nghiệp, Liên thử sức với đề tài liên quan đến giải quyết tranh chấp đầu tư thương mại quốc tế. Cô đánh giá đây là đề tài mới, ít tài liệu nên trong lúc thực tập, Liên chủ động hỏi anh chị tại nơi làm việc và đọc thêm sách.
Nữ sinh dành thời gian buổi tối để nghiên cứu thêm. Suốt ba tháng làm khóa luận, hầu như Liên đều thức đến 2 giờ sáng. Nữ sinh nhận trái ngọt khi giành 9,7 điểm khóa luận và tốt nghiệp với điểm 3.66/4, trở thành thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại quốc tế.
Nhìn lại hành trình đại học, Liên hãnh diện vì bản thân đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên khẳng định bản lĩnh cá nhân. Hiện nữ sinh dành thời gian bên gia đình, trước khi quay trở lại Hà Nội để đảm nhận công việc mơ ước tại Bộ Tư pháp.
Một số thành tích của Ngô Quỳnh Liên
+ Học bổng Khuyến khích học tập loại Giỏi, Xuất sắc của Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, trường Đại học Luật Hà Nội trong 6 học kỳ liên tiếp.
+ Tác giả của công trình khoa học “Vấn đề pháp lý về mô hình thông tin công trình trong hợp đồng xây dựng - Thực tiễn tại Anh, Hoa Kỳ và kiến nghị đối với Việt Nam” được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 21(469), tháng 11/2022.
+ Tác giả báo cáo đề tài đăng kỷ yếu tại Hội thảo khoa học “Công bố kết quả nghiên cứu xuất sắc của sinh viên năm 2023”.
+ Tác giả của báo cáo đề tài đăng kỷ yếu tại Hội thảo khoa học “Công bố kết quả nghiên cứu xuất sắc của sinh viên năm 2023” do Phòng Quản lý khoa học và trị sự Tạp chí trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức.
Bình luận